Một cô gái sống tối giản hơn trong mùa dịch, được ở nhà khỏe mạnh an toàn và mong ước về một ngày tựu trường bình thường là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.
|
Được ở nhà
Đã gần 3 tháng tôi chôn chân trong căn phòng 30 m2. Dù đã cố xây dựng cho mình lịch sinh hoạt khoa học, ăn ngủ đúng giờ, vận động… nhưng vẫn khó thoát khỏi cảm giác tù túng, lắm khi mệt mỏi.
Có hôm tôi nằm dài trên chiếc giường và chỉ ước được xách chiếc xe lao ra ngoài đường kia.
"Dịch này nên hỏi thăm mọi người nhiều hơn", tôi nghĩ vậy và nhắn tin cho đứa bạn thân làm công an của mình. Cũng đã mấy tháng rồi chúng tôi không trò chuyện. Tệ thật.
Lúc này, tôi mới biết được câu chuyện là bạn kẹt lại cơ quan hơn 2 tháng nay, vừa trực, vừa hỗ trợ địa phương tìm nguồn thực phẩm và phát quà cho người khó khăn. Đến cả đứa con trai bụ bẫm 7 tháng tuổi vẫn đang bú sữa mẹ, bạn cũng chỉ có thể ghé về, đứng dưới nhà rồi nhờ ông bà bồng ra lan can để nhìn từ xa.
“Nhớ con muốn chết Linh ơi. Không biết khi nào mới được về nhà”. Lời bạn nói làm tôi thấy xót quá.
Tôi vốn biết những ngày dịch bệnh này, có rất nhiều người tuyến đầu đã xa gia đình, người thân nhiều tháng, tham gia chống dịch với nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng đúng là khi nghe những câu chuyện từ người gần gũi với mình, tôi mới thấy những khó khăn trong mùa dịch này đã và đang hiện hữu rất nhiều xung quanh.
Tôi vốn thấy tù túng, bí bách, chán nản khi chôn chân nhiều ngày trong phòng. Tôi không nhận ra rằng việc được ở nhà thời điểm này là ước mong của biết bao người ngoài kia. Mình đang hạnh phúc lắm, sao còn than vãn.
- Nguyễn Linh
Sống đơn giản giữa dịch
Tôi vốn là một người kén ăn. Kể ra những món tôi không ăn được hoặc không thích ăn khá nhiều. Tôi không thích các thể loại mì, bún, phở gói. Tôi ghét các loại rau quả có vị đắng...
Tôi cũng là một đứa rất cầu toàn và đầu tư cho các loại mỹ phẩm để chăm sóc da. Mỗi lần món nào hết là tôi phải đi mua cho bằng được, không thể để một ngày không xài tới nó.
Nhưng chuỗi ngày dịch giã này, khi người ta chỉ cần ăn no, sống khỏe, còn những nhu cầu khác tạm gác lại thì tôi nhận ra mình đã dần thích nghi tự lúc nào.
Buổi sáng tôi cầm một gói mì pha rồi ăn hết một cách ngon lành. Món canh khổ qua mà tôi vốn sợ ăn vì đắng, đợt dịch này được người bạn cùng phòng mang về nhiều nên tôi đã ăn được nó. Thật lạ.
Tủ đựng mỹ phẩm của tôi có rất nhiều món đã hết mà chưa kịp đặt, tôi đã tạm quen với việc chỉ xài những thứ cơ bản. Thay vào đó, tôi chăm sóc da mình bằng nhiều cách khác không dùng mỹ phẩm.
Cuộc sống tôi có gì khác không? Có, khác nhiều chứ. Nhất là tôi nhận ra mình có thể sống đơn giản hơn mình nghĩ rất nhiều.
Có lẽ "cái được" trong chuỗi ngày dịch bệnh này, ngoài tình yêu thương của mọi người dành cho nhau thì đã tập cho con người ta thích nghi với những điều kiện sống khác nhau.
- Bình Yên
Ngày tựu trường còn bao xa
Hồi cuối tháng 5, con gái tôi háo hức đập ống heo, nhờ chở đi nhà sách mua bút màu, dây cột tóc, gấu bông gói thành 3 phần. Dự kiến ngày bế giảng, con sẽ tặng cho 3 đứa bạn thân, như một lời cảm ơn vì đã bên nhau suốt 5 năm tiểu học.
Con vuốt ve những phần qua như âu yếm hành trình 5 năm qua và bồi hồi khi sắp phải chuyển cấp.
Trước ngày bế giảng, cô giáo nhắn cả lớp chuyển sang trực tuyến để phòng dịch. Biết tin, con đã khóc oà. Năm học cuối cấp của con có lẽ ở nhà nhiều hơn ở trường, học trực tuyến, thi trực tuyến rồi cũng chia tay trực tuyến.
Ngày chia tay trường cấp 1, con bé vẫn ăn mặc chỉnh trang nhìn vào màn hình, nghe tâm tư của cô giáo và các bạn. Phần thưởng học sinh giỏi cô sẽ gửi về tận nhà. Những phần quà con chuẩn bị cũng được tôi chuyển đến tay 3 bạn thân của con.
Tháng 9 này tựu trường, tình hình dịch tại thành phố vẫn còn phức tạp, con tiếp tục ở một ngôi trường mới, bạn bè và thầy cô mới bằng màn chào sân trực tuyến.
Hôm nọ đi ngang cổng trường cấp 2 sắp đón con vào học, tôi thấy xe cộ sắp hàng dài phía trước. Nhưng đây không phải dòng xe ẩn hiện cùng quần xanh áo trắng, khăn quàng đỏ mỗi sáng sớm thường thấy ở thành phố, đây là dòng xe của những người xếp hàng chờ tiêm vaccine.
Tự hỏi ngày đến trường của con và học sinh thành phố còn bao xa?
- Ánh Dương
Bạn đọc có thể gửi câu chuyện của mình về hộp mail Saigontalk@zing.vn. Những câu chuyện đó sẽ được chọn và đăng ở Saigon Talk vào chủ nhật hàng tuần.