Buổi sáng cuối tuần, khu đô thị Vinhomes Central Park (phường 22, quận Bình Thạnh) vắng vẻ vì đang giãn cách để phòng dịch.
Trên chiếc xe đạp thể thao, anh Victor đeo băng đô của đội tình nguyện viên chung cư, rảo một vòng kiểm tra xem cư dân có ra ngoài khi không cần thiết không. Sau đó, người đàn ông này đạp xe tới nhà thuốc trong nội khu mua thuốc chuyển đến các tòa nhà, rồi nhận đơn đi chợ hộ cho cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại đây.
Hôm nay là ngày 7 Victor Vladovich (38 tuổi, quốc tịch Nga) làm công việc tình nguyện viên ở chung cư này.
Người Nga rành tiếng Việt
Từng đọc được thông tin trên nhóm cư dân về việc chung cư cần tình nguyện viên, nhưng Victor không biết cách đăng ký. Đến cuối tuần trước, anh liên hệ lễ tân dưới tòa nhà, ngỏ ý xin được gia nhập đội tình nguyện viên và được đồng ý.
Một tuần nay, Victor thức dậy sớm hơn mọi khi. Anh chuẩn bị khẩu trang, nón bảo hộ, bình nước cá nhân, mang giày thể thao, đeo tấm băng đô nhận diện bên tay phải rồi xuống sảnh tòa nhà, bắt đầu công việc của mình lúc 8h.
Victor Vladovich làm tình nguyện viên trong sáng 2/9 tại Vinhomes Central Park. Ảnh: Kazuyuki Shimizu. |
Nhờ thông thạo tiếng Việt, tình nguyện viên Victor không gặp nhiều khó khăn. Anh có thể trò chuyện tự tin với chủ nhà thuốc, bảo vệ. Cư dân Vinhomes Central Park dường như đã quen mặt "ông Tây" trên chiếc xe đạp thể thao, nhanh nhẹn và nhiệt tình giao hàng đến từng tòa nhà.
“Ở nhà một mình trong thời gian dài rất bí bách. Ra ngoài giúp đỡ mọi người tôi thấy rất vui. Gặp tôi giao hàng, cư dân ai cũng chào và nói lời cảm ơn. Qua lớp khẩu trang không nhìn thấy mặt nhau nhưng rất chân tình”, Victor kể.
Cộng đồng người nước ngoài sinh sống tại Vinhomes Central Park nhiều người đã biết Victor từ trước, khi nghe tin anh làm tình nguyện viên, họ nhờ anh đi chợ hộ. Những gia đình có con nhỏ thường khó sử dụng thực phẩm mua theo combo để chế biến cho trẻ nên Victor mua giúp đồ ăn dành riêng cho các cháu.
Trong ca trực 3 giờ mỗi sáng, Victor thường giao khoảng 10 đơn thuốc và 3 đơn đi chợ hộ.
"Nhiều người nước ngoài không rành tiếng Việt nên gặp một số khó khăn khi mua hàng. Vì thường ngày hay tư vấn các bà mẹ về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ nên việc mua hàng không khó khăn với tôi. Khó nhất là phải đi tới 3 hoặc 4 của hàng để mua đủ đồ ăn cho các bạn nhỏ", Victor kể về trải nghiệm đi chợ hộ của mình.
Victor Vladovich cùng các tình nguyện viên khác ở chung cư. Ảnh: NVCC. |
Từ khi làm tình nguyện, Victor còn biết thêm cộng đồng tình nguyện viên và bác sĩ tại Vinhomes Central Park. Anh bất ngờ khi một bác sĩ tình nguyện trò chuyện với mình bằng tiếng Nga.
“Ở nơi đất khách, nghe được tiếng mẹ đẻ thật vui. Lại là từ người Việt Nam tôi yêu mến. Thật xúc động”, Victor bộc bạch.
Anh Nguyễn Như Yên (Trưởng ban quản trị tòa nhà C2) khá bất ngờ khi nhận được thông tin Victor đăng ký làm tình nguyện viên. Anh Yên lo lắng công việc áp lực và thường trực nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khiến Victor khó theo đuổi lâu dài.
"Tôi không ngờ Victor nhiệt tình, nhanh nhẹn và làm việc rất hiệu quả. Anh ấy là cầu nối giữa cộng đồng người nước ngoài và cư dân. Gần đây nhất vào ngày Quốc khánh, Victor phát cờ tới từng nhà để cư dân treo lên ban công, hình ảnh này khiến tôi xúc động", anh Yên chia sẻ.
