“Mong muốn của nhiều nữ cư dân đã trở thành hiện thực, khi có các chàng lính ‘hạ cánh’ ở chung cư”, ông Nguyễn Đình Thí, nguyên Phó trưởng Ban quản trị chung cư Luxcity (quận 7), hài hước nói.
Ngày 24/8, chung cư Luxcity bắt đầu đón nhận 3 lính quân y đến hỗ trợ cư dân về y tế. Đó là bác sĩ Lê Hữu Khánh, hai sinh viên Bùi Duy Đức và Vũ Xuân Cương cùng thuộc đoàn 1.096 cán bộ, học viên Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), vào làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Những ngày đầu "ra mắt"
Ông Nguyễn Đình Thí và cư dân chung cư Luxcity phấn khởi khi biết tin có chiến sĩ quân y về đây. Ông kể sau khi đăng ảnh các chàng lính lên nhóm cư dân, mọi người đều chào đón nhiệt tình, có người hào hứng hỏi các anh lính có đến tận nhà khám không...
Tuy nhiên, chủ trương của đoàn quân y và chung cư là hạn chế tiếp xúc với cư dân để đảm bảo quy tắc phòng dịch, khi cần thiết họ sẽ có mặt để giải quyết. Ngoài ra, bất cứ nhiệm vụ chống dịch nào anh em chiến sĩ nhận được, đều sẵn sàng tham gia.
Mỗi khu dân cư được phân về một tổ 3 người, trong mỗi tổ gồm một bác sĩ sau đại học và hai sinh viên. Các chiến sĩ ở chung cư Luxcity nhận nhiệm vụ tại phường Bình Thuận (quận 7), được ban quản trị lo từng bữa ăn, chỗ ngủ.
Vừa có mặt tại chung cư, 3 đồng chí bắt tay thực hiện nhiệm vụ luôn. Tổ quân y phối hợp cùng y tế phường làm xét nghiệm cho toàn bộ cư dân.
Việc lấy mẫu này được bác sĩ Khánh coi là sự khởi đầu cần thiết, vì từ đây anh có thể nắm được tình trạng ca nhiễm ra sao, sau đó lên kế hoạch điều trị cho các bệnh nhân.
3 lính quân y và đại diện ban quản trị chung cư Luxcity chụp ảnh kỷ niệm ra mắt cư dân trước khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Cư dân Luxcity. |
“Những ngày đầu ở đây, 3 anh em thường dậy lúc 6h. Mỗi ngày không có nhiệm vụ rõ ràng nào lên kế hoạch trước cả mà sẽ bất ngờ xảy đến, anh em quân y phải thực hiện lập tức bất kể ngày đêm”, bác sĩ Khánh cho biết.
Bác sĩ quân y luôn đeo bên mình chiếc túi đựng y cụ được chuẩn bị riêng cho nhiệm vụ lần này. Bên trong gồm bộ huyết áp kế, ống nghe, nhiệt kế hồng ngoại, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2), túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà.
Nhiệm vụ chính của quân y tại chung cư gồm việc theo dõi, chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine.
Nếu có bệnh nhân xuất hiện trong chung cư, tổ quân y của anh Khánh chính là đội phản ứng nhanh, lập tức tư vấn từ xa, phát thuốc hoặc kê đơn, ứng cứu trong khả năng chuyên môn chữa trị.
“Trước khi đến đây, điều tôi lo nhất là không mang đủ y cụ, thuốc men cần thiết để đáp ứng cho hàng trăm cư dân. Tôi đã nhẹ nhõm hơn lúc biết tin sẽ được bổ sung trang bị cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, bác sĩ Khánh nói.
Anh Khánh phân công nhiệm vụ cho hai bạn sinh viên những việc cơ bản như đi phát thuốc, đồng thời đi cùng hỗ trợ các bạn khi tiếp nhận những trường hợp nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, vị bác sĩ này còn phải phụ trách tổng đài theo dõi và tư vấn thăm khám cho các trường hợp F0 trong khu vực lân cận, phải nắm thêm các số của đội phản ứng nhanh nơi khác để hỗ trợ cư dân kịp thời. Các tổ quân y khác trên địa bàn làm nhiệm vụ này như nhau.
Ngày thứ hai ở đây, khi chưa có tình huống cần hỗ trợ y tế, anh Khánh và đồng đội đã giúp nhóm tình nguyện cư dân vận chuyển rau củ đến các hộ. Các anh em không tiếp xúc trực tiếp, chỉ đặt túi rau trước nhà, bấm chuông rồi đi.
