Tết Thanh Minh là một ngày lễ quan trọng ở các nước phương Đông. Trong ngày này, người dân thường dọn dẹp lăng mộ, thắp hương và cúng dường cho tổ tiên. Tết Thanh Minh năm nay rời vào ngày 4/4 (tức 12/3 âm lịch).
Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát làm truyền thống hiếu kính này khó được duy trì. Tại Hong Kong, doanh thu của các cửa hàng bán mã giảm mạnh so với mọi năm. Đáng chú ý, người dân có xu hướng mua các vật phẩm y tế giấy để cúng Tết Thanh Minh, theo South China Morning Post.
Một nghệ nhân đứng cạnh sản phẩm vàng mã. Ảnh: SCMP. |
Để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, chính quyền Hong Kong mới ban hành lệnh cấm tụ tập trên 4 người ở nơi công cộng. Điều này đồng nghĩa với ít người đi tảo mộ hơn trong Tết Thanh Minh.
Cửa hàng bán mã Chun Shing Hong tại Hong Kong giảm 35% doanh thu so với cùng kỳ. Theo ông chủ To Chin-sung, sự sụt giảm này là do các gia đình Hong Kong không thể tới Trung Quốc tảo mộ tổ tiên. Chính quyền Hong Kong sẽ yêu cầu họ cách ly 14 ngày sau khi trở về từ Đại lục.
“Chúng tôi đang chịu thiệt hại nghiêm trọng. Thu nhập của cửa hàng trong dịp Tết Thanh Minh thường là 1.300 USD. Năm nay, chúng tôi chỉ kiếm được một nửa số đó”, ông To cho biết.
Cũng theo ông To, khách hàng trẻ đang có xu hướng mua đồ vàng mã liên quan tới chăm sóc sức khoẻ. “Có người tin rằng tổ tiên ở thế giới bên kia miễn nhiễm với bệnh tật. Nhưng cũng có nhiều người muốn dâng cúng y bác sĩ, thuốc thang bằng giấy”.
Ông To cũng chia sẻ về một kiệt tác trị giá gần 180 USD mà ông thực hiện trong ngày lễ năm nay - Du thuyền giấy dài 1 m với các chi tiết bên trong như phòng điều khiển, phòng ăn, phòng khách.
Du thuyền giấy của cửa hàng vàng mã Chun Shing Hong. Ảnh: SCMP. |
“Khách đặt hàng cho biết người đã khuất trong gia đình thích đi du thuyền. Khác với Diamond Princess, du thuyền chúng tôi làm dành riêng cho gia đình khách nên không có bệnh dịch lây lan đâu”, ông To hóm hỉnh chia sẻ.
Một hàng mã khác, Po Tai Hong, chỉ kiếm được một nửa doanh thu so với năm trước. Theo ông chủ Kwan Wing-ho, mức chi tiêu trung bình của khách giảm còn 12-26 USD do suy thoái kinh tế. “Không lỗ là may lắm rồi, nói gì đến lãi”.
Ông Kwan cũng chia sẻ về vài yêu cầu đặc biệt của khách hàng thời dịch. “Có người hỏi tôi có bán khẩu trang giấy không. Thật ra, tôi nghĩ đốt khẩu trang thật còn rẻ hơn đốt khẩu trang giấy đặt làm ở hàng mã”.
Nghệ nhân của cửa hàng Po Wah, ông Au Yeung Ping-chi, từng làm hai chiếc khẩu trang giấy dù không bán cho khách. Ông mất gần 1 tiếng để thực hiện những chiếc khẩu trang 3 lớp giống hệt phiên bản thật.
Tuy nhiên, chi phí làm bản giấy, có giá khoảng 0,4- 0,6 USD, lại đắt hơn hàng thật. “Chi phí nguyên liệu và quy trình thủ công làm giá thành đồ giả đắt hơn đồ thật”, nghệ nhân giải thích.
Giống như nhiều hàng mã khác, cửa hàng của ông Au Yeung cũng làm ăn thất bát vì Covid-19. Ông lo rằng dịch bệnh kéo dài tới tận Lễ hội Ma đói vào mùa hè - đây cũng là một dịp mà người dân thường hoá vàng.
Một cửa hàng vàng mã ở Sai Ying Pun, Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Dù vậy, có nhiều khách hàng như bà nội trợ Michelle Liu vẫn mua sắm đồ mã đầy đủ. Dù chồng đã nghỉ việc không lương từ đầu tháng 2, bà Liu vẫn mạnh tay chi 78 USD để mua vàng mã. Bà cho biết dịch bệnh không thể làm mai một truyền thống hiếu kính với tổ tiên.
Tuỳ vào kích cỡ và độ phức tạp, các mặt hàng vàng mã ở Hong Kong thường có giá 12-130 USD với nhiều kiểu mẫu đa dạng như tai nghe, thuốc lá điện tử, máy ảnh, bộ bàn ghế,…