Victor Vladovich trong những chuyến du lịch Việt Nam trước dịch. Ảnh: NVCC |
14 năm gắn bó với Việt Nam
Victor Vladovich sang Việt Nam gần 14 năm. Anh là một bác sĩ gia đình, đào tạo chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Quyết định gắn bó lâu dài với Việt Nam đối với người đàn ông ngoại quốc này là cái duyên. Trong một lần đi công tác tại Hà Nội vào năm 2008, Victor cảm mến đất nước Việt Nam và sau đó đã quyết định bay sang làm việc ở đây, dù khi đó anh chưa biết tiếng Việt và vốn tiếng Anh cũng hạn chế.
Ba mẹ lo lắng cho Victor khi tới một đất nước xa lạ, nhưng họ không cấm cản con cái trước quyết định này.
"Từ khi 16 tuổi, tôi đã tự trang trải chi phí ăn ở, học hành và tự lựa chọn nghề nghiệp để theo đuổi. Do đó, ba mẹ luôn ủng hộ với quyết định của tôi và tin rằng con trai họ sẽ hạnh phúc khi sinh sống ở Việt Nam", Victor nói về lựa chọn sang Việt Nam lập nghiệp năm 24 tuổi.
Anh Vladovich cùng các đồng nghiệp. Ảnh: NVCC |
Để học được tiếng Việt, anh đã giao tiếp, bắt chuyện với nhiều người bản xứ. Đến nay, anh có thể trò chuyện thành thạo với bất cứ người Việt Nam nào mà mình gặp. Trang facebook cá nhân của Victor có nhiều bạn bè người Việt và anh thường trả lời bình luận của họ rất rành mạch.
“Trao đổi càng nhiều thì vốn từ mình càng tăng lên. Tôi học tiếng Việt từ chính người Việt Nam qua những lần trò chuyện, bàn bạc công việc hay trong những chuyến tình nguyện”, Victor cho hay.
Sau một thời gian ở Hà Nội, vì tính chất công việc nên Victor Vladovich chuyển vào TP.HCM. Nhận thấy việc bảo vệ sức khỏe gia đình rất quan trọng, nên Victor chia sẻ cho mọi người về cách ăn uống, tập thể dục, bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua internet.
Trước dịch, người đàn ông này cũng đi hỗ trợ các trẻ em mồ côi ở khắp nơi trên cả nước. Anh cùng nhóm thiện nguyện của mình xây nhà tình thương, hỗ trợ các em bé kém may mắn khắp các tỉnh thành.
Anh Victor Vladovich trong một lần dã ngoại với học sinh. Ảnh: Trung tâm Anh ngữ IFLY. |
Điều khiến Victor quyết định gắn bó với Việt Nam vì có nhiều điểm tương đồng văn hóa với nước Nga. “Nơi đây mọi người sống rất tình cảm. Nhiều người không giàu có nhưng cũng san sẻ cho người gặp khó khăn. Tôi yêu mến người Việt Nam ở điều này”, Victorcho hay.
Trong nhiều năm ở Việt Nam, Victor đi rất nhiều nơi. Anh và bạn bè có những kỷ niệm ngắm sương mù ở Sapa, ngắm Vịnh Hạ Long huyền ảo, ghé đồi cát Mũi Né, đến vùng đất Bazan Buôn Ma Thuột hay ngắm biển ở Vũng Tàu, Phú Quốc...
Đi càng nhiều, Victor nhận ra mỗi vùng đất đều có những nét đẹp riêng về con người, văn hoá. "Phong cảnh ở Việt Nam tuyệt đẹp, đặc biệt là các bãi biển", bác sĩ người Nga nói.
Ngoài những chuyến đi, Victor còn thích không khí cổ vũ bóng đá của người dân Việt. Lúc chưa giãn cách, anh hay cùng bạn bè tụ tập reo hò cổ vũ đội tuyển Việt Nam. Những dịp đặc biệt, anh cũng thích khoác lên mình áo dài, trang phục truyền thống của Việt Nam.
Anh Victor Vladovich trong một lần cổ vũ đội tuyển Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Nhiều năm đón Tết Việt Nam và lang thang những cung đường của thành phố, Victor thấy đường phố bây giờ của TP.HCM "vắng như Tết", khi anh ngắm nhìn những bức ảnh được chụp lại lúc giãn cách.
Điều người đàn ông này mong muốn là dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống quay trở lại như ngày thường, các bác sĩ, lực lượng chống dịch giảm tải công việc và về với gia đình.
“Tôi rất đồng cảm với lực lượng y bác sĩ ở tuyến đầu. Họ đã rất vất vả để bảo vệ sức khỏe cho người dân thành phố. Mong họ sớm được về nhà, tận hưởng những giây phút đầm ấm bên gia đình sau khi dịch bệnh qua đi”, Victor tâm sự.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.