"Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là công ước lớn nhất ràng buộc về mặt pháp lý đối với các quốc gia trong việc ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đây cũng cơ sở để xây dựng nên Hiệp định về đàn cá di cư năm 1995 hay Quy định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) về chống đánh bắt cá bất hợp pháp", Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027, khẳng định với Zing.
Đại sứ Thao nhận định dù UNCLOS giống như "hiến chương xanh" của nhân loại, việc tuân thủ công ước phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của các quốc gia thành viên. Đồng thời, giữa các quốc gia không có sự phát triển đồng đều về kinh tế và cơ sở kết cấu hạ tầng nên việc thực hiện bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, hướng tới phát triển bền vững gặp nhiều thách thức.
Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS được coi như bản “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia. Đến nay, Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.
Quốc hội Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994. Tới năm 2012, Luật Biển Việt Nam ra đời. Đây là văn bản được xây dựng dựa trên các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước.
Đại sứ Thao nhấn mạnh Việt Nam, với tư cách một trong hơn 100 nước đầu tiên ký và sớm tiến hành thủ tục phê chuẩn kể từ tháng 6/1994, cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.
Trong buổi trao đổi với Zing, Đại sứ Thao cũng đưa ra đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế biển của Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trên hành trình hướng tới phát triển bền vững.
Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển là nghĩa vụ của mọi quốc gia
"UNCLOS dành riêng chương XII về bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, trong đó có quy định các quốc gia thi hành các biện pháp phù hợp dù riêng rẽ hay phối hợp với nhau để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển", Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển trong "hiến chương xanh".
UNCLOS cũng là văn kiện quốc tế đưa ra được định nghĩa ô nhiễm môi trường biển và chỉ rõ sáu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm lớn nhất là từ đất liền, xuất phát từ các dòng sông, ngòi, cửa sông, ống dẫn và các thiết bị thải đổ công nghiệp.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027. Ảnh: Truyền hình Quốc hội Việt Nam. |
Chiếm phần lớn diện tích bề mặt Trái Đất, biển và đại dương có tầm quan trọng to lớn đối với sự tồn vong của loài người. Do vậy, bất kể quốc gia có cảng hay không có cảng, có biển hay không có biển cũng đều phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. "Đồng thời, quy định về giữ gìn và bảo vệ môi trường biển bao trùm ở tất cả vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và vùng biển quốc tế", Đại sứ Thao nói.
Theo vị chuyên gia, liên quan đến bảo vệ bền vững tài nguyên sinh vật biển, các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế có quyền và quyền chủ quyền về khai thác, sử dụng và quản lý. Cụ thể, theo quy định của UNCLOS, các quốc gia có thể xác định tổng khối lượng có thể đánh bắt và khả năng có thể khai thác của mình.
Lượng dư về sinh vật có thể tái sinh có thể cho các quốc gia khác đánh bắt thông qua các điều ước hoặc các thỏa thuận. Đồng thời, UNCLOS cũng chỉ rõ các quốc gia cần hợp tác với nhau về quản lý tàu cá và các đàn cá di chuyển giữa các vùng biển.
"Quy định trên giúp nguồn lợi sinh vật từ biển được khai thác một cách tối ưu, song UNCLOS cũng nêu rõ các biện pháp để tránh khai thác tận diệt tài nguyên biển bằng thuốc nổ, hóa chất, lưới vét, lưới cào hay đánh bắt vào mùa sinh sản của sinh vật biển", Đại sứ Thao phân tích.
Tuy nhiên, khi được hỏi về tính hiệu quả của các quy định về bảo vệ và giữ gìn môi trường biển, Đại sứ Thao cũng nhận định: "Công ước chỉ đưa ra những nguyên tắc, còn việc tuân thủ phụ thuộc vào thiện chí các quốc gia".
Việc tuân thủ của các quốc gia đôi khi gặp phải những khó khăn từ tình hình phát triển kinh tế của quốc gia đó.
Ví dụ, để xác định tổng khối lượng sinh vật có thể đánh bắt, các quốc gia sẽ phải thăm dò và nghiên cứu trên các vùng biển, quá trình này đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn. Do vậy, các quốc gia đang phát triển có thể "lảng tránh" hoạt động này, dẫn tới đánh bắt quá mức, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên sinh vật.
Nước biển dâng - mối đe dọa về chủ quyền của quốc gia ven biển
"Các nhà khoa học cảnh báo mực nước biển có thể tăng thêm một mét vào năm 2100 nếu lượng khí thải carbon không giảm", Đại sứ Nguyễn Hồng Thao trích lại Bản báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thuộc Liên Hợp Quốc.
