Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Tây ở TP.HCM mang nghìn túi thực phẩm giúp người nghèo

Ba tháng nay, Gaveau Patrick cùng nhóm thiện nguyện bốc dỡ hàng trăm tấn hàng, soạn nghìn phần thực phẩm để tặng người nghèo khắp TP.HCM.

ong tay lam thien nguyen anh 1

“Khi chúng tôi đang bế tắc vì tạm ngưng việc và chẳng thể đi đâu, nên đã nghĩ là tốt hơn hết hãy giúp đỡ người gặp khó khăn, còn hơn ở nhà ngồi không”, Gaveau Patrick (49 tuổi) chia sẻ.

Sáng 1/9, bước sang tháng thứ 4 làm thiện nguyện, Patrick cùng mọi người hoàn tất việc bốc dỡ 22 tấn rau củ lúc 6h30. Cùng với 11 tấn gạo, nhóm ông sẽ xếp ra khoảng 3.000 túi thực phẩm để có thể phục vụ thêm 90.000 bữa ăn cho người khó khăn ở TP.HCM.

Vui vẻ góp sức

Patrick đến từ Bờ Biển Ngà. Ông từng là cây viết cho một số tờ báo nước ngoài. Patrick tới TP.HCM 14 năm nay, sống cùng vợ người Việt và con gái. Vợ chồng ông là thành viên của nhóm thiện nguyện do nhà sư Thích Tâm Thành tổ chức.

Đầu tháng 6, sư Thành quyết định bắt đầu giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM. Biết tin, vợ chồng Patrick đồng ý góp sức.

Địa điểm tập trung nhóm thiện nguyện chỉ cách 10 phút di chuyển từ nhà Patrick (quận 8), đồng thời ông có ôtô có thể chở hàng, nên thuận lợi tham gia.

“Nhóm chúng tôi đã chuẩn bị khoảng 210 tấn thực phẩm liên tục trong 7 tuần nay”, Patrick cho biết.

Có sức khỏe tốt hơn các thành viên, ông Tây 49 tuổi thường nhận trách nhiệm vận chuyển các bao tải nặng cả nửa tạ chứa gạo, rau củ từ xe vào kho, rồi mang chúng ra để phân loại, rửa trôi đất bám bẩn để xếp vào từng túi.

Những túi thực phẩm này được ông chở đi phát bằng xe của mình trong vài tuần đầu tiên. Sau đó, số lượng hàng tăng, mọi người chất đầy lên những chiếc xe tải.

Trước khi siết chặt giãn cách, ông trực tiếp lái xe chở thực phẩm vào ngõ hẻm trao tận tay người nghèo trong thành phố. Không chỉ chuẩn bị túi thức ăn, ông còn nán lại cơ sở thiện nguyện để quét dọn.

Chia sẻ với Zing, Patrick kể rằng nhóm đã gặp một số khó khăn. Xe tải lương thực từ ngoài vào nội thành lúc nửa đêm, ông cùng mọi người thường xuyên phải sẵn sàng thức dậy chờ bốc dỡ cả 20 tấn hàng từ 1h đến 4h sáng.

Do rau củ vận chuyển đường dài, sợ chúng héo đi, Patrick có khi chẳng ngủ nhiều mà cùng mọi người vệ sinh, phân loại và đóng gói để kịp vận chuyển ngay hôm sau. Đôi khi nhóm không có đủ tình nguyện viên, Patrick và vợ phải ở lại tại kho thêm vài giờ để làm việc cho kịp.

“Có những hôm tôi mệt quá về nhà, còn vợ tôi vẫn ở lại chuẩn bị nốt cả nghìn túi hàng nữa. Cô ấy là một tấm gương tuyệt vời về tình yêu thương và sự cống hiến cho tôi và những người khác. Tôi chỉ luôn cố gắng mỉm cười và làm cho mọi người cười theo, ít nhất cũng là một sự động viên để mang đến những phút giây thoải mái cho mọi người”, ông Tây bộc bạch.

