“Không còn đồ ăn Tây ưa thích, tôi đã học cách nhặt rau, phân loại rau củ xem nên ăn cái nào trước. Việc này mất thời gian nhưng giúp tôi tiết kiệm và duy trì thực phẩm dự trữ”, Joshua (người Mỹ, ở quận 7) chia sẻ.
Dù người nước ngoài ở TP.HCM đã dự trữ thực phẩm khá nhiều, song khi lượng đồ ăn này hết thì việc đặt đồ ăn trên mạng hay đi chợ hộ vẫn gặp nhiều khó khăn. Họ đã học cách làm quen với “tình hình mới”.
Tự xoay xở
Josh thường ăn các món Tây. Tuy nhiên khi siết chặt giãn cách, ông không thể mua các nguyên liệu ngoại nhập cho bữa ăn.
Từ ngày 14/7, vợ người Việt của ông Joshua phải cách ly tại chỗ ở công ty. Người đàn ông Mỹ phải chủ động làm mọi thứ trong nhà, gồm việc ăn uống trong những ngày giãn cách. Tuy không biết đăng ký đi chợ hộ nhưng ông được hàng xóm và người thuê cùng nhà san sẻ thực phẩm.
“Nhận được mấy túi rau xanh lạ lẫm, tôi hỏi tên và cách chế biến rồi làm theo, cho ra được các loại canh và món xào đơn giản. Tôi còn học cách moi ruột và chuẩn bị nguyên một con gà sống”, Josh kể.
Ông nói rằng thay vì ngồi than thở chờ đợi các quy định giãn cách thay đổi, điều bản thân nên làm là đổi thói quen ăn uống trước. Do đó, Joshua đã học một số công thức làm món Việt và bắt đầu tập nấu.
Joshua đổi mới bữa ăn hàng ngày với những món Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
“Tôi làm món ếch chiên giòn, thử đổ bánh xèo, làm thịt xá xíu và được mọi người khen ngon. Thật thú vị khi chia sẻ món ăn mình nấu với những người bạn cùng nhà”, Joshua khoe.
Ông còn được hàng xóm mua giúp bánh mì và hamburger. Đây là một liều “vaccine tinh thần” giúp ông lạc quan hơn trong thời gian này.
“Tôi nghĩ một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm ngay bây giờ là hỗ trợ người khác khi chúng ta có thể và chăm sóc lẫn nhau”, Joshua cho hay.
"Cứu tinh" trên mạng
Để có số thực phẩm đa dạng, Joshua đã dành thời gian mày mò khắp Facebook, tìm các hội nhóm bán hàng trong quận 7. Nơi ông ở thuộc “vùng xanh”, shipper được hoạt động trong quận.
“Tôi chuyển ngữ từng nội dung sang tiếng Việt và lưu hình ảnh lại để biết họ bán gì, sau đó gửi tin nhắn những thứ muốn mua. Thường phải đặt trước một ngày hoặc vào sáng sớm thì cuối ngày họ sẽ giao”, Joshua chia sẻ cách ông đặt hàng.
Người đàn ông này đã mua được thịt heo, bò, gà, ếch, nai, ngỗng, vịt và nhiều loại cá. Ông còn khoe mua được 20 kg sầu riêng từ Đắk Lắk giá 14.000 đồng/kg, sau đó chia cho những người ở cùng nhà và hàng xóm.
Còn anh Adrian (người Tây Ban Nha) không có thời gian lướt mạng, nên đã đăng bài trong nhóm cư dân chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), hỏi cách mua thực phẩm ở Vinmart nội khu.
“Hiện đồ ăn dự trữ trong nhà vẫn còn, nhưng sắp hết rau và trái cây. Vì vậy chúng tôi bắt đầu tìm kiếm chỗ mua thêm”, Adrian nói.
Cư dân Vinhomes đã gợi ý anh một số hội nhóm bán hàng online và danh sách hướng dẫn mua ở từng siêu thị, cửa hàng thực phẩm. Danh sách này do ban quản lý chung cư cung cấp, có phiên bản tiếng Anh dành cho cư dân ngoại quốc.
Mới đến Việt Nam đầu tháng 3 và ở chung cư Vinhomes từ đó đến giờ. Đây là lần đầu tiên Adrian “nhờ vả” cư dân. Anh cho biết mọi thứ trong cuộc sống đều ổn, cho đến khi thiếu thực phẩm mà chẳng thể đi mua.