Đại sứ phân tích rằng đường cơ sở thông thường được xác định trong UNCLOS là ngấn nước thuỷ triều xuống thấp nhất dọc theo bờ biển. Khi mực nước biển dâng, thủy triều thay đổi và tiến dần về vào đất liền, dẫn tới lãnh thổ trên biển của một số quốc gia bị hẹp lại theo đường cơ sở.
Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển. Ảnh: TTXVN. |
Trong thời điểm hình thành, UNCLOS không đặt vấn đề về nước biển dâng. Do đó, đường cơ sở có tính chất thay đổi chứ không nguyên vẹn, tác động nghiêm trọng tới một số quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương - vốn có nguy cơ mất một phần lớn, thậm chí toàn bộ lãnh thổ.
"Để có thể 'đông cứng' đường cơ sở, cần phải biến quy định này thành tập quán quốc tế - tức thực tiễn được phần đông quốc gia chấp nhận như là luật - nhưng hiện nay số lượng quốc gia lên tiếng vẫn còn rất hạn chế", Đại sứ Thao chia sẻ về tình hình hiện tại.
Dù cho có một số ý kiến từ các quốc đảo về cố định đường cơ sở để bảo vệ lãnh thổ trước biến đổi khí hậu, vấn đề này hiện nay mới chỉ dừng ở mối quan tâm chứ chưa có giải pháp ngay lập tức.
Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển
"Việt Nam nằm trong nhóm bảy nước có sản lượng khai thác thủy sản lớn nhất thế giới và đang đứng thứ tư trên thế giới về xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là làm thế nào để hạn chế nghề cá nhỏ", Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhận định.
Theo vị chuyên gia, giải quyết vấn đề này không hề đơn giản. Quá trình chuyển nghề mới cho ngư dân đòi hỏi thời gian chuẩn bị để tạo chuyển biến về thói quen, đồng thời đáp ứng trình độ nghiệp vụ tương thích với ngành nghề mới.
Trong bối cảnh nguồn lợi hải sản tại "sân nhà" đang suy giảm, các tàu cá Việt Nam cần vươn khơi khai thác xa bờ. Để đưa các đoàn tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam ra các vùng biển lớn của khu vực Thái Bình Dương, đòi hỏi đầu tư để phát triển đội tàu cá công suất lớn với trang thiết bị hiện đại.
Khi nói đến mục tiêu gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2022 và 2023, Đại sứ Thao cho biết Việt Nam đang có kế hoạch tuyên truyền vận động ngư dân để tôn trọng đường biên giới trên biển, không đánh bắt vùng biển của các nước khác.
Các tàu cá của Việt Nam cần được lắp đặt hệ thống giám sát hành trình. Đồng thời, cần thành lập các hợp tác xã mạnh gồm nhiều tàu lớn với ngư dân hiểu rõ pháp luật về biển, đảo.
Bảo vệ an ninh biển, đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ. |
"Quá trình gỡ thẻ vàng IUU không hề đơn giản, tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực, song không thể không thực hiện", Đại sứ Thao nhấn mạnh. Nếu Ủy ban châu Âu phạt "thẻ đỏ", thủy sản Việt Nam mất thị trường xuất khẩu 480 triệu USD.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khai thác tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, Đại sứ Thao nhận định rằng quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Đại sứ gợi ý rằng Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm về phát triển kinh tế biển của một số quốc gia trên thế giới, như Canada, Nhật Bản, Trung Quốc.
Trong đó, vị chuyên gia lấy ví dụ về chiến lược khai thác thủy sản của Trung Quốc tại vùng biển xa trước, vùng biển gần sau để giữ tài nguyên ở khu vực biển gần để không bị cạn kiệt. Đồng thời, đại sứ cũng nhấn mạnh vào vai trò của công tác nghiên cứu khoa học bài bản và phát triển cơ cấu các ngành kinh tế biển hợp lý.
28 năm Việt Nam thực thi UNCLOS
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU không đến bất ngờ
Trả lời Zing, người phát ngôn Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định cam kết với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bất chấp diễn biến phát sinh như chiến sự Ukraine.
Giáo sư Thayer: UNCLOS đóng góp tích cực tại Biển Đông
Vị chuyên gia người Australia cho rằng trong 40 năm qua, UNCLOS đã có đóng góp tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp biển quốc tế nói chung và tại Biển Đông nói riêng.
Hậu trường tăng cường nhận thức về UNCLOS tại Liên Hợp Quốc
Để thoát khỏi cảnh “hữu danh, vô thực”, Nhóm bạn bè UNCLOS tổ chức thảo luận thường kỳ nhằm nâng cao nhận thức về công ước và gia tăng đồng thuận giữa các quốc gia.