Khi thế giới vật lộn với sự lan rộng nhanh chóng của Covid-19, Hong Kong dường như đã thành công trong việc kiểm soát nó - một phần nhờ ký ức về một loại virus tương tự vào năm 2003.
Theo Bloomberg, chính quyền Hong Kong đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp "cách ly cộng đồng" hiện được tranh luận sôi nổi trên khắp thế giới, một phần do áp lực từ các nhân viên y tế yêu cầu đóng cửa biên giới với Trung Quốc khi dịch bệnh bùng phát.
Các biện pháp cách ly cộng đồng bao gồm đóng cửa trường học, hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn, đóng cửa văn phòng chính quyền và ra lệnh cho công chức làm việc tại nhà - một động thái mà nhiều công ty nhanh chóng làm theo.
Một du khách thực hiện các biện pháp phòng ngừa chống nhiễm trùng tại Sân bay Quốc tế Hong Kong. Ảnh: South China Morning Post. |
Nicholas Thomas, phó giáo sư tại Đại học Thành thị Hong Kong cho biết kinh nghiệm của Hong Kong với Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng (SARS) - đã giết chết gần 300 người - đã tác động đến tâm lý của thành phố.
Nhiều cư dân đeo khẩu trang y tế và tránh các cuộc tụ họp từ khi dịch bệnh bùng phát và tiếp tục hơn sáu tuần sau đó.
Dù vậy, không nơi nào có thể tự tin rằng họ đã chiến thắng dịch. Ngày 18/3 ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất trong một ngày tại Hong Kong, với 25 trường hợp nhiễm mới được phát hiện, dù hầu hết trong số đó là các ca nhiễm ở người từ nước ngoài về.
Hôm 17/3, chính quyền cho biết sẽ gia hạn kiểm dịch 14 ngày bắt buộc đối với tất cả du khách đến từ bên ngoài Trung Quốc đại lục, nhắc lại rằng cư dân thành phố nên tránh đi du lịch và sẽ tiếp tục đóng cửa một số trường học qua ngày 20/4.
"Chúng tôi sẽ rất cẩn thận trong việc mở lại trường học. Từ những gì chúng ta thấy bây giờ, việc mở lại hoàn toàn trường học vào ngày 20/4 là hoàn toàn không thể. Và ngay cả khi tình hình đã ổn định, chúng tôi chỉ có thể mở lại các trường theo từng giai đoạn", Trưởng đặc khu Carrie Lam nói.
Các biện pháp ban đầu
Hầu hết lệnh hạn chế của Hong Kong được đưa ra vào cuối tháng 1, khi thành phố chỉ có một số ít trường hợp.
Từ ngày 25/1, chính quyền đặc khu tuyên bố dịch bệnh do virus này gây ra là một "tình huống công khẩn cấp", 2 ngày sau khi có trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Theo Fortune, chính quyền đã chuẩn bị cho việc có ca nhiễm từ ngày 31/12/2019, lúc Trung Quốc thông báo về virus này với WHO lần đầu tiên.
Cũng trong ngày 31/12/2019, Hong Kong bắt đầu áp dụng biện pháp kiểm tra thân nhiệt tại các cửa khẩu. Đến ngày 7/1, hội đồng lập pháp đặc khu thông qua luật cho phép cách ly những trường hợp nghi nhiễm.
Tính đến ngày 18/3, thành phố có tổng cộng 192 trường hợp, bao gồm cả những người trở về từ tàu du lịch Diamond Princess và chỉ có bốn người chết.
Ngược lại, Hàn Quốc chỉ bắt đầu thực hiện các biện pháp quyết liệt vào ngày 23/2, khi hàng trăm người đã bị nhiễm bệnh. Hiện nước này có hơn 8.100 người mắc bệnh và 75 người chết.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam (trái) cùng Bộ trưởng Bộ Thực phẩm và Sức khỏe Sophia Chan Siu-chee. Ảnh: South China Morning Post. |
Thành phố New York cũng hành động chậm hơn nhiều. Tối 15/3, Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố các trường công lập sẽ đóng cửa từ ngày 16/3 khi số ca bệnh của thành phố tăng vọt vào cuối tuần tới 463 trường hợp được xác nhận và năm trường hợp tử vong.
Đối với Hong Kong, thành công tương đối đánh dấu một chút tin tốt sau 12 tháng tàn khốc cho nền kinh tế. Virus này đang tiếp tục kìm hãm tăng trưởng kinh tế sau khi những tháng dài biểu tình khiến các khu vực lớn của thành phố phải đóng cửa trong nửa cuối năm 2019.
Phản ứng hiệu quả với virus không giúp nhiều cho bà Lam, người đang chống chọi với tỷ lệ tín nhiệm thấp và các cuộc biểu tình phản đối. Ban đầu, bà chống lại áp lực của công chúng để đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc và chỉ thực hiện khi hàng nghìn nhân viên y tế bắt đầu cuộc đình công gây áp lực.
Theo Fortune, Hong Kong chia sẻ một đường ranh giới dài 30 km với Trung Quốc đại lục, có một cây cầu nối tới đại lục, một sân bay và vài cảng biển. Hơn 300.000 người đi lại ranh giới giữa đại lục và Hong Kong mỗi ngày, và du khách có thể từ thành phố Thâm Quyến đến Hong Kong chỉ trong 15 phút.
