Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

28 năm Việt Nam thực thi UNCLOS

Giáo sư Thayer: UNCLOS đóng góp tích cực tại Biển Đông

Vị chuyên gia người Australia cho rằng trong 40 năm qua, UNCLOS đã có đóng góp tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp biển quốc tế nói chung và tại Biển Đông nói riêng.

Trả lời Zing, giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Australia) chỉ ra dù Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không giải quyết tranh chấp về chủ quyền, nó góp phần dàn xếp nhiều tranh chấp về biển kể từ khi ra đời - ví dụ như phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về phân định biển giữa Somalia và Kenya ở Ấn Độ Dương.

Tại Biển Đông, giáo sư Thayer cho rằng UNCLOS cũng đã có đóng góp tích cực. Ví dụ, Malaysia và Singapore từng đưa tranh chấp lên tòa án quốc tế và chấp nhận phán quyết.

“Bên cạnh đó, nhiều vấn đề nổi bật đã được giải quyết. Có nhiều vụ việc xảy ra giữa ngư dân, cảnh sát biển và lực lượng thực thi pháp luật, nhưng chúng không bùng phát thành cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ giữa các quốc gia”, ông nói.

Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS được coi như bản “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia. Đến nay, Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

Quốc hội Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994. Tới năm 2012, Luật Biển Việt Nam ra đời. Đây là văn bản được xây dựng dựa trên các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước.

Thành công và thách thức

Theo ông, một “thang đo” về vai trò của UNCLOS là việc các nước có yêu sách ở Biển Đông - cũng như các nước khác như Indonesia, Mỹ, Đức, Pháp hay Australia - có quan điểm khá tương đồng trong “cuộc chiến công hàm” diễn ra trong giai đoạn 2020-2021, sau khi Malaysia đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng tháng 12/2019.

trung quoc muon doi luat anh 1

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Carl Thayer/Twitter.

Bất chấp các thành tựu trên, theo giáo sư Thayer, UNCLOS vẫn đang phải đối mặt với các thách thức, tiêu biểu là không có cơ chế thi hành - điều có thể khiến các phán quyết của tòa án bị bỏ qua như vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.

Một vấn đề khác là việc Mỹ chưa tham gia UNCLOS. Mặc dù Mỹ có tham gia Hội nghị Luật Biển lần thứ ba từ năm 1974 tới năm 1982 và công nhận UNCLOS là sự pháp điển hóa luật tập quán quốc tế, nước này chưa phải thành viên công ước do sự phản đối của một số phe phái trong nước.

Bên cạnh đó, các nước ven biển có cách giải thích khác nhau về quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải.

“Ví dụ Malaysia có quy định chặt chẽ với các tàu mặt nước và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc yêu cầu tàu phải xin phép trước. Một số quốc gia khác yêu cầu phải thông báo trước”, ông chỉ ra. “Các quốc gia cần nhận thấy sự khác biệt này để có thể giải quyết”.

Ngoài ra, giáo sư Thayer cũng đề cập đến yêu sách không phù hợp với UNCLOS của một số quốc gia - như yêu sách "quyền lịch sử" của Trung Quốc. Theo ông, đòi hỏi này giống như “cầu thủ bóng đá muốn đổi luật chơi giữa trận đấu”.

“Khi tham gia Hội nghị Luật Biển lần thứ ba, Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ khái niệm ‘quyền lịch sử’, nhưng không được đa số chấp thuận. Sau đó, Trung Quốc đã ký và phê chuẩn UNCLOS năm 1982”, ông nói.

“Quyền lịch sử” là khái niệm được Trung Quốc sử dụng làm cơ sở cho yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 tuyên bố không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với tài nguyên tại vùng biển bên trong “đường lưỡi bò”.

trung quoc muon doi luat anh 2

Đảo Pedra Branca từng là đối tượng tranh chấp giữa Malaysia và Singapore. Năm 2008, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ra phán quyết rằng hòn đảo này thuộc chủ quyền Singapore. Ảnh: Straits Times.

“Luật không thể thay đổi, và Trung Quốc đã đồng ý với luật này. UNCLOS không bao gồm mọi vấn đề, nhưng đã đề ra những quy tắc quan trọng”, giáo sư Thayer cho biết.

