Ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông ngày càng suy giảm. Ảnh: AP. |
Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự giữa Hamas và Israel tại Gaza, do Mỹ thúc đẩy, cứ liên tục bắt đầu rồi đổ vỡ bất chấp nhiều lần chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sắp đạt đột phá.
Nỗ lực hiện nay do các nước phương Tây đi đầu nhằm tránh một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah, thực chất, nhằm ngăn điểm nóng Trung Đông trở thành thảm họa. Sau khi Israel sát hại thủ lĩnh Hezbollah là Hassan Nasrallah, cơ hội thành công của nỗ lực hòa giải trở nên cực kỳ mong manh, theo New York Times.
Thành viên Hezbollah tham gia tang lễ của thủ lĩnh Hassan Nasrallah. Ảnh: New York Times. |
Ảnh hưởng của Mỹ suy yếu
Hassan Nasrallah là thủ lĩnh của Hezbollah trong hơn 30 năm, là người biến tổ chức Hồi giáo dòng Shiite này trở thành một trong những lực lượng vũ trang phi nhà nước hùng mạnh nhất thế giới. Cái chết của ông Nasrallah tạo khoảng trống quyền lực mà Hezbollah có thể mất rất nhiều thời gian để khỏa lấp.
Vụ việc cũng là một đòn mạnh giáng vào Iran, nhà tài trợ chính của Hezbollah, thậm chí có thể gây bất ổn cho Tehran.
“Ông Nasrallah là đại diện của Hezbollah, và Hezbollah là cánh tay nối dài của Iran. Hiện nay Iran đã suy yếu, thậm chí đến mức nguy hiểm khiến người ta phải tự hỏi ai có thể chỉ đạo Hezbollah", Gilles Kepel, chuyên gia về Trung Đông, nhận xét.
Trong hàng thập kỷ, Mỹ là nước duy nhất có thể gây sức ép đủ lớn để buộc Israel và các nước Arab ngồi vào bàn đàm phán. Washington là tác giả Hiệp định Trại David năm 1978 giúp tái lập hòa bình giữa Israel và Ai Cập, sau đó là giữa Israel và Jordan năm 1994.
Tổng thống Biden và Thủ tướng Netanyahu. Ảnh: New York Times. |
Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasir Arafat từng có cú bắt tay lịch sử tại Nhà Trắng năm 1993, hứa hẹn mang tới nền hòa bình lâu dài thông qua giải pháp hai nhà nước. Nhưng hy vọng mong manh đó ngày càng mờ nhạt.
Thế giới, Israel và cả các kẻ thù của Tel Aviv, đã thay đổi rất nhiều kể từ thời điểm đó. Khả năng trên mọi mặt của Mỹ để có thể gây tác động tới Iran và các tổ chức ủy nhiệm của Tehran, trong đó có Hezbollah, giờ hiện không đáng kể.
Dù Hamas và Hezbollah bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, hai nhóm này hầu như nằm ngoài tầm với của Washington.
"Trong một thế giới ly tâm nơi quyền lực phân tán thay vì tập trung vào một nước, đang có nhiều quốc gia có khả năng gây ảnh hưởng hơn. Trung Đông là một điển hình nguy hiểm khi quyền lực phân mảnh", Richard Haass, chủ tịch danh dự tổ chức Hội đồng Quan hệ quốc tế, nhận định.
Mỹ có một số đòn bẩy có thể tác động tới Israel, đáng chú ý là viện trợ quân sự, bao gồm gói viện trợ 15 tỷ USD vừa được Tổng thống Biden ký trong năm 2024.
Nhưng, liên minh Washington - Tel Aviv được xây dựng với nhiều toan tính chiến lược cả đối nội và đối ngoại, cũng như các giá trị chung về thể chế. Điều này có nghĩa Mỹ gần như chắc chắn không bao giờ bỏ rơi Israel.
Chiến dịch quân sự mà Israel phát động tại Gaza chỉ vấp phải phán ứng không đáng kể từ Washington. Tổng thống Biden nói Israel đã hành động "quá đà". Nhưng bất chấp thương vong của thường dân tại Gaza ngày một tăng cao, sự ủng hộ mà Mỹ dành cho Israel tỏ ra không mấy suy chuyển.
Nước Mỹ, bất kể dưới thời tổng thống nào, sẽ không bỏ rơi nhà nước Do Thái, dù chính quyền Benjamin Netanyahu vấp phải sự phản đối ngày càng mạnh mẽ từ trong lòng nước Mỹ cũng như từ các đồng minh châu Âu.