Đeo khẩu trang trở thành một hành động bình thường tại Hong Kong sau dịch SARS năm 2003. Từ trước khi Covid-19 xảy đến, các cư dân đã có thói quen đeo khẩu trang khi bị ốm, dù chỉ là cảm thường. Nên khi dịch bệnh đến, người dân đã tự động tích trữ và đeo khẩu trang từ cuối tháng 1, không cần đến khuyến cáo từ giới chức.
Không như Singapore và Macau, chính quyền Hong Kong đã không thể cung cấp đủ số khẩu trang cần thiết cho người dân, và sự thiếu hụt khiến công chúng hoảng loạn. Ngày 5/2, khoảng 10.000 đã xếp hàng qua đêm để mua khẩu trang (mỗi người được 2 hộp) từ một nhà nhập khẩu.
Tại Hong Kong, công chúng cũng áp dụng một số hình thức cách ly xã hội nhưng bỏ ghế trống trên tàu điện hoặc "cố thủ" ở nhà trong ngày nghỉ cuối tuần.
Khó mà quyết định được yếu tố nào đã giúp Hong Kong giữ được tỷ lệ lây nhiễm thấp, nhưng Gabriel Leung, người đứng đầu trường y tại Đại học Hong Kong, cho rằng đó là một "combo" gồm việc truyền thông minh bạch, cách ly xã hội, giữ gìn vệ sinh và hệ thống bệnh viện tốt.
Can thiệp sớm có hiệu quả rõ rệt
Các biện pháp triển khai sớm có thể có hiệu quả rõ rệt. Nghiên cứu về đại dịch cúm năm 1918 ở Mỹ cho thấy các thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp "can thiệp phi dược phẩm", bao gồm đóng cửa các trường học và nhà thờ, dẫn đến tỷ lệ tử vong thấp hơn tới 50% và khiến dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các nơi khác.
Các nhà nghiên cứu y tế ước tính Trung Quốc có thể giảm số ca mắc Covid-19 đã được xác nhận tới 95% nếu các quan chức thực hiện các can thiệp - từ ngăn chặn và cách ly đến phân lập cộng đồng - sớm hơn chỉ ba tuần.
Ngay cả việc thực hiện chúng trước đó một tuần cũng sẽ giảm 66% các trường hợp của Trung Quốc, trong khi con số này có thể nhảy vọt 18 lần nếu các biện pháp đó diễn ra ba tuần sau đó, theo nghiên cứu trong tháng này do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.
Một du khách đeo khẩu trang ngồi trong sảnh làm thủ tục vắng vẻ ở Sân bay Quốc tế Hong Kong, ngày 5/3. Ảnh: Bloomberg. |
Theo ông Benjamin Cowling, giáo sư và đồng giám đốc của Trung tâm Hợp tác Dịch tễ học và Kiểm soát Dịch bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Sức khỏe Cộng đồng Hong Kong, các biện pháp cách ly xã hội có thể là một phần quan trọng trong việc ngăn chặn virus sau khi các chính phủ đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn khác.
Chính phủ cần tiến hành các xét nghiệm để xác định và cách ly những người nhiễm bệnh và những người mà họ đã liên hệ, đồng thời giảm các trường hợp nhập khẩu từ nước ngoài. Một khi dịch bệnh đã xảy ra và việc theo dõi các trường hợp nghi ngờ trở nên khó khăn hơn, các biện pháp cách ly xã hội như đóng cửa trường học, làm việc tại nhà và tự nguyện tránh các khu vực đông người là chìa khóa.
"Cách ly xã hội trở nên quan trọng hơn nếu có sự truyền nhiễm ổn định trong cộng đồng và chúng tôi muốn làm chậm nó lại, vì tại thời điểm đó, hai biện pháp đầu tiên đã giành được hiệu quả. Hy vọng Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác có thể học hỏi từ Hong Kong và Singapore về cách áp dụng cách ly xã hội và tăng cường nhận thức của người dân", ông nói.
Singapore - nơi không đóng cửa trường học hoặc văn phòng - ban đầu đã thành công trong việc kiềm chế virus nhưng gần đây đã chứng kiến một làn sóng thứ hai khi trường hợp nhiễm mới cũng tăng trở lại.
Các trường hợp gần đây thường trở về từ nước ngoài, thay vì thông qua lây truyền trong địa phương.
Đài Loan, nơi đã sàng lọc cẩn thận các chuyến bay từ Trung Quốc và đã ra lệnh phạt nghiêm những người phá vỡ kiểm dịch lên tới 33.228 USD, cũng đạt được thành công ban đầu, nhưng vừa chứng kiến số ca nhiễm đạt mức 100, với 23 ca nhiễm chỉ trong ngày 18/3 (21 ca là người về từ nước ngoài), theo Taiwan News.
Hong Kong hiện cũng lo lắng về làn sóng ca bệnh thứ hai. Một tờ báo địa phương đã chỉ trích nhóm người nước ngoài tụ tập trong các quán bar mà không đeo khẩu trang - cho thấy áp lực xã hội đối với việc cách ly cộng đồng vẫn tiếp tục bên cạnh các biện pháp của chính phủ.
"Mọi người có trách nhiệm mạnh mẽ trong việc tuân thủ các chuẩn mực xã hội và tôn trọng cộng đồng rộng lớn hơn. Có một số nhận thức trong hai thập kỷ qua rằng những vấn đề này đã tồn tại và chúng ta phải làm gì đó với nó", phó giáo sư Thomas nhận xét.