Cần giải quyết khác biệt

Theo giáo sư Thayer, việc được coi là “bản hiến pháp của đại dương” không có nghĩa rằng UNCLOS không thể được chỉnh sửa. Trên thực tế, thuật ngữ trên cũng không có trong UNCLOS, mà chỉ là cách gọi của mọi người.

“Mọi bản hiến pháp nên có điều khoản về việc chỉnh sửa”, ông nói. “Về lý thuyết, chúng ta có thể triệu tập một hội nghị Luật Biển trực tuyến và thảo luận về các vấn đề mới nổi lên - như rác thải nhựa, ô nhiễm - và cách thức ứng phó”.

Dù vậy, theo vị chuyên gia, môi trường quốc tế đang không thuận lợi cho điều này khi thể chế pháp quyền phải đối mặt với các thách thức từ xung đột tại châu Âu và cạnh tranh nước lớn.

“Điều này còn ảnh hưởng tới các khía cạnh khác của luật pháp quốc tế ngoài UNCLOS, và sẽ kéo dài nhiều năm”, ông nói. “Về lý thuyết, đây là điều nên làm. Nhưng hiện tại không phải thời điểm tốt”.

Trong bối cảnh này, giáo sư Thayer cho rằng các nước ASEAN nên đạt thỏa thuận và thu hẹp khác biệt tới mức thấp nhất có thể để đóng góp cho Luật Biển quốc tế.

“Các khác biệt giữa các nước Đông Nam Á có yêu sách là không lớn, và đang ngày càng hội tụ”, ông nói. “Việc giải quyết phù hợp với lợi ích của mọi bên vì khiến Trung Quốc có ít cơ sở để khai thác hơn”.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhận định các nước ASEAN cũng cần tổ chức hội nghị với các đối tác đối thoại - bao gồm hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo cấp cao - mỗi năm để tạo diễn đàn ngoại giao.

trung quoc muon doi luat anh 3

Một phiên họp của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ ba tại New York, Mỹ, tháng 12/1973. Ảnh: Liên Hợp Quốc.

Các kênh đối thoại có thể kể đến như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) - bao gồm 10 nước ASEAN và 8 trung tâm quyền lực lớn, Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), các cơ chế “ASEAN Mở rộng” như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) hay Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)…

“Khi ASEAN có sự quan tâm và nguồn lực lớn hơn, các cơ chế này tiếp tục gây áp lực nhằm thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, về cách thức áp dụng UNCLOS và ủng hộ phán quyết tòa trọng tài”, giáo sư Thayer nói.

Ngoài ra, theo ông, sự thống nhất và cơ chế ASEAN cần được các nước Đông Nam Á đặt lên hàng đầu.

“Năm 2016, nhiều quốc gia không muốn ủng hộ phán quyết vì bị Trung Quốc chỉ trích. Do đó, các nước không muốn tham gia: Đây được xem là một vấn đề giữa Philippines và Trung Quốc”, ông nói. “Philippines đã không tham vấn bất cứ ai trước khi khởi kiện. Đáng lẽ ra, ASEAN cần tham gia sớm hơn”.

Hậu trường tăng cường nhận thức về UNCLOS tại Liên Hợp Quốc

Để thoát khỏi cảnh “hữu danh, vô thực”, Nhóm bạn bè UNCLOS tổ chức thảo luận thường kỳ nhằm nâng cao nhận thức về công ước và gia tăng đồng thuận giữa các quốc gia.

UNCLOS giúp Việt Nam bảo vệ và giữ gìn môi trường biển

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao khẳng định UNCLOS là nền tảng để bảo vệ tài nguyên và giữ gìn môi trường biển, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế biển bền vững.

Không ai có quyền đánh tráo khái niệm của UNCLOS

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng dù UNCLOS không thể giải quyết mọi tranh chấp trên biển, không nước nào có quyền hiểu sai, đánh tráo các khái niệm của công ước vì lợi ích riêng.

28 năm Việt Nam thực thi UNCLOS

Việt Hà - Lan Phương

Bạn có thể quan tâm