Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm lớn nhất, với ít nhất 234.462 trường hợp, trong khi Italy và Tây Ban Nha cũng vượt qua 100.000 ca nhiễm. Kế đó là Đức ghi nhận ít nhất 84.246 ca nhiễm và tới Trung Quốc - nơi khởi phát dịch được các nhà nghiên cứu ghi nhận ít nhất 82.432 ca nhiễm.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu nói rằng ít nhất 1.002.159 người trên toàn thế giới đã được xác nhận nhiễm virus corona.
Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kéo xe đẩy một bệnh nhân trên đường phố ở Naples. Ảnh: Reuters. |
Cột mốc này được xác nhận không lâu sau khi các số liệu chính thức của Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 50.000.
Theo các nhà nghiên cứu tại đại học nằm ở bang Maryland của Mỹ này, 50.230 người đã tử vong vì Covid-19 kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019.
Italy là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất cho tới nay với 13.915 trường hợp, theo sau đó là Tây Ban Nha với 10.003 người tử vong. Mỹ là quốc gia chịu tác động nặng nề thứ ba với 5.316 ca.
Mặc dù có hơn một nửa người trên thế giới phải sống dưới lệnh hạn chế để ngăn bệnh lây lan, virus corona vẫn tiếp tục cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Tây Ban Nha và Anh là hai quốc gia có số người tử vong hàng ngày cao nhất.
Đại dịch này cũng tiếp tục tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Mỹ đã ghi nhận 6,65 triệu lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, một con số kỷ lục, và Tây Ban Nha cũng báo cáo mức tăng số người tuyên bố thất nghiệp hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay.
Dịch bệnh còn gây ra sự gián đoạn trong việc bầu cử của nước Mỹ. Đảng Dân chủ đã tuyên bố họ sẽ hoãn hội nghị để chọn người đối đầu với Tổng thống Donald Trump vào cuộc bầu cử tháng 11 cho đến ngày 17/8.
Quyết định này được đưa ra sau khi ứng cử viên và cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng hội nghị này có lẽ sẽ cần phải trì hoãn. Hội nghị ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 13-16/7 tại Milwaukee, Wisconsin.