Ảnh minh họa. Nguồn: Penguin. |
Rene Spitz (nhà tâm thần học) đã khám phá ra rằng, trẻ sơ sinh không được bế ẵm trong thời gian dài có xu hướng sa vào đáy sâu suy sụp không thể trở dậy và dễ bị ngã gục trước các chứng bệnh lặp đi lặp lại. Hiện tượng này được ông gọi là sự từ chối cảm xúc có thể gây nên những hậu quả sống còn. Những quan sát này bổ sung cho ý kiến về sự khao khát sự kích thích, rằng những dạng được ưa thích nhất của tình cảm được mang đến từ thân mật thể chất, một kết luận không khó chấp nhận dựa trên những kinh nghiệm sống hàng ngày.
Một hiện tượng song song được thấy ở những người trưởng thành liên quan đến sự suy giảm các giác quan. Theo thí nghiệm, những suy giảm đó có thể gây ra một dạng rối loạn tâm thần ngắn hạn, hoặc ít nhất sẽ làm tăng rối loạn tâm thần ngắn hạn.
Ở khía cạnh sinh lý, có thể sự thiếu hụt cảm xúc và cảm giác có xu hướng mang lại hoặc khuyến khích những thay đổi trong tế bào. Nếu hệ lưới hoạt hóa của não không được kích thích đầy đủ, sự thoải mái trong tế bào thần kinh sẽ xảy ra, ít nhất là một cách gián tiếp. Đây có thể là hậu quả thứ cấp xảy ra do thiếu hụt dinh dưỡng, nhưng thiếu hụt dinh dưỡng tự nó có thể là sản phẩm của tính thờ ơ, như trẻ sơ sinh mang chứng suy dinh dưỡng thể teo đét.
Do đó, một dây chuyền sinh học có thể được coi là gây ra sự thiếu hụt cảm xúc và cảm giác bao gồm từ tính thờ ơ cho đến những thoái hóa và cái chết. Trong tình cảnh này, nhu cầu kích thích các giác quan có cùng mối quan hệ với sự sống của tế bào con người giống như nhu cầu về thực phẩm.
Thực vậy, không chỉ về khía cạnh sinh học mà còn về khía cạnh xã hội và tâm lý học, nhu cầu kích thích giác quan và cảm xúc theo nhiều cách cũng giống như nhu cầu về thức ăn. Những thuật ngữ như suy dinh dưỡng, chán ăn, sành ăn, ăn kiêng theo mốt, khổ tu, nghệ thuật ẩm thực, đầu bếp giỏi dễ dàng được chuyển từ trường nghĩa dinh dưỡng sang trường nghĩa tâm thần học. Chẳng hạn, bội thực đồng nghĩa với kích thích quá độ.
Vấn đề mà nhà tâm thần học xã hội để tâm là những gì sẽ xảy ra sau khi trẻ sơ sinh bị chia tách khỏi mẹ trong tiến trình thường thấy để trưởng thành. Những gì đã được nói từ trước tới nay có thể được tóm gọn trong câu: "Nếu không được vỗ về, tủy sống của anh sẽ nhăn nheo lại". Do vậy, khi thời kỳ gần gũi với mẹ kết thúc, cá nhân sẽ đối mặt trong cả cuộc đời còn lại của mình với sự khó khăn mà vận mệnh và cuộc sống của anh ta phải vật lộn.
Một khó khăn là lực lượng xã hội, tâm lý học và sinh lý học ngăn cản anh ta tiếp tục có những cử chỉ thân mật về thể chất theo cách của trẻ sơ sinh.
Khó khăn khác là cố gắng liên tục của anh ta để có được điều đó. Anh ta sẽ thỏa hiệp trong hầu hết tình huống. Anh ta cố gắng trở nên tinh tế hơn, có khi ngầm ám chỉ, cho tới khi có một chút sự công nhận có thể thỏa mãn ở một mức độ nào đó, mặc dù nỗi khát khao tiếp xúc về thể chất của anh ta không hề được giảm đi.
Quá trình thỏa hiệp này có thể được gọi bằng nhiều thuật ngữ, dù được gọi là gì thì kết quả vẫn là sự biến đổi một phần của khát khao tình cảm kiểu trẻ con thành thứ được gọi là sự khát khao được công nhận.