Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hình ảnh cô bé 12 tuổi rách rưới làm dậy sóng dư luận

Bức hình chụp cô bé đi chân trần, áo quần rách rưới trong một nhà máy dệt dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ công chúng, dẫn đến việc ban hành luật cấm sử dụng lao động trẻ em.

Vào năm 1910, nhiếp ảnh gia người Mỹ Lewis Hine đã chụp được bức chân dung của một cô bé 12 tuổi đi chân trần, áo quần rách rưới, đứng tựa vào một cỗ máy lớn trong một nhà máy dệt. Tên bé là Addie Card và vẻ mặt nghiêm nghị của cô bé đầy ám ảnh. Hine và các nhiếp ảnh gia khác đã chụp được những bức ảnh để đời về lao động trẻ em ở Mỹ và Anh, và nhanh chóng trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất của cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Những bức ảnh ấy đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội của công chúng và dẫn đến việc ban hành luật cấm sử dụng lao động trẻ em. Nhưng trái với suy nghĩ của nhiều người, lao động trẻ em không phải là một phát minh của Cách mạng Công nghiệp mà cũng chẳng phải là một nhân tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa. Và thật ra, lao động trẻ em cũng không bị xóa bỏ nhờ vào những bộ luật cấm đoán đó.

Lao động trẻ em vốn là một yếu tố nội tại của xã hội loài người xuyên suốt lịch sử khi những thách thức của cuộc sống lay lắt đói khổ đòi hỏi trẻ nhỏ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ nhọc nhằn cả trong nhà và ngoài đồng. Nhưng khi Cách mạng Công nghiệp nổ ra, sự phổ biến của hiện tượng này đã lên đến mức độ chưa từng thấy. Thu nhập của những gia đình ở các vùng đô thị hầu như chỉ vừa đủ để sống sót và trẻ em mới 4 tuổi đã được đưa vào làm việc trong các ngành công nghiệp và khai thác mỏ.

Lao động trẻ em đặc biệt phổ biến trong các nhà máy dệt, nơi những bàn tay bé bỏng có thể dễ dàng tháo gỡ những sợi chỉ vướng trong các cỗ máy. Điều kiện làm việc tồi tệ, ngược đãi và độc hại mà trẻ em phải trải qua trong thời kỳ này, cùng với việc không được học hành, lại càng củng cố vòng xoáy đi xuống của đói nghèo.

lao dong tre em anh 1

Addie Card, 12 tuổi. Thợ xe chỉ ở Nhà máy sợi bông North Pownal.

Nhưng sự thay đổi công nghệ nhanh chóng trong quá trình phát triển công nghiệp và tác động của nó đến nhu cầu lao động có trình độ học vấn dần dần làm giảm lợi nhuận của lao động trẻ em đối với các bậc cha mẹ cũng như đối với các nhà công nghiệp theo hai cách.

Thứ nhất, máy móc mới đã làm giảm năng suất tương đối của trẻ em thông qua tự động hóa những công việc đơn giản mà các em có thể làm được, nhờ đó làm tăng độ chênh lệch giữa khả năng kiếm tiền của cha mẹ và con cái, đồng thời làm giảm lợi ích của cha mẹ khi cho con cái đi làm.

Thứ hai, sự gia tăng tầm quan trọng của vốn nhân lực trong quá trình sản xuất đã khiến các bậc cha mẹ đầu tư thời gian và năng lượng của con cái họ vào việc học hành thay vì làm việc, và khiến những nhà công nghiệp mong muốn lực lượng lao động của họ được trang bị đầy đủ các kỹ năng phù hợp đã ủng hộ những bộ luật hạn chế lao động trẻ em và cuối cùng là cấm hẳn.

Được thông qua ở Anh vào năm 1833, đạo luật đầu tiên có hiệu lực hạn chế lao động trẻ em là Luật Nhà máy cấm tuyển dụng trẻ em dưới 9 tuổi làm việc trong các nhà máy; giới hạn thời gian làm việc của trẻ em 9-13 tuổi là 9 giờ mỗi ngày; và cấm làm ca đêm đối với trẻ em dưới 18 tuổi. Sang năm 1844, Quốc hội thông qua một đạo luật mới, giới hạn thời gian làm việc trong ngày của trẻ em 9-13 tuổi là 6,5 giờ để các em có thể dành 3 giờ đi học mỗi ngày; giới hạn thời gian làm việc của trẻ em trong độ tuổi 14-18 là 12 giờ mỗi ngày; cùng các quy định an toàn dành cho trẻ em khi vận hành và vệ sinh máy móc.

Trong những năm tiếp theo, nước Anh đã thông qua các biện pháp bổ sung, liên tục nâng độ tuổi lao động tối thiểu và buộc các chủ nhà máy phải trả tiền học cho những công nhân trẻ.

Vì các quy định đủ loại có tác dụng hệt như đánh thuế vào việc tuyển dụng trẻ em nên nhiều người lập luận rằng các luật lệ này đã đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ lao động trẻ em ở Anh. Điều đó có thể phần nào là nguyên nhân, nhưng thật ra, lao động trẻ em đã có xu hướng giảm ở Anh từ trước khi có sự can thiệp của chính phủ.

