“Tôi mất tổng cộng 2 giờ để xếp hàng vào mua và chờ thanh toán. Có mặt từ trưa nhưng tính ra vẫn ‘muộn’, vì nhiều kệ thực phẩm đã trống trơn, hết rau, hết trứng”, Maria Sorokia (người Nga) kể.
Cũng như nhiều người dân TP.HCM, cộng đồng người nước ngoài không khỏi lo lắng trước thông tin siết chặt lệnh giãn cách từ 0h ngày 23/8. Khác những lần trước, họ đã tích trữ thực phẩm.
Chủ động mua thứ mình cần
Ngày 21/8, sau khi nghe tin việc đi chợ của người dân TP.HCM sẽ bị giới hạn, Maria Sorokia tranh thủ đến cửa hàng thực phẩm dưới chung cư The Estella An Phú (TP Thủ Đức).
Sorokia cho biết không thể đặt hàng qua ứng dụng trực tuyến, bị báo hủy nhiều lần. Đồng thời cô lo ngại chất lượng thực phẩm không đảm bảo nếu người bán và shipper vội vàng gom đồ giao cho kịp trong lúc này.
“Người dân đi mua rất đông. Hàng hóa hết nhanh, tôi phải mua ít hơn dự định, thiếu trứng và rau, mong là đủ dùng trong tuần tới”, Sorokia nói.
Dịch vụ đặt hàng trực tuyến, đi chợ hộ và shipper đều quá tải, khiến không chỉ người Việt mà còn có nhiều người nước ngoài gặp khó khi mua hàng. Ảnh: Phương Lâm. |
Cùng ngày, vợ chồng Johnny (người Canada, TP Thủ Đức) cũng lật đật đi siêu thị. Họ đã trải qua nhiều đợt giãn cách ở TP.HCM và hơn nửa tháng chung cư bị phong tỏa. Do đó, trước tình hình mới, họ có phần chủ động hơn.
Nếu như thời gian vừa qua, gia đình Johnny có thể đặt thực phẩm giao tận nhà, thì lần này vợ anh đã mua tích trữ thực phẩm đủ dùng trong hai tuần tới.
“Thịt còn có thể để đông lạnh cả tháng, rau thì không. Vợ chồng tôi cần nhất là rau củ tươi và nước uống để duy trì sức khỏe, nên vội đi siêu thị để mua vì sắp tới không có ai giao hàng”, Johnny cho hay.
Còn Paul (người Đức, quận 4) xếp hàng đi siêu thị vào sáng 21/8, để mua đồ đóng hộp và các loại củ. Ông ăn theo khẩu vị phương Tây, cần bơ, sữa và một số nguyên liệu món Âu.
“Tôi biết thông tin chính quyền cử quân đội phát đồ ăn cho người dân, nhưng tôi cứ chủ động mua trước thì hơn”, ông Paul nói.
"Sẽ vượt qua thôi"
Chia sẻ với Zing, anh Jared Hatcher (người New Zealand, ngụ quận 1) nghĩ rằng việc siết giãn cách lần này để kiểm soát việc gia tăng ca mắc Covid-19 của TP.HCM.
Tuy nhiên, Hatcher thấy mình còn đủ điều kiện nên tự mua thức ăn dự trữ cho khoảng 8-10 ngày, nếu địa phương có phát thực phẩm thì anh nhường cho những người khó khăn hơn.
Anh Jon (người Anh) lạc quan cho rằng nếu như người dân không quá lo thì "dù có chỉ thị mới nào cũng sẽ vượt qua thôi", miễn là ca nhiễm giảm hẳn thì mọi người mới sớm được ra đường.
“Tôi nghe các bạn người Việt nói quân đội sẽ phát thực phẩm như gạo, mì gói, trứng... Bạn có thể tranh thủ mua chút thịt hộp, thịt đông lạnh để ăn kèm tùy theo nhu cầu”, Jon gợi ý.
Quân đội sẽ là lực lượng lo chuyện ăn uống cho người dân TP.HCM những ngày siết chặt giãn cách. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong nhóm Facebook của cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM, một số ý kiến mong rằng chính quyền mỗi địa phương có sự quan tâm dành riêng cho họ. Đa phần người nước ngoài tìm kiếm thông tin trên hội nhóm, nói chuyện với bạn bè, còn lượng người đọc báo có khi họ chưa biết nguồn chính thống.
Hơn nữa, vì khác ngôn ngữ, cộng đồng người nước ngoài có thể không nắm kịp và chính xác các quy định, chỉ thị. Nếu họ không biết tin, có người sẽ lại ra đường khi phong tỏa, có người chưa kịp chuẩn bị thực phẩm, sẽ rơi vào tình huống khó xử.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng vừa ký văn bản về việc hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn ở thành phố trong thời gian giãn cách xã hội. Cư dân ngoại quốc gặp khó khăn về nơi cư trú, không có kinh phí trang trải cuộc sống, chưa tiêm vaccine sẽ được thống kê để hỗ trợ.
Vào ngày 19/8, UBMTTQ TP Thủ Đức đã trao tặng 25 phần quà cho các trường hợp người nước ngoài đang gặp khó khăn trên địa bàn, trị giá mỗi suất 2,5 triệu đồng gồm quà và tiền mặt.
Theo thống kê từ Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước, TP.HCM hiện có hơn 200.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.