Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump bất ngờ đe dọa đòi lại Kênh đào Panama

Ông Trump cũng cảnh báo sẽ không để "tài sản quốc gia quan trọng" của Mỹ rơi vào "tay kẻ xấu".

Tàu container di chuyển qua một trong các âu tàu thuộc hệ thống Kênh đào Panama. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 22/12 cáo buộc Panama tính phí quá cao đối với sử dụng Kênh đào Panama, đe dọa sẽ lấy lại quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào này, theo Reuters.

"Có ai từng nghe nói đến Kênh đào Panama không?... Vì chúng ta đang bị lừa ở Kênh đào Panama giống như chúng ta đang bị lừa ở mọi nơi khác", ông Trump phát biểu tại sự kiện thường niên AmericaFest ở bang Arizona, do nhóm vận động tranh cử Turning Point Action tổ chức tại Phoenix. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước những người ủng hộ kể từ cuộc bầu cử.

Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh rằng mức phí do Panama áp dụng đối với hoạt động lưu thông qua kênh đào "thật vô lý và cực kỳ bất công".

Ông cũng chỉ ra rằng thỏa thuận năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter về việc chuyển giao kênh đào từ Mỹ sang Panama có những điều khoản đòi hỏi Panama phải đối xử công bằng với Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Panama "đã không đối xử công bằng với chúng ta", ông Trump nhấn mạnh.

"Cả về mặt đạo đức và pháp lý, nếu các nguyên tắc cử chỉ hào phóng này không được tuân thủ thì chúng ta sẽ yêu cầu trả lại Kênh đào Panama cho chúng ta, toàn bộ, nhanh chóng và không cần thắc mắc", ông Trump nói.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ, ông Trump cũng nhấn mạnh sẽ không để kênh đào rơi vào "tay kẻ xấu", đồng thời cảnh báo về khả năng Trung Quốc gây ảnh hưởng đến tuyến đường thủy quốc tế huyết mạch này.

Sau sự kiện, ông Trump đã đăng một hình ảnh trên Truth Social về một lá cờ Mỹ tung bay trên một vùng nước hẹp, với bình luận: "Chào mừng đến với Kênh đào Mỹ!".

Ông Trump khẳng định Kênh đào Panama là "tài sản quốc gia quan trọng" đối với Mỹ, "cực kỳ quan trọng" đối với thương mại và an ninh quốc gia.

Lời cảnh báo được đưa ra vài ngày sau khi ông Trump nhấn nhá trong một bài đăng vào sáng sớm rằng người Canada có thể muốn nước này trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, chế giễu Thủ tướng Justin Trudeau là "Thống đốc Trudeau".

Những phát biểu mới nhất của Trump về Kênh đào Panama có thể báo hiệu khả năng thay đổi ​​trong ngoại giao của Mỹ sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc và an ninh châu Âu.

Hôm 20/12, tờ Financial Times đưa tin đội ngũ của ông Trump đã nói với các quan chức châu Âu rằng ông sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP.

Lời cảnh báo của ông Trump đối với Panama - được cho là hành động hiếm thấy từ một lãnh đạo Mỹ - đưa ra 25 năm sau khi Mỹ trao toàn quyền kiểm soát kênh đào cho Panama sau một thời gian quản lý chung.

Năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đàm phán Hiệp ước Torrijos-Carter trao cho Panama quyền kiểm soát kênh đào và Hiệp ước trung lập, cho phép Mỹ bảo vệ tính trung lập của kênh đào.

Kênh đào hiện do Cơ quan quản lý kênh đào Panama quản lý.

Mỹ đã hoàn thành kênh đào dài 82 km qua eo đất Trung Mỹ vào năm 1914 và vẫn là khách hàng lớn nhất của kênh đào, chiếm khoảng 3/4 lượng hàng hóa quá cảnh qua đây mỗi năm.

Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của kênh đào và một công ty Trung Quốc có trụ sở tại Hong Kong kiểm soát hai trong số 5 cảng liền kề với kênh đào.

Tuy nhiên, khô hạn kéo dài đã cản trở khả năng di chuyển tàu giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của kênh đào.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Lael Brainard tuần trước cho biết sự gián đoạn vận chuyển đã góp phần gây áp lực lên chuỗi cung ứng.

Theo cơ quan quản lý kênh đào, lượng tàu qua lại kênh đào Panama đã giảm 29% trong năm tài chính vừa qua do tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Từ tháng 10/2023 đến tháng 9/024, chỉ có 9.944 tàu đi qua kênh đào, so với 14.080 tàu của năm trước.

Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế

Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.

> Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Dương Lam

Bạn có thể quan tâm