Tranh sơn dầu "L'Angélus". Nguồn: Jean-François Millet. |
Một trong những động lực chính của quá trình chuyển đổi trạng thái từ trì trệ sang tăng trưởng là ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động hưởng lương. Công nghiệp hóa là nguyên nhân chính, đồng thời việc rút ngắn chênh lệch tiền lương theo giới tính đã góp phần dẫn đến những gia đình nhỏ có ít con hơn và thúc đẩy quá trình Chuyển đổi Nhân khẩu học.
Nhưng trong những xã hội khác nhau, quan niệm khác nhau về vai trò giới tính đã và vẫn tiếp tục là một yếu tố quan trọng, thúc đẩy việc phụ nữ đi làm hưởng lương và quá trình phát triển ở một số nơi, đồng thời cản trở quá trình đó ở những nơi khác.
Một lần nữa, cội rễ của những đặc điểm văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế có thể bắt nguồn từ các điều kiện địa lý. Vào năm 1970, nhà kinh tế học người Đan Mạch Esther Boserup nêu lên giả thuyết rằng sự khác biệt giữa các nước về thái độ hiện nay đối với vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động là kết quả của các phương pháp canh tác khác nhau trong thời kỳ tiền công nghiệp.
Bà lập luận rằng do sự khác biệt về đặc điểm thổ nhưỡng và các loại cây trồng phổ biến giữa các vùng, cho nên nông dân ở một số vùng làm ruộng bằng cuốc và cào, trong khi ở những nơi khác, họ sử dụng lưỡi cày được kéo bằng sức ngựa hoặc bò. Việc sử dụng cày và điều khiển súc vật kéo cày đòi hỏi sức mạnh của phần trên cơ thể, cho nên nam giới có ưu thế thể chất nhiều hơn so với phụ nữ và phụ nữ ở những vùng này thường chỉ giới hạn trong những công việc nội trợ trong suốt lịch sử loài người. Boserup lập luận rằng nhìn chung, chính sự phù hợp thổ nhưỡng để sử dụng cày bừa đã dẫn đến sự phân công lao động theo giới tính.
Bằng chứng từ các xã hội nông nghiệp trên khắp thế giới đã xác nhận lập luận của Boserup. Những vùng sử dụng cày bừa luôn có sự phân công lao động trong gia đình nhiều hơn - nam giới chủ yếu đảm đương công việc ngoài đồng, trong khi phụ nữ phần lớn chỉ tề gia nội trợ.
Trong khi đó, ở những vùng sử dụng cuốc và cào, nam giới và phụ nữ có xu hướng cùng nhau gánh vác công việc đồng áng - từ chuẩn bị đất đến gieo hạt và thu hoạch, cũng như các công việc khác, chẳng hạn như gánh nước, vắt sữa bò hoặc thu gom củi - dù vậy, hầu hết công việc trong nhà chủ yếu vẫn rơi vào đôi vai phụ nữ.
Như vậy, dường như cái cày đã dẫn đến sự phân công lao động không chỉ trong việc cày bừa mà còn trong toàn bộ hoạt động khác. Phân tích dựa trên các cuộc thăm dò do tổ chức Khảo sát Giá trị Thế giới thực hiện trong giai đoạn 2004-2011 cho thấy rằng hàng loạt định kiến giới tính hiện nay có liên quan đến việc sử dụng chiếc cày. Đây có thể phần nào là nguyên nhân khiến ở những vùng có lịch sử sử dụng lưỡi cày sớm hơn và ngày càng thâm dụng hơn, chẳng hạn như Nam Âu, Trung Đông và Trung Á, ta cũng hiếm khi thấy phụ nữ xuất hiện trong lực lượng lao động, hội đồng quản trị công ty và chính trường.
Tác động của cái cày đối với quan niệm về vai trò phụ nữ cũng thể hiện rõ ở con em của những người nhập cư hiện sinh sống tại châu Âu và Mỹ. So với những người di cư thuộc thế hệ thứ hai từ những vùng không sử dụng lưỡi cày, những người di cư thuộc thế hệ thứ hai đến từ các quốc gia sử dụng lưỡi cày ít có thái độ bình đẳng với phụ nữ hơn và phụ nữ trong số họ có xu hướng tham gia lực lượng lao động với tỉ lệ thấp hơn, dù cả hai nhóm người cùng đứng trước những động cơ khuyến khích và cơ hội kinh tế như nhau.
Việc những người di cư thuộc thế hệ thứ hai vẫn chịu ảnh hưởng của môi trường địa lý của tổ tiên họ cho thấy rằng quan niệm về vai trò theo giới tính đã được truyền qua các thế hệ và di sản lịch sử này vẫn tồn tại ngay cả khi các gia đình đã di cư đến những vùng có các thể chế và hệ thống giáo dục khác với nguồn cội của họ (dù vậy, như đã đề cập trên đây, so với các đặc điểm văn hóa khác, quan niệm về việc phụ nữ tham gia lực lượng lao động có xu hướng hòa nhập nhanh hơn vào quan niệm của những nền văn hóa chiếm ưu thế).