Nhiều nơi ở châu Á, dù đã kiểm soát phần nào dịch bệnh trong những tuần qua so với Mỹ và châu Âu, vẫn lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát bất cứ lúc nào. Nỗi lo đó khiến cuộc sống khác xa so với bình thường.
Cơ quan quản lý di trú ở Thái Lan đang hỗ trợ du khách bị mắc kẹt và cần gia hạn visa. Ảnh: New York Times. |
Báo hiệu khó khăn cho Mỹ và châu Âu
Ở Trung Quốc, các chuyến bay quốc tế đã bị cắt giảm đáng kể, khiến các sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài không biết bao giờ mới có thể về nhà. Ở Singapore, những cư dân vừa trở về từ nước ngoài phải chia sẻ vị trí trên điện thoại với chính quyền mỗi ngày để chứng tỏ họ đang tuân thủ cách ly.
Ở Đài Loan, một người đàn ông bị phạt 33.000 USD vì lẻn ra khỏi nhà khi đang phải cách ly. Ở Hong Kong, một bé gái 13 tuổi trong một nhà hàng bị phát hiện đeo vòng tay được dùng để theo dõi những người cách ly. Em bị bám theo, quay phim và bị “ném đá” trên mạng.
Các nước châu Á đang thắt chặt biên giới và có các biện pháp cách ly quyết liệt trước lo ngại về các ca nhiễm trở về từ nước ngoài. Ở nhiều nước, các du học sinh ở Mỹ và châu Âu vội vàng bay về nước khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ và châu Âu.
Các diễn biến trên là dấu hiệu đáng lo ngại cho Mỹ, châu Âu và các nước khác vẫn đang chống chọi với dịch bệnh đang hoành hành. Bài học đối với họ là: dù có kiềm chế dịch bệnh thành công, mọi kết quả đều rất mong manh, và thế giới có thể tiếp tục bị phong tỏa, cách ly như vậy trong thời gian dài.
Nơi cách ly tại sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc, vào tháng 2. Ảnh: New York Times. |
Ngay cả khi số ca nhiễm mới giảm đi, các lệnh giới hạn đi lại, cấm nhập cảnh có thể vẫn sẽ tiếp tục cho tới khi có vắcxin hay thuốc chữa Covid-19, nhất là khi có nhiều người nhiễm bệnh không có triệu chứng.
Gần đây, Trung Quốc, Hong Kong, Singapore và Đài Loan đều đã cấm khách nước ngoài nhập cảnh. Nhật Bản đã cấm khách từ hầu hết nước châu Âu, và đang cân nhắc cấm khách từ Mỹ. Hàn Quốc yêu cầu mọi người nước ngoài phải cách ly trong các cơ sở của nhà nước trong 14 ngày.
“Ngay cả các nước đã khá thành công trong việc ứng phó với đại dịch cũng chỉ an toàn như mắt xích yếu nhất trong hệ thống”, Krista Govella, giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii, nói với New York Times, nhận định rằng giải pháp từng quốc gia một là không đủ trước một đại dịch toàn cầu.
Khi chưa có sự phối hợp quốc tế, đóng cửa biên giới là một giải pháp của các nước để kiểm soát tình hình, bà cho biết. Các biện pháp đó gần đây đang được thắt chặt.
Sân bay quốc tế Kansai ở Osaka, Nhật Bản gần như không người vào ngày 31/3. Nhật Bản đã cấm người tới từ hầu hết châu Âu. Ảnh: New York Times. |
Hàn Quốc, được quốc tế đánh giá cao vì kiềm chế virus nhanh chóng sau thời gian đầu bùng nổ số ca bệnh, đã yêu cầu cách ly đối với khách tới từ một số nước. Giờ đây, Hàn Quốc mở rộng yêu cầu cách ly đối với cả thế giới.
Nhật Bản ban đầu yêu cầu du khách cách ly, nhưng giờ đây cấm hẳn khách đến từ hầu hết nước châu Âu, và đang cân nhắc mở rộng lệnh cấm sang cả Mỹ.
Trung Quốc, Hong Kong, Singapore và Đài Loan gần như đóng cửa hoàn toàn biên giới với người nước ngoài.
