Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

28 năm Việt Nam thực thi UNCLOS

TL;DR

Không ai có quyền đánh tráo khái niệm của UNCLOS

Tiến sĩ Trần Công Trục cho rằng dù UNCLOS không thể giải quyết mọi tranh chấp trên biển, không nước nào có quyền hiểu sai, đánh tráo các khái niệm của công ước vì lợi ích riêng.

cong uoc luat bien unclos anh 1

“Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 không phải cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các hải đảo, quần đảo, không phải là cơ sở để giúp chúng ta chứng minh chúng là của ai, thuộc chủ quyền của quốc gia nào”, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho biết.

“UNCLOS không phải là ‘đũa thần’ có thể giải quyết mọi tranh chấp trên biển như một số người vẫn nhầm lẫn”, ông nhận xét.

Dù vậy, ông cũng chỉ ra UNCLOS đã có những điều khoản quy định cụ thể thế nào là đảo, đá, bãi cạn, quần đảo, quốc gia quần đảo và hiệu lực của chúng trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa có liên quan.

“Những khái niệm này đã được quy định rất rõ ràng và cụ thể, không ai có quyền hiểu sai hay có quyền đánh tráo chúng để phục vụ cho lợi ích của mình”, vị chuyên gia khẳng định.

Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS được coi như bản “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia. Đến nay, Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.

Quốc hội Việt Nam đã ban hành nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994. Tới năm 2012, Luật Biển Việt Nam ra đời. Đây là văn bản được xây dựng dựa trên các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước.

Việt Nam đi tiên phong

Theo ông Trục, mặc dù UNCLOS đã có những quy định khá cụ thể, rõ ràng, tình trạng bất đồng, tranh chấp vẫn đang diễn ra trên các vùng biển và đại dương - bao gồm Biển Đông - và là vấn đề phức tạp, đáng quan ngại. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là các quốc gia ven biển đã giải thích và áp dụng UNCLOS khác nhau.

“Có quốc gia cố tình giải thích và áp dụng sai, thậm chí hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS, để đưa ra các yêu sách, quyết định, phương thức hành xử…. phi lý, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, thậm chí có tác động tiêu cực đến hiệu lực pháp lý của UNCLOS”, ông nói.

cong uoc luat bien unclos anh 2

Tiến sĩ Trần Công Trục. Ảnh: NVCC.

Ông Trục cho rằng tình trạng này đến từ hai vấn đề: Tham vọng bá chủ trên biển của một số quốc gia, nhất là các siêu cường, và việc một số quy định của UNCLOS vẫn còn mang tính nguyên tắc, chung chung, khiến các nước có thể tùy tiện đưa ra cách giải thích.

Theo nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực đi tiên phong trong việc triển khai thực thi nghiêm túc và hiệu quả nội dung của UNCLOS. Ví dụ, từ trước khi UNCLOS ra đời, Việt Nam cũng đã thu thập, nghiên cứu nội dung Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 để vận dụng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về biển.

Năm 1977, Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam”, trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác.

“Với tuyên bố này, Việt Nam và các quốc gia khác như Kenya, Myanmar, Cuba, Yemen, Cộng hòa Dominica, Guatemala, Ấn Độ, Pakistan, Mexico, Seychelles được coi như những nước tiên phong trong việc đưa vùng đặc quyền kinh tế trở thành khái niệm có giá trị tập quán, và sau này thành một nội dung quan trọng của UNCLOS”, ông Trục cho biết.

Việt Nam cũng là nước đầu tiên trong khu vực dịch UNCLOS ra tiếng bản xứ, khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý để sớm phê chuẩn công ước vào năm 1994, cũng như nội luật hóa bằng cách xây dựng Luật Biển Việt Nam, được Quốc hội thông qua năm 2012.

“Luật Biển Việt Nam ra đời năm 2012 là một bằng chứng cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của UNCLOS”, ông nói. “Đây là quá trình nội luật hóa Luật Biển quốc tế; là sự cụ thể hóa các quy phạm pháp lý quan trọng của UNCLOS”.

