Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu bão Noru

Xem xét cho cán bộ, nhân viên vùng siêu bão Noru đổ bộ nghỉ làm

Các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng bão xem xét cho cán bộ, công nhân viên nghỉ làm, trong khi người dân được yêu cầu không ra đường khi bão đổ bộ và về nhà khi bão chưa tan.


Nội dung trên có trong báo cáo về công tác chỉ đạo ứng phó với bão Noru của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 27/9.

Đơn vị cho biết bão khả năng đổ bộ các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định rạng sáng 28/9 với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 14-15. Hiện, đài Hong Kong và Hải quân Mỹ dự báo hình thái này có thể đạt cấp siêu bão.

Trước diễn biến phức tạp của bão Noru, đơn vị chức năng đã hướng dẫn cho gần 58.000 tàu với khoảng 300.000 lao động di chuyển tránh trú. Hiện, 18 tàu với 164 lao động vẫn trong vùng nguy hiểm do bão và đang di chuyển thoát khỏi khu vực này.

Trong khi đó, đơn vị quản lý đê điều cho biết các tuyến đê biển được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10. Do vậy, bão cấp 12-13 có thể vượt khả năng đảm bảo an toàn của các tuyến đê biển.

Đến sáng nay, khu vực Quảng Bình - Quảng Ngãi vẫn tồn tại 38 vị trí xung yếu đê biển và đê cửa sông và đang trong giai đoạn khắc phục.

ung pho bao Noru anh 1

Người dân ở Đà Nẵng gia cố nhà cửa ngày 26/9, trước khi bão Noru chuẩn bị ảnh hưởng đến đất liền. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Về chăn nuôi, người dân từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định hiện có trên 2,4 triệu con gia súc và 26 triệu con gia cầm, 42 trang trại quy mô lớn nguy cơ bị ảnh hưởng khi bão đổ bộ.

Với hoạt động khác, trên 4.700 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại cơ sở du lịch đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, du khách trên đảo Lý Sơn và Cù Lao Chàm đã di chuyển vào đất liền tránh trú.

Trước mắt, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng sẵn sàng điều động gần 245.000 cán bộ, chiến sĩ cùng gần 3.000 phương tiện ứng trực; đồng thời tổ chức bắn pháp hiệu tại 33 điểm ven biển.

Địa phương từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số trên 114.000 hộ, tương ứng gần 400.000 người; trong đó dự kiến sơ tán tập trung 166.000 người và sơ tán xen ghép 232.000 người.

Trong chỉ đạo, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu đơn vị chức năng khẩn trương kêu gọi 18 tàu khẩn trương thoát khỏi vùng nguy hiểm trước 12h ngày 27/9. Các tàu được khuyến cáo nên di chuyển về phía nam.

Ngoài ra, hoàn thành bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu; sơ tán người trên đảo và lồng bè, chòi canh trước 17h ngày 27/9 và có phương án đảm bảo an toàn.

Trên đất liền, trước 17h ngày 27/9, các địa phương cần hoàn thành việc sơ tán người dân tại các nhà yếu, khu vực trũng thấp nguy cơ ngập lụt, sạt lở, chú ý đảm bảo an toàn, vệ sinh, an ninh trật tự nơi sơ tán.

Đáng lưu ý, các tỉnh, thành phố được yêu cầu không để người dân ra đường lúc bão đổ bộ và về nhà khi bão chưa tan; hoàn thành việc cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao.

Cơ quan chức năng khuyến cáo địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão xem xét cho bộ phận cán bộ, công nhân viên nghỉ làm trong ngày 28/9; đồng thời, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.

Sáng 27/9, bão số 4 (Noru) đã mạnh lên cấp 14, giật cấp 16, mạnh thêm hai cấp sau một ngày vào Biển Đông.

Bão số 4 được nhận định tương tự về đường đi và cường độ bão Xangsane đầu tháng 10/2006 đổ bộ vào Đà Nẵng với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Cơn bão từng làm 76 người chết, mất tích; 350.000 nhà bị sập đổ, hư hại; thiệt hại vật chất trên 10.000 tỷ đồng.

Siêu bão Noru liên tục mạnh lên, miền Trung bắt đầu mưa lớn

Ngay trước thời điểm đổ bộ đất liền Trung Trung Bộ, bão Noru liên tục mạnh lên. Từ chiều nay (27/9), miền Trung bắt đầu có mưa lớn kèm gió giật do ảnh hưởng của bão.

Nhiều nơi điều tiết hồ chứa trước khi bão Noru đổ bộ

Trước nguy cơ bão Noru gây mưa lớn diện rộng, Thừa Thiên - Huế dự kiến điều tiết vận hành thủy điện A Lưới, trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu doanh nghiệp không xả lũ ban đêm.

Ngư dân dùng lốp xe chèn tàu thuyền trước khi bão Noru đổ bộ

Nhiều ngư dân ở Thừa Thiên - Huế tranh thủ giằng neo, dùng lốp xe cũ gắn vào mạn thuyền để tránh hư hại cho phương tiện.

Siêu bão Noru

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm