Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hong Kong lo công sức chống dịch 'đổ sông' do chủ quan quá sớm

Hong Kong đang phải nỗ lực bổ sung các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới, hậu quả của việc chính quyền thành phố nới lỏng các hạn chế quá sớm.

"Nếu không áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn vào giai đoạn này, tất cả những nỗ lực ngăn chặn dịch của chúng ta trong hai tháng qua sẽ chẳng khác nào muối bỏ bể", South China Morning Post bình luận.

Hong Kong mới một tuần trước còn được xem là "hình mẫu" trong cuộc chiến chống virus corona, với số lượng ca nhiễm tương đối thấp sau nhiều tháng đương đầu với đại dịch. Đó phần lớn là nhờ chính quyền đặc khu đã nhanh chóng hành động ngay từ khi dịch bắt đầu lây lan ở Trung Quốc đại lục.

Trong lúc nhiều nước chưa đánh giá được sự nghiêm trọng của tình hình, Hong Kong đã thực hiện các biện pháp mà giờ đây được áp dụng khắp thế giới như khoanh vùng virus, cách ly cộng đồng, khuyến nghị người dân rửa tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang và các đồ bảo hộ khác.

Hong Kong là bằng chứng cho thấy các biện pháp này phát huy hiệu quả, thành phố 7,5 triệu dân chỉ có 150 người mắc bệnh tính đến đầu tháng 3, ngay cả khi số ca nhiễm tăng vọt ở các quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và lan nhanh khắp châu Âu, Bắc Mỹ, CNN cho biết.

Tuy nhiên, Hong Kong lúc này đây lại đang cho thế giới nhìn thấy một bài học rất khác: Điều gì sẽ xảy ra nếu như mất cảnh giác quá sớm? Số ca nhiễm corona ở thành phố tăng gần gấp đôi tuần trước, trong đó phần nhiều là ca nhiễm “ngoại nhập” do làn sóng người Hong Kong trở về từ nước ngoài. Họ rời thành phố vì lý do học tập, làm việc, hoặc tìm kiếm sự an toàn khi hồi đầu năm Hong Kong đứng trước nguy cơ bùng dịch nghiêm trọng, rồi họ trở về, mang theo virus.

chau A chong dich anh 1

Khách trở về Sân bay Quốc tế Hong Kong ngày 183. Ảnh: Getty.

Làn sóng "ngoại nhập"

Hôm 23/3, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố tất cả những người không phải cư dân thành phố sẽ bị cấm nhập cảnh từ ngày 25/3 - biện pháp mới nhất của đặc khu nhằm ứng phó với nguy cơ hứng chịu một đợt bùng phát mới.

Cũng như Hong Kong, nhiều vùng khác ở châu Á như Trung Quốc đại lục, Singapore và Đài Loan - từng là những nơi đầu tiên kiểm soát hiệu quả dịch bệnh - đều đang tăng cường các biện pháp hạn chế mới trước làn sóng gia tăng đột ngột số ca nhiễm mới.

So với các thành phố lớn ở phương Tây như London hay New York, người dân Hong Kong đôi khi cảm thấy họ là người đi trước. Nhiều biện pháp mà thành phố châu Á này thực hiện từ tháng 2, giờ mới được triển khai ở các đô thị châu Âu và Mỹ.

Song diễn biến mới ở Hong Kong có thể xem là kinh nghiệm cay đắng, bởi nó chỉ ra rằng cần phải duy trì tốt biện pháp cách ly và hạn chế tiếp xúc xã hội sau đợt bùng phát đầu tiên, nếu không muốn hứng chịu một đợt tấn công thứ hai của virus corona. Với những nơi chỉ mới bắt đầu thực hiện phong tỏa, điều này có nghĩa là phía trước họ, hành trình sẽ còn dài.

Chủ quan quá sớm?

Ngày 2/3, sau vài tuần làm việc từ xa, phần lớn trong số 180.000 công chức Hong Kong bắt đầu trở lại văn phòng. Các doanh nghiệp tư nhân cũng nối gót hoạt động trở lại, hệ thống tàu điện ngầm bỗng chốc ồ ạt hành khách.

Vào thời điểm đó, đây dường như là một quyết định hợp lý. Ngay cả khi số ca nhiễm tăng liên tục ở Italy và nhiều nơi khác, Hong Kong cũng chỉ mới ghi nhận 100 ca nhiễm, trong khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục bắt đầu ổn định.

Người Hong Kong bắt đầu cho phép mình “nghỉ ngơi” theo một cách nào đó, không chỉ là đi làm trở lại mà còn tham gia vào các cuộc ăn uống, đến công viên, dự tiệc cưới và các cuộc hội họp đông người khác. Dù việc đeo khẩu trang vẫn phổ biến, một số người đã ra ngoài mà không sử dụng biện pháp che chắn nào cả, nhất là khi di chuyển ngắn. Phần đông đều có cảm giác rằng cuộc sống đang dần trở lại bình thường.

chau A chong dich anh 2

Người dân thực hiện đeo khẩu trang ở Hong Kong. Ảnh: New York Times.

Tuần tiếp theo sau khi mọi người quay trở lại làm việc, Hong Kong chỉ phát hiện thêm 5 ca nhiễm mới, hầu hết đến từ bên ngoài. Số ca nhiễm vẫn được duy trì ở mức thấp cho tới ngày 16/3, khi thành phố ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm mới, phần lớn là người từ bên ngoài trở về. Điều này cho thấy các biện pháp cách ly chưa đủ nên virus lại lây lan trong cộng đồng.

Chưa phải lúc nghỉ ngơi

"Nếu không áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn vào giai đoạn này, tất cả những nỗ lực ngăn chặn dịch của chúng ta trong hai tháng qua sẽ chẳng khác nào muối bỏ bể", South China Morning Post dẫn lời Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam phát biểu hôm 18/3.

Trước tình hình mới, Hong Kong chạy đua để kiểm soát dịch bệnh trở lại, với nhiều biện pháp ngăn chặn mới được đưa ra, bao gồm gắn vòng tay điện tử cho tất cả người mới nhập cảnh và yêu cầu họ tự cách ly nghiêm ngặt tại nhà trong 14 ngày, người không tuân thủ có thể sẽ bị truy tố hình sự.

Cuối tuần qua, cảnh sát đã tuần tra tại các khu phố đêm để truy tìm những người vi phạm lệnh cách ly, bắt ít nhất 5 người, 2 người trong số đó đã cắt vòng điện tử để đi ra ngoài mà không bị theo dõi.

chau A chong dich anh 3

Nhân viên y tế triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tại Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Bắt đầu từ ngày 23/3, công chức trong thành phố tiếp tục làm việc tại nhà, nhiều công ty tư nhân dự kiến áp dụng biện pháp tương tự. Một trong những cố vấn y tế hàng đầu của chính quyền đặc khu cảnh báo rằng giới chức có thể phải ra lệnh phong tỏa toàn diện và hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng nếu cần thiết để ngăn chặn đợt lây nhiễm mới.

Tất cả người từ bên ngoài sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hong Kong từ ngày 25/3. Sân bay quốc tế của thành phố cũng sẽ không cho phép hành khách quá cảnh. Bất cứ ai tới thành phố, dù đến từ đâu, cũng đều phải xét nghiệm. Nhiều quán bar, nhà hàng sẽ bị đóng cửa, với lệnh cấm bán rượu mới được ban hành.

Bà Carrie Lam hôm 21/3 nói cho đến nay thành phố đã “vượt qua hai đợt bùng phát dịch một cách hiệu quả và an toàn”.

"Đợt đầu đối phó với nguy cơ lây nhiễm từ Trung Quốc đại lục, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp”, bà Lam cho biết.

“Đợt bùng phát thứ hai là tình trạng lây nhiễm tại địa phương, với những cụm dịch phát sinh từ việc tụ tập ăn uống và các hoạt động khác. Lúc này đây, chúng tôi đang phải đối mặt với đợt bùng phát thứ ba".

Bà Lam cho rằng khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, việc mọi người bắt đầu “nghỉ ngơi một chút” như hồi đầu tháng 3 cũng là tâm lý tự nhiên. Tuy nhiên, trưởng đặc khu nhấn mạnh người dân Hong Kong cần phải điều chỉnh hành vi vì tình hình đã thay đổi, thành phố đang đứng trước đợt bùng phát mới nguy hiểm và khó khăn nhất phát sinh từ diễn biến của đại dịch trên toàn cầu và làn sóng người trở về.

Tương tự như Hong Kong, Singapore ngày 22/3 đã phải ban hành các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới với khách nước ngoài nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đến từ bên ngoài. Đài Loan từng ngăn chặn hiệu quả đợt bùng phát đầu tiên, hiện cũng đang bổ sung nhiều biện pháp mới để tránh gia tăng số ca nhiễm “ngoại nhập”.

Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, tất cả chuyến bay quốc tế đều được yêu cầu chuyển hướng tới thành phố khác do số ca nhiễm từ ngoài vào tiếp tục tăng.

Châu Á đã đi trước phương Tây nhiều tuần, nếu không muốn nói là nhiều tháng, trong cuộc chiến chống đại dịch. Chính vì chậm trễ trong việc rút kinh nghiệm từ những nước đi trước mà giờ đây các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ lao đao trong cuộc khủng hoảng y tế ngày càng trầm trọng. Thêm một bài học mới từ các nước châu Á mà họ không nên phớt lờ: Hãy cảnh giác ngay cả khi mọi thứ dường như đã an toàn.

Số ca nhiễm mới kỷ lục trong 1 ngày ở Hong Kong, Đài Loan và Singapore

Sau khi thành công bước đầu trong việc khống chế dịch Covid-19, Singapore, Hong Kong và Đài Loan phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2, với các ca bệnh nhập khẩu từ nước ngoài.

Số ca nhiễm virus tăng đột biến lại, châu Á lo đón 'làn sóng thứ 2'

Số ca nhiễm mới châu Âu và Mỹ liên tiếp tăng mạnh, trong khi châu Á, vốn đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh, đứng trước nguy cơ đón nhiều ca nhiễm "nhập khẩu" từ nước ngoài.

Trương San

Theo CNN, South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm