Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Siêu bão Noru

Nhiều nơi điều tiết hồ chứa trước khi bão Noru đổ bộ

Trước nguy cơ bão Noru gây mưa lớn diện rộng, Thừa Thiên - Huế dự kiến điều tiết vận hành thủy điện A Lưới, trong khi UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu doanh nghiệp không xả lũ ban đêm.

Thủy điện A Lưới dự kiến được vận hành điều tiết lũ để ứng phó với mưa lớn do bão Noru. Ảnh: N.D.

Ngày 26/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế ra thông báo kế hoạch dự kiến vận hành điều tiết thủy điện A Lưới và hồ chứa thủy điện A Lin B1 (thuộc cụm hồ A Lin 3 - A Lin B1).

Theo đó, hồ thủy điện A Lưới dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết từ 22h ngày 27/9 với đỉnh lũ dự kiến lớn nhất khoảng 2.500 m3/s.

Hồ chứa thủy điện A Lin B1 (thuộc cụm hồ A Lin 3 - A Lin B1) dự kiến tăng lưu lượng vận hành điều tiết từ 22h ngày 27/9 với đỉnh lũ dự kiến lớn nhất khoảng 800 m3/s.

Công ty CP Thủy điện miền Trung và Công ty CP Thủy điện Trường Phú được yêu cầu thông báo đến người dân các địa phương thuộc huyện A Lưới đề phòng ngập trong khu vực lòng hồ.

van hanh thuy dien anh 1

Ngư dân ở Thừa Thiên - Huế gia cố tàu thuyền trước nguy cơ bão Noru gây ra gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 ở vùng biển ven bờ. Ảnh: Điền Quang.

Cùng ngày, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của cơn bão số 4 (Noru) trên địa bàn.

Đơn vị chức năng được yêu cầu theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, sạt lở, xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là vùng ven sông, vùng nguy cơ ngập cao, vùng bị sạt lở để chủ động sơ tán người dân ra khỏi nơi nguy hiểm, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn.

UBND tỉnh Đắk Lắk giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó với mưa lũ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; kiểm tra, có phương án vận hành hồ chứa nước an toàn; theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ, chủ động điều tiết hạ thấp cao trình đón lũ theo quy trình vận hành hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ, đập, kè, công trình thủy lợi.

Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh cũng có công điện yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo các công ty đang quản lý, khai thác hồ thủy điện đảm bảo tuân thủ đúng quy định, quy trình vận hành.

Các doanh nghiệp thủy điện phải có phương án xả lũ hợp lý, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân biết, đồng thời chủ động ứng phó với các tình huống xả lũ khẩn cấp.

Lãnh đạo địa phương cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp thủy điện trong việc vận hành hồ đập, quy trình xả lũ.

"Các doanh nghiệp kinh doanh thủy điện tuyệt đối không được xả lũ vào ban đêm để tránh trường hợp người dân ở vùng hạ lưu xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ, nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản", theo công điện của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ngư dân dùng lốp xe chèn tàu thuyền trước khi bão Noru đổ bộ

Nhiều ngư dân ở Thừa Thiên - Huế tranh thủ giằng neo, dùng lốp xe cũ gắn vào mạn thuyền để tránh hư hại cho phương tiện.

Cứu 14 người trên tàu nước ngoài gặp nạn

Đang từ Vũng Tàu đến Ma Cau (Trung Quốc), tàu hàng mang quốc tịch Panama gặp sự cố máy chính, phải thả trôi. Lúc này trên tàu có 14 thuyền viên.

Hơn 4.000 tàu cá vào âu thuyền ở Đà Nẵng trú bão Noru

Nhận tin bão Noru, hàng nghìn tàu cá của ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế về nơi trú tránh an toàn.

Siêu bão Noru

Mỹ Hà - TTXVN

Bạn có thể quan tâm