Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu bão Noru

Miền Trung đối mặt cơn bão mạnh nhất trong 20 năm

Chuyên gia nhận định với sức gió mạnh nhất khi vào đất liền đạt cấp 12-13, giật cấp 15, Noru dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ.

Tại cuộc họp ứng phó với bão sáng 27/9, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết khi đổ bộ, gió mạnh cấp 12-13, giật 15. Ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, bắc Tây Nguyên từ khoảng tối hôm nay (27/9).

"Đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam", ông Thái nói.

9/14 tỉnh, thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão

Chuyên gia dự báo khoảng đêm nay đến sáng 28/9, vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 12-13. Sóng biển cao 3-5 m, vùng gần tâm bão 6-8 m.

Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nước dâng tổng cộng 3-4 m, nguy cơ cao ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông.

Các khu neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và sóng lớn, đặc biệt khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định.

bao manh nhat 20 nam anh 1

Dự báo đường đi của bão Noru theo mô hình của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: VNDMS.

Ông Thái nhấn mạnh phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 này là rất rộng; 9/14 tỉnh thành phố miền Trung, chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là 5 địa phương được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 12-13, giật cấp 15.

Đồng thời, bão gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và bắc Tây nguyên với lượng mưa 300-400 mm, gây ra một đợt lũ và nguy cơ ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định.

Đáng lưu ý, nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình 0,3-0,6 m có thể xảy ra tại 4/8 huyện với 58 xã ở Thừa Thiên - Huế; 6/18 huyện với 75 xã ở Quảng Nam và 6/11 huyện với 74 xã ở Quảng Ngãi.

"Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định", chuyên gia lưu ý.

Trong đó, các huyện có nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao gồm: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Bão Noru mạnh lên cấp 15

Sáng 27/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Noru liên tục mạnh lên những giờ qua. Lúc 7h, khi tâm bão cách đất liền khu vực Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 360 km, sức gió mạnh nhất đạt cấp 14-15, giật cấp 17, tăng một cấp so với 3 giờ trước.

Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.

Như vậy, với vận tốc di chuyển 25 km/h, chỉ trong 3 giờ tới, bão có thể gây ra gió mạnh trên đất liền khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.

Hôm nay, hình thái này di chuyển chủ yếu theo hướng tây và có khả năng mạnh thêm. Đến 19h tối 27/9, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 170 km về phía đông nam, cách Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 120 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 15, giật trên cấp 17, chỉ dưới một cấp so với siêu bão.

Sau thời điểm này, bão giữ hướng đi và vận tốc, tiến vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ. 7h sáng 28/9, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Kiên quyết sơ tán dân, hạn chế ra đường khi bão đổ bộ

Sau khi nghe báo cáo từ đầu cầu các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý dự báo của cơ quan chức năng khi bão Noru đang diễn biến phức tạp, tăng 2 cấp so với ngày hôm qua, cường độ mạnh, di chuyển nhanh, trong khi đó, khả năng ứng phó còn có những hạn chế.

Thủ tướng nhất trí quan điểm công tác phòng chống bão phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn một cấp” để có sự chủ động chuẩn bị. Nếu chuẩn bị tốt, khi cơn bão đổ bộ với cường độ mạnh hơn dự kiến thì vẫn bảo đảm an toàn, ngược lại nếu bão đổ bộ mạnh hơn dự kiến mà không chuẩn bị tốt sẽ gây thiệt hại lớn.

Thời gian không còn nhiều, người đứng đầu Chính phủ trực tiếp giao Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo chính xác nhất có thể, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan, người dân.

Các địa phương đình hoãn cuộc họp không cấp bách để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; phân công lãnh đạo xuống kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc địa phương trọng điểm, ứng trực, chỉ đạo ứng phó tại cơ sở.

Thủ tướng yêu cầu cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.

“Việc sơ tán dân, nhất là vùng ven biển phải hoàn thành sớm nhất thể, trước khi bão đổ bộ, cần thiết thì cưỡng chế sơ tán để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân. Không để người dân ở lại trên lồng bè, tàu thuyền, khu vực không an toàn, rất khó khăn khi ứng cứu trong lúc bão đổ bộ và nguy cơ cao thiệt hại”, theo yêu cầu của Thủ tướng.

Cùng với đó, ông chỉ đạo các cơ quan chức năng như công an, quân đội bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng hướng dẫn các biện pháp bảo vệ, hạn chế tình trạng đổ sập, tốc mái các công trình; chủ động kiểm soát hoạt động đi lại, phân luồng, hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn; hạn chế người dân ra đường khi bão đổ bộ.

Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu bố trí lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống, nhất là trên biển, trên sông và các khu vực bị cô lập, chia cắt.

1.600 dân của xã ven biển Quảng Nam sơ tán chạy bão Noru

Trước khi bão Noru đổ bộ, chính quyền TP Tam Kỳ (Quảng Nam) sơ tán toàn bộ 1.600 người dân của xã Tam Thanh. Đây là nơi có địa hình trũng thấp, dễ bị sóng biển dâng gây nguy hiểm.

Tính toán phương án để người dân đảo Lý Sơn tránh trú

Thủ tướng yêu cầu các địa phương kiên quyết sơ tán dân tại những nơi nguy hiểm. Lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết có thể huy động hầm quân sự để người dân tránh trú.

Xem xét cho cán bộ, nhân viên vùng siêu bão Noru đổ bộ nghỉ làm

Các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng bão xem xét cho cán bộ, công nhân viên nghỉ làm, trong khi người dân được yêu cầu không ra đường khi bão đổ bộ và về nhà khi bão chưa tan.

Siêu bão Noru

Su bat thuong cua sieu bao Noru hinh anh

Sự bất thường của siêu bão Noru

0

Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.

Mỹ Hà - Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm