"Chuyện làm cầu đi bộ phải nhìn rộng ra khi quy hoạch khu vực sẽ kết nối cái gì với nhau. Chính quyền cần tận dụng cầu bộ hành làm những chuyện khác, kết nối với cụm công trình nổi bật thì mới mong thu hút được người sử dụng", KTS Ngô Viết Nam Sơn gợi mở về giải pháp giúp hàng loạt cầu bộ hành trong thành phố thoát cảnh bị quên lãng.
Hiện, TP.HCM có khoảng 27 cầu vượt bộ hành ở nhiều nút giao thông trong thành phố, giúp đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường cũng như hạn chế cản trở giao thông. Nhưng trên thực tế, nhiều cầu vượt vẫn bị người dân ngó lơ.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức thẳng thắn chỉ ra một số cầu bộ hành ở TP.HCM đang đi ngược với xu thế thiết kế trên thế giới. Theo các chuyên gia, để những cây cầu tiền tỷ không bị rơi vào quên lãng, cần phải có chiến lược quy hoạch hiệu quả hơn, cũng như đầu tư chỉn chu những cầu vượt hiện có.
Phương án thoát "ế" cho cầu bộ hành
Trao đổi với Zing, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết thực tế một số người dân ý thức chưa cao, có cầu bộ hành rồi nhưng vẫn bất chấp nguy hiểm để băng qua đường. Để ngăn chặn việc này, ông Sơn gợi ý có thể xây thêm barie cao khoảng 2 m ở dưới làn đường để người dân không băng qua đường. Nhưng về lâu dài, để khuyến khích người đi bộ sử dụng cầu vượt nhiều hơn thì cần tích hợp cầu với công trình ở hai bên.
Thành phố cần phân trách nhiệm cho các đơn vị quản lý cầu bộ hành, từ đó thường xuyên giám sát và xử lý những trường hợp phá hoại, gây tác động xấu.
ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan
Chuyên gia lấy ví dụ 2 bên cầu vượt nên là các trung tâm thương mại, dịch vụ. Người dân sẽ kết hợp việc qua đường và mua sắm. Đây là mô hình thiết kế đang được nhiều quốc gia áp dụng.
Tuy nhiên, nếu xây cầu bộ hành ở Việt Nam với mô hình này, cần điều chỉnh về mặt pháp lý cho phù hợp. Điển hình như trường hợp trung tâm thương mại thường đóng cửa lúc 22h, người đi bộ cần có lối đi khác để giúp họ sang đường.
Vị KTS cho rằng khi nhu cầu sử dụng cầu bộ hành của người dân tăng cao, chính quyền nên cho thuê quảng cáo ở những vị trí này. Lợi nhuận từ việc quảng cáo có thể hỗ trợ chi phí bảo trì, vận hành, trùng tu cho cầu.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, nên xây cầu ở những đoạn đường nối công trình ở hai bên. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định giao thông công cộng là xu thế của việc phát triển giao thông bền vững. Do đó, cầu bộ hành cần được thiết kế thuận tiện cho cả người đi bộ và đi xe đạp, thậm chí xe máy cũng có thể dắt qua được.
"Ở nước ngoài, cầu bộ hành thiết kế cho cả người đi bộ và đi xe đạp. Độ rộng của cầu phải đủ lớn để cảm nhận không gian thoải mái, chứ nếu cầu hẹp sẽ tạo tâm lý khiến người dân không muốn đi", ông Tuấn lưu ý, đồng thời cho biết một số cầu bộ hành hiện nay xây dựng khá cao, độ dốc lớn khiến cho trẻ em, người lớn tuổi và người khuyết tật sử dụng rất khó khăn.
Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, nguyên Phó trưởng khoa Đô thị học (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), cho rằng cần quan tâm đến tính mỹ quan của cầu bộ hành. Chuyên gia gợi ý nên trang bị thêm mái che để bảo vệ người đi bộ trước điều kiện thời tiết trong thành phố. Một số nơi có thể cân nhắc dùng mái che di động để tạo sự thông thoáng.