Du khách được phun khử trùng trong lều ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: New York Times. |
Sẽ tổn thất lớn nếu dịch bệnh kéo dài
Alex Fei, sinh viên Trung Quốc ở Canada, cố tìm cách về nước. Nhưng chuyến bay của anh bị hủy hai lần, một lần là khi Hong Kong cấm quá cảnh, lần thứ hai là khi hãng hàng không hủy bay thẳng Vancouver - Thượng Hải.
“Du học sinh bây giờ bị kẹt rồi”, Fei nói với New York Times.
Các công dân trở về nước thành công đa phần phải cách ly khắt khe. Một số nước dùng cảnh sát và các công cụ tư pháp để áp đặt lệnh cách ly. Chẳng hạn, khi tự cách ly ở nhà, người Hong Kong mới về phải đeo vòng tay theo dõi, và vị trí của họ được điện thoại ghi lại. Hơn 200.000 người đang tự cách ly tại nhà.
Trung Quốc và Đài Loan cũng áp dụng công nghệ vào cách ly. Ở Trung Quốc, người cách ly đo nhiệt độ mỗi ngày và gửi cho tổ dân phố qua WeChat. Ở Đài Loan, chính quyền sẽ tới nhà nếu người cách ly rời khỏi nhà hay tắt điện thoại.
Thu thập mẫu bệnh phẩm ngày 31/3 ở một khách sạn đã chuyển thành nơi cách ly ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Filia Lim, 50 tuổi, nói các lệnh cách ly ở Singapore đã khiến bà “đau đầu” vì bà phải đi lại nhiều nhằm phục vụ công việc của mình. Nhưng bà cũng “thấy may mắn” khi Singapore theo dõi người về nước chặt chẽ như vậy.
“Virus lây lan đa phần vì mọi người không nhận ra mình có triệu chứng, hoặc do những người làm ngơ triệu chứng rồi tương tác với nhiều người, bất chấp các khuyến nghị từ chính phủ rằng họ phải tự cách ly”, bà nói với New York Times.
Hình phạt cho việc trốn cách ly có thể rất nặng. Một người Singapore 53 tuổi vi phạm lệnh cách ly bị hủy hộ chiếu. Ở Nhật, nếu vi phạm có thể bị tù 6 tháng hoặc phạt tiền tới 4.600 USD.
Nhưng chính phủ Nhật Bản cũng dựa vào lòng tin. Người về nước phải ký cam kết rằng họ sẽ ở tại chỗ và không dùng phương tiện công cộng. Nếu có ra ngoài mua đồ ăn, họ phải đeo khẩu trang và đi “thật nhanh”.
Ở Singapore, những cư dân vừa trở về từ nước ngoài phải chia sẻ vị trí trên điện thoại với chính quyền mỗi ngày để chứng tỏ họ đang tuân thủ cách ly. Ảnh: New York Times. |
Hàn Quốc chưa cấm khách từ nước ngoài nhập cảnh, trừ người từ Hồ Bắc. Nhưng các ý kiến chỉ trích nói nếu chỉ cách ly người nước ngoài như vậy, có thể khiến người nước ngoài nghĩ rằng Hàn Quốc là nơi khá tốt để tới xét nghiệm và chữa trị, gây thêm gánh nặng cho ngành y tế, bác sĩ Park Jong Hyuk, người phát ngôn của Hội Y học Hàn Quốc, nói với New York Times.
Ông Park kêu gọi cấm hoàn toàn người nước ngoài nhập cảnh.
Trước mắt, khi các chính phủ vẫn đang gồng mình để bảo vệ người dân, các biện pháp trên là có lý, theo các chuyên gia. Nhưng nếu kéo dài càng lâu, càng thiệt hại cho kinh tế toàn cầu.
“Mặc dù ưu tiên đầu tiên nên là kiểm soát virus... nhưng vẫn cần tính đến chi phí rất tốn kém, và nếu cuộc khủng hoảng này kéo dài, các chi phí đó sẽ đội lên”, Karen Eggleston, giám đốc chương trình chính sách y tế châu Á tại Đại học Stanford, nói với New York Times.