Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mùa xuân nói chuyện công chúa lấy chồng

Để chuẩn bị hôn lễ, nha Khâm Thiên Giám chọn 3 ngày lành hợp với tuổi của công chúa, phò mã và tâu lên vua ban định.

Người xưa có câu Nữ thập tam nam thập lục (nữ mười ba, nam mười sáu) để chỉ độ tuổi dựng vợ gả chồng cho con cái. Nhưng các công chúa của các vua triều Nguyễn phải đến tuổi trăng rằm (mười lăm trở lên) mới được thành thất.

Nếu như trong dân gian, các nữ nhi đi lấy chồng gọi là xuất giá thì trong chốn cung đình, công chúa lấy chồng được gọi là hạ giá. Từ hạ giá này dành riêng để chỉ việc công chúa lấy chồng, mang tính phân biệt về đẳng cấp, công chúa là con vua thuộc lớp trên khi gả cho các cậu ấm con quan thuộc lớp dưới nên phải gọi là hạ giá.

Khi công chúa đến 16 tuổi, bộ Lại cùng bộ Binh theo chỉ dụ của vua để lập ra một danh sách gồm 5 người là con của các công thần nhằm chọn lấy 1 phò mã tương lai. Danh sách này phải ghi rõ tuổi tác, lai lịch của từng người. Sau khi chọn được một người vừa ý, có sức khỏe tốt, và phải hợp với tuổi công chúa, vua cử một vị hoàng thân thay mặt làm chủ hôn, một vị đại thần phụ trách công việc hôn lễ. Cả hai người này đều phải là những người đứng tuổi, có gia cảnh vợ chồng song toàn, con đàn cháu đống.

Nếu ai được chọn làm phò mã tương lai thì sẽ được Hoàng gia cấp tiền bạc để mua sắm các loại phục sức trong ngày cưới của mình và công chúa. Bên cạnh đó, phò mã tương lai còn được cấp tiền để mua hoặc xây cất phủ thự. Sau đó, theo ý chỉ của vua, nha Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt tổ chức thường triều.

Tại cuộc lễ này, nhà vua sẽ công bố với các đại thần những dự định về tổ chức hôn lễ cho công chúa. Vị hoàng thân thay mặt nhà vua làm chủ hôn sẽ truyền ý chỉ của vua cho nhà trai. Nhà trai sẽ chuẩn bị mọi nghi thức cần thiết để nghinh đón tin vui. Tiếp theo tại một buổi lễ thường triều khác, triều đình tổ chức lễ tạ ơn cho gia quyến phò mã.

Để chuẩn bị hôn lễ, nha Khâm Thiên Giám chọn 3 ngày lành hợp với tuổi của công chúa, phò mã và tâu lên vua ban định. Trong 3 ngày đó cứ mỗi ngày sẽ cử hành hai lễ, bao gồm Nạp thái, Vấn danh, Nạp trưng, Nạp các, Điện nhạn, Thân nghinh. Theo đó, tùy tính chất của mỗi lễ mà số vật phẩm có thể tăng lên hoặc giảm bớt.

Ví như, lễ Nạp thái gồm 1 con trâu, 1 con heo, 2 vò rượu, 1 mâm cau trầu, 4 nén vàng, 16 nén bạc, 2 chuỗi ngọc, 2 cây gấm, 10 cây lụa, hoặc lễ Nạp trưng thì gồm 1 con trâu, 2 con bò, 2 con heo, 2 vò rượu, 1 mâm cau trầu, 6 nén vàng, 20 nén bạc, 2 chuỗi ngọc, 2 cây gấm, 2 cây lụa. Tất nhiên, không phải phò mã nào cũng có điều kiện để sắm sửa các lễ phẩm theo định lệ. Do đó, một số trường hợp đã được nhà vua cho giảm bớt danh mục cũng như số lượng lễ phẩm.

