Trên điện Thái Hòa, khi khẳng định về “địa cục” của kinh đô có nhiều thuận lợi, phù hợp thuật phong thủy, hơn một lần triều Nguyễn đã khẳng định vị thế của đất đảm bảo tích chất “long bàn, hổ cứ” theo quan niệm của thời đại bấy giờ.
[…]
Khác với thơ, hổ xuất hiện như một biểu trưng có tính ước lệ cao, hình ảnh con hổ gắn với các di tích, cổ vật được biểu thị cụ thể hơn.
Trong các di tích cố đô, có hai di tích liên quan biểu tượng con hổ. Đó là điện Hòn Chén và Hổ Quyền. Ở điện Hòn Chén (Huệ Nam Điện) là công trình vốn gắn với tín ngưỡng có xuất xứ từ dân gian. Bên cạnh 10 công trình lớn nhỏ khác nhau, ở đây có di động thờ Ông Hổ gắn với dinh Ngũ Hành.
Trong quan niệm dân gian, hổ tượng trưng cho sức mạnh. Dân gian đã thần thánh hóa hổ, cho nó một sức mạnh thiêng liêng diệt trừ được ma quỷ. Do vậy, hình tượng con hổ trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, được vẽ thành tranh để thờ cúng ở các đền, điện.
Hổ ở động thờ Ông Hổ tại điện Hòn Chén được đắp nổi vôi vữa màu vàng theo dạng phù điêu, là một trong 5 vị: Hổ vàng, hổ đen, hổ trắng, hổ đỏ, hổ xanh ứng với 5 phương vị: Trung tâm, phương bắc, phương tây, phương nam và phương đông. Cả 5 vật biểu này tượng trưng cho 5 vị thần tướng ngự trị 5 phương trời.
Hổ ở động Ông Hổ thuộc về phương vị trung tâm. Đây là tín ngưỡng dân gian, dùng ngũ hành để trừ tà ma. Về sau việc dùng bát quái để trừ tà ma xuất phát từ những người Nho học, ảnh hưởng tín ngưỡng của Trung Hoa, nhất là biểu hiện ở tầng lớp thị dân.
Một kiến trúc khác gắn chặt với hình ảnh con hổ là Hổ Quyền, một đấu trường duy nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Di tích này được xây dựng để làm nơi tổ chức các trận đấu giữa voi và hổ từ năm 1830 dưới triều Minh Mạng.
Mục đích của việc thi đấu này trên tất cả sự giải trí thuần túy là sự huấn luyện cho voi.
Dưới thời Nguyễn, voi được “biên chế” trong quân đội, trở thành những chiến binh trong chiến đấu, đồng thời góp mặt vào các nghi thức của nhiều lễ tế lớn như Tế Giao, Tế Xã tắc.
Nhưng bản tính của voi được nuôi tại các trại voi của nhà Nguyễn là hiền lành, không quen với không khí của trận mạc cũng như chốn đông người, nên triều đình đã cho lập nên Hổ Quyền để rèn luyện, chuẩn bị tinh thần cho voi khi có việc cần huy động đến.
Bên cạnh đó, con hổ cũng từng xuất hiện trên chiếc cờ bạch hổ trong đoàn Ngự đạo của Tế Giao. Chiếc cờ vẽ chòm sao bạch hổ, nối kết thành một con hổ trắng, tượng cho phương vị Tây, ứng với mùa thu, nằm trong 4 nhóm sao thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ thuộc nhị thập bát tú (28 ngôi sao).
Người xưa quan niệm đây là cột mốc để tính vị trí chuyển dịch của mặt trời, mặt trăng và sao ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ thuộc Thái dương hệ. Đó cũng là cơ sở để xác định là hiện tượng về thiên văn, phân tích sự biến đổi thời tiết, khí hậu... gắn với những nhận thức về vũ trụ của phương Đông.
Trong lễ Tế Giao, ngoài cờ Bạch hổ, còn có lá cờ Hổ vĩ trong đoàn Ngự đạo. Hiện nay, lá cờ này nằm trong sưu tập của Bảo tàng Quân sự Pháp. Hình thức lá cờ hoàn toàn tương đồng với lá cờ hổ mà Henri Oger ghi nhận trong sách “Kỹ nghệ người An Nam” vào năm 1910.
Một hình ảnh rất đặc sắc khác là con hổ được đúc nổi trên Cao Đỉnh, nằm trong bộ Cửu Đỉnh (Thế Miếu, Đại Nội). Con hổ được đặc tả theo lối tả thực, có sự phối hợp đường nét, hình khối, đầy sức sống. Hổ được miêu tả với thân hình vạm vỡ, chắc, khỏe trên thế ngồi vững chãi của hai chân trước.
Riêng phần đuôi, chứa đựng một nội dung tổng hợp giữa cái tĩnh và động có tính khái quát cao: Tĩnh tại nhưng lại mang một sức mạnh tiềm tàng như thêm khi chuẩn bị quật đuôi xuống đất để phóng đi.
Toàn bộ con hổ được miêu tả đặt trong bối cảnh, núi non, mây trời, cổ thụ đã tạo nên một hình ảnh có sức gợi nhiều hơn tả, nó biểu thị một ước lệ hóa về sự kiêu hãnh, dũng mạnh của con vật ở chốn sơn lâm này.