Nhận được nhiều sự giúp đỡ

Sáng 26/8, đang làm công việc như mọi ngày, Patrick bất ngờ khi thấy một nhóm bộ đội mặc quân phục đến tập trung ở chỗ mình. Những hôm sau còn có công an đến. Sau khi Patrick biết những người này tới giúp đóng gói và vận chuyển thực phẩm, ông lại cười phấn khởi.

“Nghe có vẻ kỳ quặc khi chúng tôi hoan nghênh cảnh sát và quân đội đến nhà. Song đối với thời gian này, họ là những người quan trọng hỗ trợ chúng tôi phân phối thực phẩm đến người dân. Chỉ họ bây giờ mới có thể di chuyển khắp nơi trong thành phố, phân phát ở nhiều địa điểm”, Patrick nói.

Hiện ông vẫn cùng lực lượng này đóng gói và phân phối thực phẩm.

Công việc thiện nguyện của nhóm còn nhận được hỗ trợ của những hàng xóm xung quanh. Họ cho mượn phòng trống, sân, khoảng vỉa hè ngay trước cổng để làm kho chứa lương thực, thực phẩm. Lượng hàng trải dài trên nền đất cả khu phố.

Người đàn ông hay cười này bày tỏ sự cảm ơn đến tất cả những người đã ủng hộ tiền bạc, vật chất và lực lượng công an, quân đội. Không có họ, công việc ý nghĩa này khó được duy trì 3 tháng giãn cách nay.

Có hôm, Patrick tham gia đóng gói và vận chuyển 520 bao thực phẩm tươi nặng hơn 10 tấn. Trên trang cá nhân của mình, ông nói rằng đây là một ngày lao động mệt nhoài, bản thân mình bị đau lưng, nhưng vẫn nở nụ cười rạng rỡ.

“Tôi có cảm giác thật khoan khoái, vì việc này vừa có ích, vừa giúp tôi giữ dáng”, Patrick vui vẻ.

Bên cạnh người nghèo, Patrick cùng nhóm thiện nguyện còn giúp đỡ thực phẩm cho nhiều người nước ngoài gặp khó và các trại trẻ mồ côi. Trong quá trình kết nối với các trung tâm, ông đã tìm được thêm tình nguyện viên và quyên góp được không ít tiền.

Ông đã viết những bài lan tỏa công việc thiện nguyện mình đang làm ở Việt Nam. Đồng thời, ông không ngại về việc thường xuyên đăng bài kêu gọi lên trang Facebook và YouTube cá nhân. Nhờ vậy, nhóm ông đã nhận được nhiều nguồn quyên góp từ nước ngoài và trong nước.

“Chúng tôi tự hào đã phục vụ hơn 150.000 bữa ăn cho các gia đình khó khăn, đồng thời tiếp tục duy trì công việc tuyệt vời này. Nếu bạn muốn chung tay giúp những trường hợp không may, tôi có thể giúp bạn chuyển đến họ”, ông Tây viết trên trang cá nhân của mình.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Người nước ngoài ăn uống ra sao khi TP.HCM siết giãn cách?

Tập ăn món Việt hay giảm chế độ ăn là cách của người nước ngoài đang làm trong những ngày họ không có nhiều sự lựa chọn về thực phẩm.

Lính quân y ở chung cư TP.HCM: 'Góp sức cùng mọi người là vinh dự'

“Đoàn công tác chỉ biết lên đường, không biết khi nào sẽ trở về. Nhiệm vụ là cần thiết, góp sức cùng mọi người trong hoàn cảnh này là một vinh dự”, bác sĩ Khánh tâm sự.

Saigon Talk: Tập sống thích nghi giữa dịch bệnh

Một cô gái sống tối giản hơn trong mùa dịch, được ở nhà khỏe mạnh an toàn và mong ước về một ngày tựu trường bình thường là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.

Ý Linh

Bạn có thể quan tâm