Sự phát triển của loài người đã đi qua một lộ trình ngoạn mục phi thường và hoàn toàn khác với sự tiến hóa của bất kỳ loài sinh vật nào khác trên Trái đất.
Loài người thuở hồng hoang đã lang thang trên các thảo nguyên ở Đông Phi, sử dụng lửa để lấy ánh sáng, sưởi ấm và nấu ăn, đục đá để làm lưỡi dao, rìu và các công cụ khác. Vài triệu năm sau, một trong những hậu duệ của họ viết cuốn sách này trên một thiết bị di động có khả năng thực hiện những phép tính toán học phức tạp trong tích tắc bằng cách sử dụng bộ xử lý dựa trên công nghệ nano với sức mạnh xử lý gấp 100.000 lần so với cỗ máy tính từng được sử dụng chỉ 50 năm trước để đưa con người lên Mặt trăng.[...]
Trong phần lớn lịch sử nhân loại, tác động qua lại giữa tiến bộ công nghệ và dân số loài người là một vòng xoáy gia cố bền vững. Tiến bộ công nghệ giúp dân số gia tăng và khuyến khích sự thích nghi của các đặc điểm xã hội với những đổi mới này, đồng thời sự gia tăng và thích ứng của dân số giúp tăng cường đội ngũ các nhà phát minh và làm tăng nhu cầu đổi mới, tiếp tục kích thích việc sáng tạo và áp dụng công nghệ mới.
Trải qua vô tận thời gian, những bánh răng vĩ đại vô hình của lịch sử nhân loại này không ngừng xoay vần, thúc đẩy nhân loại tiến bước trên hành trình của mình. Công nghệ được cải thiện, dân số tăng lên, những đặc điểm xã hội phù hợp với công nghệ mới lan tỏa - và những thay đổi này đã kích hoạt tiến bộ công nghệ hơn nữa ở mọi nền văn minh, trên mọi lục địa và trong mọi thời đại.
Tuy nhiên, một khía cạnh chính trong đời sống con người nhìn chung vẫn chưa xoay chuyển: mức sống. Tiến bộ công nghệ trong hầu hết lịch sử loài người đã không thể tạo ra bất kỳ sự cải thiện lâu dài có ý nghĩa nào trong đời sống vật chất, bởi lẽ - hệt như tất cả loài khác trên Trái đất - nhân loại bị vướng vào chiếc bẫy đói nghèo.
Tiến bộ công nghệ và sự gia tăng nguồn lực gắn liền với nó luôn góp phần dẫn tới gia tăng dân số, khiến thành quả của tiến bộ phải chia năm xẻ bảy cho số miệng ăn ngày càng đông đúc. Phát minh đổi mới đã dẫn đến thịnh vượng kinh tế trong một vài thế hệ, nhưng cuối cùng sự gia tăng dân số lại đẩy nhân loại rơi xuống mức sống lay lắt qua ngày như cũ.
Khi người dân tận hưởng đất đai màu mỡ và sự ổn định chính trị, công nghệ đã có những bước tiến đáng kể. Điều này đã xảy ra một cách đa dạng ở Ai Cập, Ba Tư và Hy Lạp cổ đại, trong nền văn minh Maya và Đế chế La Mã, trong các vương quốc Hồi giáo, và ở Trung Quốc thời Trung cổ. Sự bùng nổ tiến bộ công nghệ đã lan truyền các công cụ và phương pháp sản xuất mới trên khắp bề mặt địa cầu và nhất thời nâng cao mức sống. Nhưng những cải thiện này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi.
Tuy nhiên, cuối cùng, sự tăng tốc tất yếu của tiến bộ công nghệ trong suốt lịch sử loài người đã đạt đến điểm tới hạn. Những phát minh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt nguồn từ một vùng đất nhỏ ở Bắc Âu vào thế kỷ 18 và 19 đã diễn ra nhanh chóng, đủ để thúc đẩy nhu cầu về một nguồn lực rất cụ thể: kỹ năng và kiến thức, nhờ đó người lao động có thể điều hướng môi trường công nghệ chẳng những mới lạ mà còn liên tục thay đổi.