Ngoài ra, bên ngoài cầu nên trang trí thêm các hình ảnh giúp tăng tính thẩm mỹ, giới thiệu cảnh đẹp ở TP.HCM. Tuy nhiên, việc này không nên thực hiện tại các cầu vượt ngang qua xa lộ hoặc tuyến đường có vận tốc quy định cao vì có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của tài xế.
Bà Lan cũng nhận định thành phố cần phân trách nhiệm cho các đơn vị quản lý cầu bộ hành, từ đó có thể thường xuyên giám sát và xử lý những trường hợp phá hoại, gây tác động xấu, ảnh hưởng vệ sinh môi trường.
Xây cầu bộ hành ở đâu?
Cuối tháng 3, cơ quan chuyên môn đề xuất nghiên cứu xây dựng cầu bộ hành nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với bến Bạch Đằng. Phương án này được nhiều chuyên gia đồng ý, trong đó có KTS Ngô Viết Nam Sơn.
Bởi theo ông Sơn, đặt trong bối cảnh tuyến đường metro số 1 sắp khánh thành, ga metro ở ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Huệ sẽ là ga quan trọng thứ hai, chỉ sau ga Bến Thành. Do đó, số lượng người dân đến phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ tăng cao.
Vị KTS khuyên cầu bộ hành kết nối phố Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng không nên chỉ thiết kế đi lên rồi đi xuống. Thay vào đó, chính quyền có thể cân nhắc xây ngang và đi lên cao nữa để nâng tính mỹ quan, tận dụng được hết công năng.
"Trục đường Nguyễn Huệ có điểm nhấn UBND TP.HCM, đầu khác hướng ra bến Bạch Đằng. Do đó, cuối bến Bạch Đằng nên làm một biểu tượng ngắm cảnh. Điểm đó nên làm thêm một tầng, người dân có thể ngắm cảnh sông rất đẹp, nhìn về phía khu Phú Mỹ Hưng, khu Nam Sài Gòn và bán đảo Thanh Đa, quay lưng lại có thể nhìn UBND TP.HCM, nhìn thẳng thì thấy khu đô thị mới Thủ Thiêm", ông Sơn gợi mở về hướng thiết kế.
Cầu bộ hành ở TP.HCM vắng bóng người sử dụng. Ảnh: Chí Hùng. |
Trong khi đó, PGS.TS Vũ Anh Tuấn cho rằng ở những nơi có lưu lượng người đi bộ không quá lớn, song lượng phương tiện giao thông lại nhiều, di chuyển tốc độ cao thì cần xây cầu bộ hành.
Vệc thiết kế cầu bộ hành phải nghiên cứu kỹ mật độ người đi bộ lưu thông, đảm bảo người dân không phải đi vòng quá xa khi tìm một cây cầu để sang đường.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn
Ở những tuyến đường chính, nơi mà có lưu lượng xe lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, việc thiết kế cầu vượt bộ hành phải nghiên cứu kỹ mật độ người đi bộ lưu thông để đảm bảo người dân không phải đi vòng quá xa khi tìm một cây cầu lúc muốn sang đường.
Mặt khác, ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan cho rằng cần đưa các tiêu chí giao thông như lưu lượng phương tiện lưu thông, độ rộng mặt đường, số làn xe, vận tốc quy định... vào tiêu chuẩn khi lựa chọn vị trí đặt cầu.
"Chính quyền nên ưu tiên đặt tại những nơi có nhu cầu đi bộ, sang đường cao như trước trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại... Việc thiết kế không nên làm ảnh hưởng đến mặt tiền nhà dân", bà Lan nói, đồng thời cho biết vị trí đặt cầu bộ hành phải trong phạm vi dễ tiếp cận, chỉ khoảng 10 phút đi bộ đến các địa điểm đông đúc khác.
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.