Trong ngành công nghiệp bông của Anh, tỉ lệ lao động dưới 13 tuổi giảm từ gần 13% vào năm 1816 chỉ còn 2% vào năm 1835, trước khi luật lao động mới được thực thi nghiêm ngặt. Xu hướng tương tự cũng diễn ra trong ngành công nghiệp vải lanh.

Tiến bộ công nghệ đã đóng vai trò quan trọng trong việc xóa bỏ dần lao động trẻ em từ rất lâu trước khi những bộ luật liên quan ra đời, một phần là do máy móc - như máy kéo sợi tự hành của Richard Roberts - đã giúp giảm nhu cầu lao động trẻ em trong nhiều lĩnh vực.

Và mặc dù ngành công nghiệp tơ lụa được miễn áp dụng luật hạn chế lao động trẻ em, nhưng do phải cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài có khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu rẻ hơn, cho nên tỉ lệ lao động trẻ em trong các nhà máy tơ lụa vẫn giảm, từ gần 30% vào năm 1835 xuống còn 13% vào năm 1860. Nếu xu hướng này mang tính chất điển hình, thì không còn nghi ngờ gì nữa, cho dù không có luật cấm, lao động trẻ em vẫn giảm đáng kể trong các lĩnh vực khác.

Trên thực tế, vào nửa sau thế kỷ 19, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đã giúp giảm bớt gánh nặng trên vai các đơn vị sử dụng lao động khi phải đài thọ cho việc học tập của nhân viên, thực chất là giảm ‘thuế’ đối với việc tuyển dụng lao động trẻ em. Thế nhưng số lượng trẻ em làm việc trong các nhà máy không bao giờ quay lại mức cao hồi đầu thế kỷ. Trong giai đoạn 1851-1911, tỉ lệ bé trai 10-14 tuổi làm việc trong các nhà máy đã giảm từ khoảng 36% xuống dưới 20%; đối với bé gái, tỉ lệ này giảm từ gần 20% xuống gần 10%.

Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở hầu hết nước phát triển. Luật pháp dường như chỉ đóng vai phụ trong quá trình này trong khi những nguyên nhân chính làm giảm việc tuyển dụng và bóc lột trẻ em là chênh lệch thu nhập giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng và thái độ đối với giáo dục đã thay đổi. Khi biết rằng sự thay đổi thái độ đối với giáo dục chủ yếu là do nhu cầu về vốn nhân lực ngày càng tăng, ta sẽ không lấy làm lạ khi vấn nạn lao động trẻ em đã biến mất trước tiên ở những quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu và ở những vùng công nghiệp hóa nhiều nhất.

Ở Mỹ, luật hạn chế lao động trẻ em lần đầu tiên được thông qua vào năm 1842 tại tiểu bang công nghiệp hóa lớn Massachusetts. Điều đó không có nghĩa là thống đốc của những bang công nghiệp hóa thì khai sáng hơn; mà đúng hơn, nhịp độ tiến bộ công nghệ nhanh chóng đã làm tăng nhu cầu về vốn nhân lực ở những nơi đó, giảm bớt sự phụ thuộc vào lao động trẻ em và dập tắt sự phản đối của họ đối với đạo luật hạn chế nó.

Chẳng bao lâu sau, những đạo luật tương tự đã được thông qua ở tất cả tiểu bang đã thay hình đổi dạng nhờ vào Cách mạng Công nghiệp, và mãi về sau mới lan sang các tiểu bang nông nghiệp. Khi nhịp độ tiến bộ công nghệ đã tập trung xung lực ở Mỹ và tầm quan trọng của giáo dục ngày càng bộc lộ rõ nét hơn, lao động trẻ em dần dần biến mất.

Từ 1870-1940, tỉ lệ bé trai Mỹ 14-15 tuổi đi làm đã giảm từ 42% xuống 10%. Diễn biến tương tự cũng được ghi nhận ở bé gái và những độ tuổi thấp hơn.

Đến lúc ấy, người ta đã nhận thức sâu sắc về tác động của công nghệ đối với lao động trẻ em; nhận thức đó đã được minh họa sống động qua một biển quảng cáo máy kéo từ năm 1921.

Để thuyết phục nông dân mua máy kéo, các nhà tiếp thị đã nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của vốn nhân lực. Chiến dịch quảng cáo khẳng định rằng lợi ích chính của công nghệ mới là giúp tiết kiệm lực lượng lao động, để người nông dân có thể cho con em đến trường ngay cả vào mùa xuân - mùa bận rộn nhất trong năm của nhà nông.

Điều thú vị là các nhà quảng cáo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn vốn nhân lực "trong mọi tầng lớp xã hội, trong đó có nghề nông". Có lẽ họ đang cố gắng xoa dịu mối quan ngại của người nông dân Mỹ rằng những đứa con được học hành của họ sẽ chọn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp đang bùng nổ thay vì trong trang trại của gia đình.

Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Lam sao de co duoc nang luc lam Dan hinh anh

Làm sao để có được năng lực làm Dân

0

Không ai sinh ra đã là con người đúng nghĩa. Tương tự vậy, để trở thành một công dân biết làm “đúng việc” của mình, mỗi người cũng cần phải trải qua một hành trình khai minh để hiểu “làm dân” nghĩa là gì và trang bị cho mình những năng lực cần thiết để thực hiện sứ mệnh thiêng liêng đó. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Oded Galor/NXB Dân Trí

SÁCH HAY