Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lễ Ban Lịch đầu năm

Ban Sóc (Ban Lịch) là nghi lễ quan trọng được thực hiện trong ngày đầu xuân dưới thời Nguyễn.

Lễ Ban Sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Vào năm 1840, lần đầu tiên, lễ Ban Sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, lễ này ban cuốn lịch năm mới Tân sửu (1841). Sự thay đổi về địa điểm này về sau đã trở thành điển lệ được duy trì liên tục.

[…]

Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ.

Khâm Thiên Giám phụ trách soạn lịch và ban lịch dưới thời Nguyễn. Theo quy định, từ tháng hai Âm lịch, Khâm Thiên Giám đã bắt đầu tính toán để tiến hành làm lịch cho năm đến.

Vào tháng 5, bản thảo sẽ được hoàn thành. Khâm Thiên Giám sẽ trực tiếp in và cấp phát lịch ở Kinh đô cùng các tỉnh phía nam đến Khánh Hòa, phía bắc đến Thanh Hóa.

Còn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, từ Bình Thuận trở vào sẽ do hai tỉnh Nam Định, Hà Nội phụ trách in ấn và cấp phát lịch.

Cũng có giai đoạn, các quan địa phương chỉ tiếp nhận lịch mẫu và tổ chức in ấn phát cho dân ở các tỉnh thành trong thời gian sau đó. Mẫu lịch do Khâm Thiên Giám cung cấp, khi in xong Khâm Thiên Giám duyệt lại mới được cấp phát, lưu hành.

Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch để phát cho thần dân.

Lễ Ban Sóc dưới thời Nguyễn gắn với việc biên soạn, in ấn lịch và ban cho toàn quốc, có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta, nhất là phục vụ cho công việc đồng áng hàng ngày, gắn với nền kinh tế trọng nông thuở trước.

Sự quan tâm của các hoàng đế thể hiện qua những bài thơ về chủ đề Ban Sóc đã góp phần chứng thực điều đó.

Le Ban Soc anh 1

Tái hiện Lễ Ban Sóc đầu xuân tại Kinh thành Huế. Ảnh: Điền Quang.

Từ năm 2021, lễ Ban Sóc do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện được dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa (do chính tác giả sách viết kịch bản nội dung chi tiết và chỉ huy dàn dựng) với mục tiêu giới thiệu những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản; phát huy giá trị gắn liền với chức năng của Ngọ Môn; tạo nên không khí vui tươi, có ý nghĩa trong dịp năm mới; góp phần quảng bá hình ảnh khu di sản Cố đô Huế.

Trên cơ sở nghiên cứu những tài liệu lịch sử, một số nghi tiết đã được bổ sung nhằm làm tăng tính hấp dẫn, bổ sung những diễn giải thông tin và nghi tiết của lễ để có thể đưa lại cho người xem những nội dung ý nghĩa về một nghi lễ cung đình giàu tính nhân văn xưa.

Đặc biệt là yếu tố người dẫn chuyện đã tham gia vào diễn giải tại không gian lịch sử này như một “chứng nhân” và kể lại câu chuyện.

Mở đầu Người dẫn chuyện (trang phục truyền thống gợi nên hình ảnh cung tần) giới thiệu về nội dung ý nghĩa của lễ Ban Sóc dưới thời Nguyễn. […]

Tiếp đó, lễ diễn ra theo trình tự với các nội dung của kịch bản. Trên tầng hai ở hai bên Ngọ Môn, 8 lính đội nón cầm kèn đại đối xứng thổi ba hồi. Viên bộ Lễ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Ban Sóc Lễ cử tiến; ba hồi chiêng; 9 hồi trống trỗi lên; Viên bộ Lễ xướng: Bài ban (các quan vào hàng ở sân). Tất cả đội hình đi ra từ các cửa hai bên Ngọ Môn ngay sau lời xướng.

[…] Tiếp theo là nghi thức Tiến lịch vào cung điện, viên Khâm Thiên Giám truyền chỉ (ở trên Ngọ Môn) xướng: Tiến lịch; Đội tiểu nhạc tấu bài đăng đàn cung; 5 viên Khâm Thiên Giám ở Long đình cùng lính gánh Long đình, hai Lọng vàng tiến vào cửa giữa Ngọ Môn đi thẳng đến điện Thái Hòa.

[…]

Năm 2022, lễ Ban Sóc vẫn được tái hiện tại Ngọ Môn vào ngày 1/1 mở đầu cho một năm mới với những ước vọng nhân văn cùng những giá trị tinh thần thuở trước, trên hết là sức sống của mùa xuân với những cộng hưởng từ di sản.

Nguyễn Phước Hải Trung / Tri thức Trẻ Books / Nhà xuất bản Văn học

SÁCH HAY