Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đóng góp của văn hóa vào tăng trưởng kinh tế

Các tập tục văn hóa có lợi cho tăng trưởng đã tăng tốc tốc độ thay đổi công nghệ và quá trình chuyển từ trì trệ sang tăng trưởng.

Văn hóa K-Pop có đóng góp lớn đến kinh tế Hàn Quốc. Ảnh: MME.

Văn hóa đóng góp vào quá trình tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Văn hóa giữ vai trò lớn trong cách chúng ta nuôi dạy con cái, ảnh hưởng đến sự hình thành vốn con người và cuối cùng là khởi điểm của những chuyển đổi nhân khẩu học.

Văn hóa quyết định mức độ tin tưởng mà chúng ta dành cho nhau cũng như dành cho các thể chế chính trị và tài chính, nuôi dưỡng vốn xã hội và hợp tác xã hội. Văn hóa hình thành thái độ của chúng ta đối với các hành vi hướng về tương lai, ảnh hưởng đến thói quen tiết kiệm, hình thành vốn con người và ứng dụng khoa học công nghệ và văn hóa cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận các ý tưởng cách mạng và các thay đổi về thế giới quan.

Quả thật, cũng như các thể chế kinh tế và chính trị có thể ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa - khuyến khích hoặc hạn chế khả năng tin tưởng người lạ, đầu tư vào giáo dục, hoặc hợp tác với người khác - ngược lại, văn hóa cũng tạo ra ảnh hưởng đối với các thể chế này.

Ví dụ, ở Bắc Mỹ, các nhóm di dân đến từ các nước khác nhau ở châu Âu sẽ thiết lập ra các thể chế tương thích với giá trị văn hóa mà họ trân quý ở quê nhà. Giáo Hữu Hội (the Quaker), những người mà nền văn hóa coi trọng quyền tự do cá nhân và tự do tín ngưỡng, ủng hộ sự hình thành các thể chế hạn chế vai trò của chính phủ, ưu tiên tự do cá nhân, tách biệt nhà nước khỏi nhà thờ và đánh thuế thấp. Thanh Giáo (Puritans) là những người coi trọng khả năng đọc viết vì mục đích độc lập về tinh thần và cố kết xã hội, đã hình thành các thể chế củng cố hệ thống giáo dục công, sự tham gia của cộng đồng, hệ thống pháp luật và trật tự xã hội nghiêm khắc, tất cả đều được thực hiện bằng cách đánh thuế cao.

Trong khi đó, những người di dân đến từ Scotland và Ireland, thích vai trò can thiệp hạn chế của chính phủ vào các sự vụ cá nhân, đã thiết lập các thể chế để bảo vệ quyền tự do cá nhân, sử dụng tòa án phi chính thức (công lý của người đi khai hoang) để giải quyết các tranh chấp, ủng hộ quyền tự do mang vũ khí và duy trì mức thuế thấp. Chúng ta vẫn có thể quan sát thấy rõ các giá trị văn hóa này và loại hình thể chế mà họ ưa chuộng ở các khu vực khác nhau trong xã hội Mỹ cho đến tận ngày nay.

Trong suốt tiến trình lịch sử nhân loại, các cá nhân trong hầu hết mọi xã hội đều đối xử với thay đổi khoa học công nghệ và triết lý bằng thái độ ngờ vực, cố gắng bảo vệ các thể chế chi phối của họ và các cấu trúc quyền lực đang tồn tại. Điều này không hề là sự trùng hợp ngẫu nhiên; như chúng ta đã thấy, đây là hệ quả từ vai trò then chốt của việc giữ ổn định các giá trị, niềm tin và sở thích qua các thế hệ đối với khả năng sinh tồn và thịnh vượng trong những môi trường bấp bênh.

Tuy nhiên, cách đây vài thế kỷ, các xã hội ở Tây Âu đã trải qua một làn sóng thay đổi văn hóa. Làn sóng này đã tăng tốc cho các bánh xe vĩ đại của lịch sử nhân loại và giúp cho sự ra đời của thời kỳ hiện đại với tăng trưởng kinh tế kéo dài. Các xã hội Tây Âu đã đúc kết ra một kết luận là phát triển khoa học, công nghệ và thể chế là chìa khóa đi đến một thế giới tươi đẹp hơn. Nói cách khác, họ tin rằng những phát triển kiểu này là tiến bộ.

Điều quan trọng là các xã hội này đã ươm dưỡng các đặc điểm văn hóa như chú trọng đầu tư vào vốn con người và bình đẳng giới, đây là động lực chính cho những thay đổi về nhân khẩu học và là khởi đầu cho thời kỳ tăng trưởng kéo dài. Ngoài ra, vừa đúng lúc các đặc điểm văn hóa này ủng hộ các giá trị có lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thế tục: niềm tin cho rằng cá nhân có quyền quyết định vận mệnh của mình mà không bị ràng buộc bởi xã hội hoặc thậm chí là tôn giáo.

Những thay đổi văn hóa này cũng rất quan trọng trong việc hình thành các thể chế chính trị và kinh tế có lợi để tiếp tục nâng cao tiến bộ công nghệ. Và khi tốc độ thay đổi công nghệ và xã hội ngày càng tăng, những tập tục văn hóa mới và cấu trúc thể chế mới sẽ đem đến lợi thế ngày càng lớn. Các tập tục văn hóa có lợi cho tăng trưởng đã tăng tốc tốc độ thay đổi công nghệ và quá trình chuyển từ trì trệ sang tăng trưởng trong khi các bánh xe vĩ đại của lịch sử khuyến khích sự tiến hóa của các đặc điểm văn hóa thích nghi với quá trình tăng trưởng ngày càng mở rộng này.

Tuy nhiên, một câu đố lớn vẫn chưa được giải quyết: vì sao các nền văn hóa và thể chế có lợi cho phát triển công nghệ lại xuất hiện ở xã hội này chứ không phải xã hội kia? Trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật ở cả đời Tống và triều đại Khalif Abbasid đã đạt đến trạng thái huy hoàng rực rỡ nhưng cuối cùng tốc độ phát triển của họ lại lụi tàn. Trong khi ở phương Tây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật lại kéo dài cho đến ngày nay nhờ vào sự xuất hiện của các thể chế và đặc điểm văn hóa có lợi cho tăng trưởng.

phat trien van hoa anh 1

Thể chế, văn hóa và các bánh xe thay đổi.

Tại một số ngã rẽ trong lịch sử nhân loại, địa điểm diễn ra thay đổi văn hóa và thay đổi thể chế thoạt nhìn có vẻ như ngẫu nhiên [...]. Tuy nhiên, trong hầu hết mọi hoàn cảnh, đều có các nguyên nhân sâu xa đứng sau sự xuất hiện của các tập tục văn hóa và cấu trúc thể chế. Đó là địa lý và sự đa dạng của nhân loại.

Oded Galor/NXB Dân Trí

SÁCH HAY