Nhờ đăng bài lên mạng hỏi cư dân, Adrian mới biết chung cư mình hướng dẫn cách đặt mua thực phẩm ở các siêu thị, cửa hàng xung quanh. Ảnh: Cư dân Vinhomes Cetral Park. |
Bên cạnh đó, cư dân khuyên Adrian nên truy cập vào nhiều trang của điểm bán khác trên địa bàn, thay vì đợi đặt được hàng ở mỗi Vinmart. Có rất nhiều địa chỉ, nhưng do bận làm việc cả ngày, anh phải nhờ người nhà thử truy cập đặt hàng. Tuy chưa đặt được, nhưng với danh sách được gợi ý, Adrian tin mình sẽ sớm mua được thêm rau quả.
“Tôi rất vui vì thích ăn món Việt, ít nhất tôi có thể sống lâu dài ở đây. Tôi sống cùng bạn đời và em gái cô ấy, họ thường phụ trách nấu ăn ở nhà. Trong thời điểm này, tôi chỉ có thể phụ họ 'đi chợ' bằng cách tìm nơi mua đồ online”, anh chàng Tây Ban Nha chia sẻ.
Vui mừng khi shipper hoạt động trở lại
Anh Tony Byleveld (người Nam Phi) đang ngụ ở một chung cư phường 6, quận Bình Thạnh. Chủ nhà đã giúp anh đăng ký đi chợ hộ, tuy nhiên đơn hàng quá tải, Tony vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
Anh cho biết mình sống trong “vùng đỏ” nên tự ý thức phải chủ động dự trữ mọi thứ. Vào ngày cuối còn ra đường được, anh quyết đến cửa hàng thực phẩm dù phải xếp hàng dài, mua đủ đồ ăn cả hai tuần. Bạn gái còn mua thêm rau cho Tony.
“Tôi rất vui vì shipper đã trở lại. Tôi đảm bảo gửi tiền tip hậu hĩnh cho họ, vì công việc bấp bênh và những người này phải ‘chọc mũi’ xét nghiệm mỗi ngày”, giáo viên tiếng Anh này bày tỏ cảm xúc khi biết tin shipper được hoạt động trở lại.
Tony là người thường sử dụng dịch vụ giao hàng, gần như hàng ngày khi chưa giãn cách và khoảng 2-3 lần trong khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Dù đang theo chế độ ăn kiêng, tiêu tốn ít thực phẩm, nhưng Tony vẫn cần lực lượng giao hàng nếu như tiếp tục giãn cách xã hội và người dân chưa thể ra đường.
“Tôi phát hiện cả tôi và mọi người có thể rơi vào thói quen ‘dựa dẫm’ người giao hàng khá nhiều. Do đó nhiều người bối rối, cuống cuồng khi hoạt động của shipper bị hạn chế dần”, Tony nói.
Shipper được hoạt động trở lại từ ngày 30/8, sau một tuần TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chia sẻ trong nhóm cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM, anh giáo viên đề xuất mọi người nên đặt các đơn hàng tối thiểu ít nhất là 500.000 đồng. Điều này để đảm bảo mọi người cần lên kế hoạch trước, suy nghĩ kỹ khi đặt những đơn hàng nhỏ ngẫu nhiên, vì đó cũng là nguyên nhân khiến lực lượng giao hàng quá tải.
Ông Lui Sieh (người Mỹ) ở chung cư Parkland (phường An Phú, TP Thủ Đức) cũng chờ đợi dịch vụ giao hàng hoạt động trở lại. Trong tuần đầu siết chặt giãn cách, gia đình ông khá lo vì chưa thể đặt mua thực phẩm được, dù đã mua dự trữ từ trước.
Ông cho biết các trang đặt hàng trực tuyến và hotline đi chợ hộ của phường đã quá tải. Các cửa hàng thực phẩm còn mở thì thông báo hủy đơn vì không có shipper, vì thuộc “vùng đỏ”.
“Bây giờ có shipper, tôi hy vọng có thể đặt mua được ở các điểm bán trong khu vực. Nếu chúng tôi mua được nhiều thức ăn thì có thể chia sẻ với cư dân hàng xóm và nhân viên chung cư”, ông Lui Sieh nói.
Ngoài ra, người đàn ông này cũng quan ngại về rủi ro lây nhiễm lan rộng ở lực lượng shipper, do trước đó một bảo vệ ở chung cư ông trở thành F1 sau khi tiếp xúc shipper F0. "Tốt hơn hết họ nên được tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm chặt chẽ", người đàn ông Mỹ bày tỏ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.