Toan tính của các nước lớn
Ngoài Mỹ, các nước lớn khác cơ bản chỉ đứng nhìn khi chiến sự ngày một lan rộng tại Trung Đông.
Trung Quốc, nước nhập khẩu chính dầu thô của Iran, tỏ ra không mấy quan tâm khả năng đảm nhận vai trò kiến tạo hòa bình. Bởi trật tự thế giới do Washington dẫn dắt kể từ sau 1945 càng suy yếu, Bắc Kinh càng hưởng lợi.
Trong số nước lớn ở khu vực, không bên nào đủ mạnh hoặc đủ cam kết với sự nghiệp của người Palestines để đối đầu với quân đội Israel.
Đống đổ nát tại Baalbek, Lebanon sau trận không kích của Israel. Ảnh: New York Times. |
Xét cho cùng, Iran tới nay còn hành xử cẩn trọng bởi hiểu rõ cái giá nếu bước vào chiến tranh tổng lực với Tel Aviv, thậm chí là sự sụp đổ của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ai Cập, nước nằm kế bên Dải Gaza, rất cảnh giác trước nguy cơ dòng người tị nạn Palestine tràn qua biên giới. Còn Saudi Arabia, dù ủng hộ thành lập nhà nước của người Palestines, sẽ không liều lĩnh với mạng sống của người dân nước mình.
Qatar là nước tài trợ Hamas hàng trăm triệu USD mỗi năm, một phần trong số này được dùng để xây mạng lưới đường hầm khổng lồ tại Gaza, nơi nhiều con tin Israel bị giam cầm.
Doha được Thủ tướng Israel Netanyahu tiếp tay. Nhà lãnh đạo Israel coi Hamas là công cụ hiệu quả để làm mất uy tín Nhà nước Palestine tại Bờ tây, điều này cuối cùng cản trở mọi cơ hội thành công cho giải pháp hai nhà nước và một nền hòa bình lâu dài.
Tại Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an từ lâu đã tê liệt bởi những phiếu phủ quyết của Mỹ với các nghị quyết liên quan tới Israel.
Những gì xảy ra ở Trung Đông phản ánh một khoảng trống quyền lực trong trật tự thế giới hiện tại, nơi chỗ đứng của phương Tây đang dần suy yếu, trong khi những thế lực thay thế khác đang trỗi dậy nhưng vẫn rất yếu ớt.
Giải pháp để gây sức ép đồng thời lên Hamas, Hezbollah và Israel, đòi hỏi những nỗ lực ngoại giao và gây sức ép hiệu quả, đơn giản là không tồn tại.
Bởi cồng đồng quốc tế không có một phản ứng thống nhất về tình hình ở Trung Đông, Thủ tướng Netanyahu và thủ lĩnh Hamas là Yahya Sinwar, kẻ đứng sau vụ tấn công ngày 7/10 mà Hamas tiến hành ở Israel, không phải đối mặt bất cứ hậu quả nào khi tiếp tục con đường bạo lực.
Việc Thủ tướng Netanyahu tìm cách kéo dài chiến sự, nhằm tránh phải đối mặt những trách nhiệm về quân sự và pháp lý trong nước, khiến mọi nỗ lực hòa bình trở nên phức tạp.
Ông Netanyahu đang câu giờ, ít nhất cho tới ngày 5/11 khi bầu cử tổng thống Mỹ ngã ngũ. Nếu ông Donald Trump, người được coi là đồng minh thân cận của Netanyahu, tái đắc cử, nhà lãnh đạo Israel có thể tìm được lối thoát cho những bê bối của mình.
Với Yahya Sinwar, những con tin Israel mà Hamas đang giam giữ là một công cụ. Thủ lĩnh Hamas hiện có sự ảnh hưởng không nhỏ với các bên liên quan tại Trung Đông, một phần bởi số thương vong của thường dân Palestine ngày một cao, dẫn tới thái độ thù địch chống Israel ngày một gia tăng.
"Các thể chế đã định hướng quan hệ quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu từ giữa thế kỷ XX rõ ràng cho thấy chúng không thể giải quyết những vấn đề của thiên niên kỷ mới. Các thể chế này không còn đủ, không hiệu quả và đơn giản là lỗi thời", Stephen Heintz, chủ tịch tổ chức Rockefeller Brothers Fund, nhận định.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...