Tet hoang cung anh 1

Công chúa và phò mã trong trang phục truyền thống cử hành đại lễ dưới sự chứng kiến của một vị quan được nhà vua chọn là chủ hôn. Lễ cưới của công chúa triều Nguyễn được tái hiện tại Festival Huế 1/5/2016. Ảnh tư liệu

Cũng liên quan đến việc chuẩn bị lễ phẩm, ở lễ Điện nhạn, nếu theo tục lệ trước đây thì gia đình phò mã phải đưa vào Hoàng cung 1 cặp chim nhạn để làm tin (có tính tượng trưng), nhưng vì loại chim này khó kiếm nên có thể thay thế bằng 1 cặp ngỗng. Ngoài ra, trong phẩm vật của lễ này còn có 2 hộp chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền để tượng trưng cho sự đảm bảo về đời sống tình cảm cũng như đời sống vật chất.

Đến hôm rước dâu, vị phò mã tương lai phải vào Hoàng cung để trình diện và lạy tạ ơn vua, dâng lễ vật xin đón công chúa. Nhà vua ban chỉ dụ tiếp lễ vật và giáo huấn, sau đó, vị phò mã được đưa đến một gian phòng ở trong cung để đợi tiến hành các thủ tục tiếp theo.

Tiếp sau phò mã là công chúa cùng các nữ quan vào yết kiến nhà vua. Công chúa phải quỳ để nghe giáo huấn. Vua ban rượu mừng cho công chúa, khi cạn hết chung rượu, công chúa lạy tạ ơn vua 5 lạy và cáo từ, sang yết kiến mẫu hậu tại hậu cung. Tại đây, nghi lễ cũng cử hành tương tự như khi yết kiến tại cung vua.

Rời khỏi cung mẫu hậu, công chúa được một đoàn tùy tùng gồm chủ hôn, các đại thần, các nữ quan, tỳ nữ, binh lính gánh kiệu, cầm cờ, tàn quạt, các thiếu nhi cầm lồng đèn... để tháp tùng công chúa về nhà chồng. Đến giờ rước dâu, phò mã chờ sẵn bên kiệu, vén màn mời công chúa lên, dẫn đầu ra khỏi Hoàng cung, rồi lên ngựa thẳng về dinh phủ phò mã. Đến phủ, phò mã vén rèm đưa công chúa vào phòng. Gia đình phò mã tổ chức tiệc rượu mừng tân hôn.

Tan tiệc, vào giờ tốt, cặp tân lang làm lễ Hợp cẩn, ăn chung mâm tơ hồng, uống rượu phu thê... Hôm sau, công chúa ra mắt bố mẹ chồng. Đến hôm sau nữa, công chúa bái lạy bàn thờ gia tiên bên chồng. Mọi nghi lễ phải được thực hiện một cách trang nghiêm, đầy đủ. Đến ngày thứ 9 (kể từ ngày rước dâu), công chúa và phò mã vào Hoàng cung lạy tạ ơn.

Trong dịp này, vua ban cho phò mã bộ áo đại triều tam phẩm, 2 cây vải gấm, 2 bộ yên cương ngựa... Sau đó, công chúa và phò mã vào cung vấn an mẫu hậu...

Ngay sau khi cưới, chồng của công chúa được lãnh hàm Phò mã đô úy. Trong một số dịp vui, phò mã được vào chầu vua, được vua mời dự yến, tháp tùng xa giá khi vua vi hành. Đó là những đặc ân một cách không chính thức, bản thân phò mã sau khi kết hôn với công chúa thì không hề được bổ nhiệm một chức vụ gì trong triều cả.

Nhưng nếu công chúa qua đời, căn cứ vào tuổi tác và trình độ, phò mã có thể được bổ nhiệm một chức vụ nào đó nhưng chỉ trong phạm vi cấp tỉnh.

Đám cưới công chúa là một điển lễ cung đình và của Hoàng gia xưa với nhiều nét đẹp truyền thống mà ngày nay vẫn như còn vương vấn một vài nét đẹp, đâu đó thảng hoặc trong một số đám cưới ở Huế.

Nguyễn Phước Hải Trung / Tri thức Trẻ Books / Nhà xuất bản Văn học

SÁCH HAY