Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ách kìm kẹp của quá khứ loài người

Do sự gắn bó cố hữu của con người với quê hương xứ sở và nền văn hóa bản địa, sự đa dạng của con người ở một số khu vực đã thay đổi với tốc độ chậm hơn nhiều.

Trẻ em nghèo ở Mumbai. Ảnh: indianexpress.

Tác động của sự đa dạng đối với sự phát triển kinh tế có thể là ví dụ nổi bật nhất cho thấy tình trạng chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia thời hiện đại bắt nguồn từ những yếu tố phức tạp có nguồn gốc từ quá khứ xa xưa.

Trên thực tế, những độc giả ở các vùng đô thị của thế giới phát triển với thành phần di dân đông đảo có thể cảm thấy ngạc nhiên khi sự phân bố đa dạng dân số đã tồn tại lâu dài đến thế trên các khu vực rộng lớn của hành tinh. Sự khác biệt về thể chế và ngôn ngữ giữa các quốc gia đã giảm bớt trong kỷ nguyên hiện đại, vì các nước đang phát triển có xu hướng áp dụng các thể chế kinh tế và chính trị thuận lợi của các quốc gia phát triển, và các cá nhân đã tìm cách hấp thu những chuẩn mực văn hóa có lợi. Tương tự, một số tác động bất lợi của địa lý, như nhiều dịch bệnh hoặc không giáp biển, đã được giảm nhẹ nhờ vào tiến bộ công nghệ.

Thế nhưng, phần lớn do sự gắn bó cố hữu của con người với quê hương xứ sở và nền văn hóa bản địa của họ, cũng như sự hiện diện của các rào cản pháp lý đối với việc di cư giữa các quốc gia, sự đa dạng của con người ở một số khu vực trong kỷ nguyên hiện đại đã thay đổi với tốc độ chậm hơn nhiều.

Do đó, nếu không có những biện pháp thúc đẩy phù hợp - về giáo dục, thể chế hoặc văn hóa - những xã hội có thành phần dân tộc quá đa dạng xem ra phải chật vật lắm mới đạt được mức độ tin cậy và liên kết xã hội cần thiết cho sự thịnh vượng kinh tế, trong khi những xã hội đồng nhất sẽ không được hưởng lợi đầy đủ từ sự giao lưu tư tưởng để dựa vào đó mà phát triển công nghệ và thương mại.

Do đó, chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia vẫn có thể tồn tại bất chấp sự hợp lưu của các đặc điểm thể chế và văn hóa giữa các nước. Đây chính là ách kìm kẹp của quá khứ.

Kể từ khi những nhóm Homo sapiens đầu tiên bước chân ra khỏi châu Phi hàng thiên niên kỷ trước, các đặc điểm xã hội của họ và môi trường tự nhiên riêng biệt mà họ định cư đã không giống nhau và ảnh hưởng của những điểm khác biệt đó vẫn tồn tại theo thời gian.

Có những nhóm người tận hưởng phúc lành ngay từ đầu với mức độ đa dạng và các đặc điểm địa lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, nhưng cũng có những nhóm khác vấp phải những điều kiện ban đầu kém may mắn hơn gây bất lợi cho quá trình phát triển của họ kể từ thuở đó. Những điều kiện thuận lợi ban đầu đã góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ và dẫn đến việc áp dụng các đặc điểm văn hóa và thể chế đẩy mạnh tăng trưởng - thể chế chính trị dung hợp nhiều thành phần, nguồn vốn xã hội và tư duy hướng tới tương lai - tiếp tục kích thích tiến bộ công nghệ và nhịp độ chuyển đổi trạng thái từ trì trệ sang tăng trưởng.

Ngược lại, những điều kiện ban đầu không thuận lợi khiến cho quỹ đạo phát triển bị kìm hãm, lại còn trở nên trầm trọng hơn do việc áp dụng các thể chế và đặc điểm văn hóa cản trở tăng trưởng.

Mặc dù xuyên suốt lịch sử loài người, các thể chế và văn hóa chịu ảnh hưởng rất nhiều của các đặc điểm địa lý và sự đa dạng của loài người, chúng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động lịch sử đột ngột mà đôi khi làm thay đổi số phận của các quốc gia.

[...]

Tuy nhiên, cuộc hành trình dài của lịch sử loài người cho thấy rằng các đặc điểm địa lý và sự đa dạng dân số, được hình thành một phần trong quá trình di cư của Homo sapiens từ châu Phi hàng chục nghìn năm trước, về cơ bản là những yếu tố sâu xa nhất nằm đằng sau tình trạng bất bình đẳng toàn cầu, trong khi sự thích nghi về văn hóa và thể chế thường quyết định tốc độ phát triển trong các xã hội trên thế giới. Ở một số khu vực, những yếu tố địa lý và độ đa dạng thúc đẩy tăng trưởng đã dẫn đến sự thích nghi nhanh chóng của các đặc điểm tự nhiên và thể chế với môi trường xung quanh, đồng thời thúc đẩy tiến bộ công nghệ.

su bat binh dang anh 1

Gốc rễ tối hậu của sự phát triển tương đối.

Nhiều thế kỷ sau, quá trình đó làm bùng phát nhu cầu về vốn nhân lực, tỉ lệ sinh giảm đột ngột và giúp các xã hội chuyển sang kỷ nguyên tăng trưởng hiện đại sớm hơn. Nhưng ở những nơi khác, sự tương tác này đặt các xã hội vào một cuộc hành trình chậm chạp hơn, trì hoãn quá trình trốn thoát khỏi chiếc hàm của con quái vật Malthus. Từ đó dẫn đến tình trạng chênh lệch sâu sắc trên toàn cầu trong thế giới hiện đại.

Oded Galor/NXB Dân Trí

SÁCH HAY