Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo vật của tinh thần tự tôn dân tộc

"Ngai hoàng đế", "Cửu vị Thần công" và "Cửu Đỉnh" là 3 bảo vật có tính biểu tượng lớn về tinh thần dân tộc, trên hết là tinh thần độc lập, tự cường của người Việt.

Tet hoang cung anh 1

Ngai hoàng đế triều Nguyễn tại điện Thái Hòa. Nguồn: hueworldheritage.

Trong hệ thống Bảo vật Quốc gia ở Cố đô Huế, Ngai hoàng đế triều Nguyễn cùng với Cửu vị Thần công Cửu Đỉnh là những văn vật mang tính biểu tượng cao không chỉ có ý nghĩa với một triều đại mà còn có ý nghĩa với cả dân tộc. Các vua Nguyễn đầu triều xuất phát từ truyền thống tự tôn dân tộc để đề cao dân tộc, đề cao vị thế quốc gia.

[...]

Nhưng đối với Việt Nam, xuyên suốt trong lịch sử các triều đại đã xác lập và đặt 144 niên hiệu gắn với từng triều đại lịch sử.

Ngay từ khi mới thiết lập vương triều, nhà Nguyễn cũng đã thể hiện rõ quan điểm trong việc tạo ra những hình thức nhằm khẳng định uy thế của vương triều, vị thế của đất nước, tiêu biểu phải kể đến như Ngai vua ở điện Thái Hòa, Cửu vị Thần công Cửu Đỉnh.

Bản thân điện Thái Hòa và không gian tồn tại của nó là nơi tổ chức các lễ triều nghi, nơi đặt ngai vua, biểu tượng thiên tử, biểu tượng cao nhất của nhà nước quân chủ bấy giờ.

Đây là ngôi điện uy nghi tráng lệ nhất trong hệ thống kiến trúc công sở hành chính lúc bấy giờ, là một trong những biểu trưng cho sự uy nghi của một triều đại với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật, thể hiện rất rõ tính đại diện tối cao cho bộ mặt của nhà nước quân chủ.

Những biểu hiện ngay tại quy mô, cấu trúc của nó và đó cũng là căn bản biểu hiện quy mô cấu trúc nghi thức của chế độ chính trị vào thời bấy giờ. Do đó cũng có thể ví ngôi điện này như một bộ mặt hành chính của triều Nguyễn, đó là nơi giao tiếp chính thức của triều đình trong đối nội cũng như đối ngoại, đó cũng là nơi biểu hiện cao nhất, rõ ràng nhất tính chất trật tự, tôn ti xã hội.

Tương tự, việc đúc Cửu vị Thần công vào thời Gia Long đã nhấn mạnh sự uy nghi có tính chất điển chế của thời đại với hàm ý như một “tuyên bố” về một sức mạnh quân sự của đất nước. Việc đúc Cửu Đỉnh vào thời Minh Mạng khẳng định sự chính danh của bậc hoàng đế. Đó là cách để triều Minh Mạng tiếp tục khẳng định vị thế của đất nước trong quan hệ với các nước khác.

Tự hào về truyền thống văn hóa từ trong gốc rễ sâu xa của tinh thần dân tộc, chính vua Thiệu Trị cũng từng cho rằng: “Nước của ta vốn có tiếng văn hiến”, “Văn vật ở nước ta không kém gì Trung Quốc”.

Ngay cả con số 9 trong Cửu vị Thần công Cửu Đỉnh cũng tiềm tàng một sức mạnh triết lý. Số 9 ứng với mạng thiên tử, sánh với đức thánh nhân. Do vậy, nơi vua ngồi, vua ở thường được gọi là cửu trùng, địa vị của vua gọi là cửu ngũ chi tôn. Quyền uy đó chỉ có bậc hoàng đế mới có, không có ở các quân vương chư hầu vậy.

Quả thực, Ngai hoàng đế, Cửu vị Thần công Cửu Đỉnh là 3 bảo vật có tính biểu tượng lớn về tinh thần dân tộc, trên hết là tinh thần độc lập, tự cường của người Việt. Các văn vật ấy đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia của Việt Nam vào các năm 2012, 2015.

Nguyễn Phước Hải Trung / Tri thức Trẻ Books / Nhà xuất bản Văn học

SÁCH HAY