Hình ảnh các "chú bộ đội" giúp cư dân góp phần thắt chặt tình cảm quân dân trong những ngày tổ quân y ở đây. Ảnh: Cư dân Luxcity. |
Lần tác chiến gấp gáp
Đoàn quân y nhận quyết định lên đường trước 3 ngày. Trong đó có hơn 2 ngày được họ coi là thời gian quý báu để cố gắng chuẩn bị tư trang đầy đủ nhất có thể.
“Vì vội vàng, chúng tôi vẫn thiếu đồ dùng, phải nhờ sự giúp đỡ của phường, của cư dân, nên đã tạm thời ổn định sinh hoạt được. Đoàn lần này còn may mắn hơn đợt quân chi viện trước, họ chỉ có một ngày để chuẩn bị lên đường”, bác sĩ Khánh giãi bày.
Không chỉ về thời gian, lần tác chiến này còn gấp gáp trong việc tiếp nhận chuyên môn mới. Mỗi chiến sĩ quân y vào TP.HCM đang là bác sĩ hoặc học viên thuộc chuyên ngành khác, hầu như không chuyên về bệnh truyền nhiễm hay hồi sức cấp cứu để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo anh Khánh, vũ khí của bác sĩ quân y là kiến thức. Do đó, ngoài bận rộn nhiệm vụ trực chiến, 3 chàng lính quân y còn phải tranh thủ xem lại tất cả tài liệu tập huấn để có thể nắm rõ công việc trong lần thực hiện nhiệm vụ mới giữa đại dịch này.
Cũng vì không được đi tiền trạm, tổ quân y lo gặp khó khăn khi làm nhiệm vụ ở một chung cư đông dân. Khác với bệnh viện, bác sĩ làm ở địa phương cần hiểu bối cảnh khu vực dân cư, tìm hiểu đặc thù các ca bệnh, gia đình bệnh nhân thì mới có phương án hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
“Chúng tôi được ban quản trị và cư dân hỗ trợ nhiệt tình để thực hiện nhiệm vụ. Cũng may khi sinh hoạt cùng cư dân, anh em vẫn có thể nghe hiểu giọng miền Nam nên chưa gặp nhầm lẫn nào”, anh Khánh vui vẻ kể.
Chưa biết ngày về
Cả 3 người lính đều lên đường trong khi việc học đang dang dở ở Học viện Quân y. Bác sĩ Lê Hữu Khánh là học viên cao học, nhận nhiệm vụ cách ngày bảo vệ luận văn chưa đầy 2 tuần. Hai bạn Bùi Duy Đức và Vũ Xuân Cương là sinh viên, cũng đã gác lại lịch thi cuối khóa và tốt nghiệp.
“Đoàn công tác chỉ biết lên đường, không biết khi nào sẽ trở về. Tôi đã chuẩn bị tâm lý, dù vẫn hơi lo lắng vì còn nhiều việc dở dang, nhưng nhiệm vụ là cần thiết, góp sức cùng mọi người trong hoàn cảnh này là một vinh dự”, bác sĩ Khánh tâm sự.
Tấm ảnh chụp vội ở sân bay trước khi lên đường vào TP.HCM chi viện của 3 người lính quân y Lê Hữu Khánh (đeo kính), Bùi Duy Đức và Vũ Xuân Cương. Ảnh: NVCC. |
Giữa lúc dịch bệnh nguy hiểm thế này, Khánh trăn trở rất nhiều. Vừa phải cố gắng đảm bảo cả trách nhiệm với bệnh nhân, vừa lo sự an toàn cho anh em tổ quân y. Anh mừng vì đến thời điểm này chưa có trở ngại gì cả.
Sau khi kết thúc nhiệm vụ, được về Hà Nội, bác sĩ Khánh sẽ hoàn tất việc bảo vệ luận văn thạc sĩ. Song, điều y sĩ này mong mỏi nhất là được bắt tay vào làm chuyên môn của mình, trở về vai trò của một bác sĩ can thiệp tim mạch.
“Tôi từng nghĩ nếu ở TP.HCM chống dịch quá lâu, tay nghề của mình có thể ít nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên với sự khát khao quay trở lại công việc cũ, tôi nghĩ sẽ bắt lại nhịp độ nhanh thôi”, anh chia sẻ.
Bác sĩ Lương Hữu Khánh từng vào TP.HCM nhiều lần, cả đi công tác và du lịch. Ký ức của anh về thành phố này là bất kỳ thời điểm nào ở đây cũng có thể tắc đường, đường phố nhộn nhịp đêm như ngày.
Đáp chuyến bay xuống TP.HCM vào buổi trưa, qua cửa kính ôtô về điểm tập kết, thành phố hiện lên khác lạ trong suy nghĩ người lính quân y.
“Thành phố như một người ốm, tiều tụy rất nhiều. Tôi, cùng nhiều anh em, hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để chúng tôi được trở về thực hiện những dự định còn dang dở”, bác sĩ quân y 32 tuổi bộc bạch.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.