Reuters dẫn nguồn thạo tin với tổ chức OPEC cho biết các thành viên lo ngại ông Biden có thể thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ với ba thành viên của OPEC, bao gồm Saudi Arabia, Iran và Venezuela, cũng như một quốc gia quan trọng khác nhưng không phải thành viên OPEC là Nga.
Nga là nước dẫn đầu các nhà sản xuất dầu liên minh với OPEC, hay còn gọi là nhóm OPEC+.
Việc Mỹ thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela đã khiến hàng triệu thùng dầu không được đưa ra thị trường mỗi ngày. Nếu Tổng thống tân cử Biden nới lỏng các biện pháp trong vài năm tới để tăng sản lượng có thể khiến OPEC khó cân bằng cung với cầu hơn.
Một số quốc gia lo ngại việc ông Biden đắc cử có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và OPEC. Ảnh: Reuters. |
Ông Biden cho biết ông ưu tiên ngoại giao đa phương hơn so với các lệnh trừng phạt đơn phương mà ông Trump áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là các lệnh trừng phạt khó có thể sớm được nới lỏng.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden cho biết ông sẽ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran nếu Tehran tiếp tục tuân thủ hiệp ước.
Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2016, áp đặt lại các lệnh trừng phạt làm cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran. Một số quốc gia trong OPEC lo ngại rằng việc Iran quay trở lại sẽ làm tăng thêm tình trạng dư nguồn cung, trong khi không cắt giảm ở những nơi khác. Các nước này cũng lo ngại về vai trò của Moscow trong nhóm OPEC+.
“Có nguy cơ Nga rời khỏi thỏa thuận OPEC+, đồng nghĩa với sự sụp đổ của thỏa thuận này, vì chính Tổng thống Trump là người đã đưa Moscow gia nhập nhóm", nguồn tin nói với Reuters.