Từ ngày mùng 1 tháng 12 (Âm lịch), triều đình đã tổ chức lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới). Trước đây, lễ Ban Sóc tổ chức tại điện Thái Hòa, nhưng vào năm 1840, vua Minh Mạng cho tổ chức ở Ngọ Môn với nhiều nghi tiết trọng thể.
Các loại lịch được ban hành trong hoàng cung và hoàng gia như Ngự lịch, Long lịch, Phụng lịch, Vạn niên thọ; ban cho quan lại như lịch Thất chính, Vạn toàn tùy theo thứ bậc, phẩm trật; ban cho thần dân chủ yếu là lịch Hiệp kỷ.
Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch phát cho thần dân.
Sau lễ Ban Sóc, vào tiết lập xuân, có một cuộc lễ khác không kém phần quan trọng đó là lễ Tiến xuân.
Người xưa làm một hình nộm gọi là Mang thần (thần Chăn trâu) và một con trâu đất với kích thước tượng trưng, ứng với số tháng, ngày trong một năm và tiến hành làm lễ rước, nên lễ này còn gọi là lễ Tiến xuân (đưa trâu đất tiến xuân).
Cuộc rước diễn qua một vài nơi trong Hoàng Thành và kết thúc bằng việc quan phủ Thừa Thiên đưa trâu (đất) ra đánh ba roi tượng trưng cho sự khuyến cày.
Cuộc lễ này có ý nghĩa khuyên răn công việc đồng áng, quan hệ gần gũi đối với đời sống của nhân dân, biểu hiện ước mơ về một đời sống vật chất đầy đủ trong một năm mới.
Tuy nhiên, hai cuộc lễ trên chỉ là sự báo hiệu của việc kết thúc một năm cũ, đón chào một năm mới, phải một thời gian sau khi ngày Tết cổ truyền lại gần, không khí trong hoàng cung bấy giờ mới thật sự thấm đẫm hương vị, màu sắc của chốn lầu son gác tía.
Từ ngày 25 tháng chạp đến 11 tháng giêng (Âm lịch) là thời gian vui Tết trong hoàng cung. Triều đình cho trang hoàng các cung điện để đón Tết. Đặc biệt, khu vực từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, điện Cần Chánh cùng một số nơi ở của hoàng gia (trong Tử Cấm Thành) được trang trí lộng lẫy hơn cả, với các loại lồng đèn, cờ xí, hoa, câu đối Tết...
Riêng ở điện Thái Hòa, ngày Nguyên đán hai bên tả hữu được đặt hai hương án để hạ biểu mừng của các quan đại thần và quan các địa phương.
Gian giữa điện được trải chiếu hoa, làm nơi bái mạng của các hoàng thân; hai bên là vị trí của các tôn tước và quan lại từ tam phẩm trở lên; các quan từ tứ phẩm trở xuống thì đứng ở sân Đại triều và hai bên sân được bố trí các bộ nhạc khí cùng các đội vũ sinh.
Theo định lệ từ đời Gia Long, vào ngày mùng 1 Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, bá quan làm lễ Khánh hạ. Lúc mờ sáng mùng 1, chiếc đại kỳ thêu rồng và các loại cờ khánh hỷ nhiều màu sắc đã được kéo lên rợp sắc cả Kỳ Đài.
Sau khi viên quan ở Khâm Thiên Giám báo giờ tốt, vua mặc triều phục ra điện Cần Chánh chuẩn bị thực hiện lễ Nguyên đán.
Tiếp đến, trong tiếng tiểu nhạc, vua bước lên Ngự liễn cùng đội Nghi trượng ra Đại Cung Môn, lên điện Thái Hòa làm lễ. Bấy giờ, từ Ngọ Môn, chuông trống gióng lên để đón chào, vua xuống kiệu và tiến vào điện trong âm thanh đại nhạc.
Chín phát đại bác báo hiệu, vua ngự ở ngai vàng và buổi lễ Nguyên đán diễn ra bắt đầu bằng nghi tiết như các quan làm lễ bái, dâng biểu mừng. Ngoài ra, trong những nghi tiết này còn có sự chen lẫn của những tiết mục múa hát cung đình.
Buổi lễ kết thúc bằng khúc Hòa bình chi chương và âm thanh rộn rã của ban đại nhạc. Trong những buổi đại lễ như vậy, ban múa hát cung đình đều phải tấu 5 bài dùng chữ Bình như Lý Bình, Túc Bình, Khánh Bình, Di Bình và Hòa Bình.