Để chuẩn bị hành trang cho con em bước vào một thế giới như vậy, các bậc phụ huynh đã tăng cường đầu tư vào việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, vì thế buộc họ phải sinh đẻ ít hơn. Tuổi thọ kỳ vọng tăng và tỷ lệ trẻ em tử vong giảm đã làm tăng thời gian gặt hái lợi nhuận từ đầu tư giáo dục, củng cố hơn nữa động cơ đầu tư vào vốn nhân lực và giảm tỉ lệ sinh. Trong khi đó, chênh lệch tiền lương theo giới tính giảm dần đã làm tăng những thu nhập mà các bà mẹ phải bỏ lỡ khi sinh thành dưỡng dục con cái và góp phần làm tăng sức hấp dẫn của những gia đình nhỏ có ít con. Những áp lực chung này đã khơi mào cho quá trình Chuyển đổi Nhân khẩu học, cắt đứt mối quan hệ đồng biến dai dẳng giữa tăng trưởng kinh tế và tỉ lệ sinh.
Tỷ lệ sinh giảm ngoạn mục đã giúp quá trình phát triển thoát khỏi tác động giật lùi của tăng trưởng dân số, nên tiến bộ công nghệ giờ đây có thể mang lại sự thịnh vượng lâu dài chứ không còn thoảng qua trong chốc lát. Nhờ lực lượng lao động có chất lượng tốt hơn và đầu tư nhiều hơn vào vốn nhân lực, tiến bộ công nghệ ngày càng tăng tốc, nâng cao mức sống và thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người bền vững. Nhân loại đang trải qua một quá trình chuyển đổi trạng thái. Cũng giống như cuộc Cách mạng Đồ đá mới từ một vài trung tâm như vùng Lưỡi liềm Phì nhiêu và sông Trường Giang lan sang những khu vực khác, cuộc Cách mạng Công nghiệp và Chuyển đổi Nhân khẩu học đã bắt đầu ở Tây Âu rồi trong suốt thế kỷ 20 đã lan ra hầu hết toàn cầu, mang lại sự thịnh vượng ở bất cứ nơi nào chúng đi qua.
Vì vậy, hai trăm năm qua là một cuộc cách mạng: mức sống đã tăng vọt chưa từng thấy theo mọi thước đo mà ta có thể hình dung ra. Thu nhập bình quân đầu người trên toàn thế giới đã tăng 14 lần và tuổi thọ tăng hơn gấp đôi. Thế giới tàn khốc với tỉ lệ trẻ em tử vong cao đã nhường chỗ cho một thế giới thịnh vượng mà mỗi em bé qua đời là một bi kịch khác thường. […]
Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa cũng dẫn đến hiện tượng nóng dần toàn cầu đang đe dọa sinh kế và cuộc sống của mọi người trên khắp hành tinh, khiến nhiều người trở nên hoài nghi về đạo đức của thói tiêu dùng xa xỉ và tính bền vững của cuộc hành trình của chúng ta.
May thay, chính nguồn gốc của mức sống cao này cũng là phương tiện để ta duy trì mức sống đó: sức mạnh của phát minh đổi mới cùng với việc giảm tỉ lệ sinh có tiềm năng làm giảm nhẹ sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và bảo tồn môi trường. Sự phát triển và chuyển đổi sang các công nghệ thân thiện với môi trường, và việc giảm thiểu tác động lên môi trường nhờ giảm tăng trưởng dân số do sự gia tăng lợi nhuận từ giáo dục và bình đẳng giới, có thể cho phép tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ hiện tại đồng thời xoa dịu xu hướng nóng dần toàn cầu hiện nay, qua đó tranh thủ thời gian quý báu để phát triển những công nghệ mang tính cách mạng rất cần thiết để đảo ngược quá trình nóng lên toàn cầu hiện nay. [...]
Tuy nhiên, nhịp độ gia tăng mức sống không phải là một hiện tượng phổ biến và cũng chẳng hề tất yếu. Quả thật, đặc điểm kỳ lạ của nhân loại hiện đại là: mức sống của con người trên khắp hành tinh phần lớn phụ thuộc vào nơi họ chào đời.