Bên cạnh đó, theo ông Trục, cuộc đàm phán phân định ranh giới biển trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là điển hình, tạo tiền lệ cho các nước nghiên cứu trong giải quyết vấn đề tranh chấp ranh giới biển giữa các quốc gia có vùng biển đối diện và kế cận nhau.

“Thành công nổi bật là Việt Nam đã căn cứ vào các nguyên tắc, giải pháp giải quyết tranh chấp do UNCLOS 1982 trù định để xúc tiến đàm phán hoạch định ranh giới biển, thềm lục địa với các nước láng giềng và thu được những thành quả đáng khích lệ”, ông chia sẻ.

IUU - vấn đề nhức nhối

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, tiến sĩ Trần Công Trục cũng chia sẻ một số suy nghĩ của bản thân về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU) - vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của Việt Nam, một quốc gia thành viên của UNCLOS.

Tháng 10/2017, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức rút “thẻ vàng" đối với hải sản của Việt Nam. Theo EU, những nỗ lực của Việt Nam là chưa đủ và chưa hiệu quả để ngăn ngừa và loại bỏ IUU, đặc biệt là việc tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn phổ biến.

cong uoc luat bien unclos anh 3

Chống đánh bắt IUU để gỡ "thẻ vàng" của EU là mục tiêu hàng đầu của ngành thủy sản Việt Nam lúc này. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Trước tình hình này, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt với mong muốn được sớm gỡ “thẻ vàng”. Dù vậy, đến nay, chiếc “thẻ vàng” này vẫn chưa được gỡ bỏ; thậm chí có thể chuyển thành “thẻ đỏ” - tương đương với lệnh cấm thủy sản khai thác của Việt Nam vào thị trường EU.

“Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2022, đã có 12 vụ - với 19 tàu và 131 ngư dân thuộc 7 tỉnh, thành phố ven biển - vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép và bị bắt giữ, xử lý”, ông Trục cho biết.

Theo ông Trục, cộng đồng ngư dân - thậm chí cả các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chấp pháp của các nước trong và ngoài khu vực, các tổ chức quốc tế liên quan - có thể chưa nắm được rõ ràng vị trí chính xác của các ranh giới biển, cũng như giới hạn của “vùng chồng lấn” được hình thành theo yêu sách hợp lý của các nước.

Bên cạnh đó, UNCLOS dường như vẫn để ngỏ những quy định trực tiếp điều chỉnh vấn đề đánh bắt IUU.

“Trách nhiệm đối với sự xuất hiện của hành vi IUU tràn lan trên các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác được xác định ra sao? Có tồn tại những ngoại lệ cho phép áp dụng hình phạt tống giam với những tàu thuyền và cá nhân thực hiện hành vi IUU hay không? Có cần thiết hình sự hóa IUU không? Đây dường như vẫn là những câu hỏi lớn trước các quy định của UNCLOS”, ông nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra việc sử dụng từ ngữ không chuẩn xác trong công tác biển đảo có thể gây nhận thức sai trong dư luận.

Ví dụ, trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin, trong các văn bản chính trị , pháp lý…, cụm từ “chủ quyền biển đảo” thường được sử dụng để thay cho thuật ngữ “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia” - vốn áp dụng cho các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo với những quy chế pháp lý khác nhau.

“Điều này khiến cho nhiều người nhận thức mơ hồ, lệch lạc về tính chất và mức độ bảo vệ và thực thi các quyền hợp pháp đối với các vùng biển, thềm lục địa và các hải đảo, quần đảo, có thể có tác động tiêu cực đến các hành xử của các cá nhân, cơ quan quản lý, của các tầng lớp nhân dân trước những sự kiện xảy ra trên từng khu vực khác nhau”, ông chia sẻ.

Mọi quốc gia đều ngang hàng trong UNCLOS

Tại Đối thoại Biển lần 8, các chuyên gia đánh giá Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sau 40 năm tồn tại đã tạo khuôn khổ chung cho sự hợp tác giữa các quốc gia.

Cựu thẩm phán tòa quốc tế: Không nước nào cư xử như Trung Quốc

Ông Rudiger Wolfrum, cựu thẩm phán Tòa Trọng tài Quốc tế về Luật Biển, nói việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết năm 2016 chỉ là trường hợp cá biệt luật quốc tế không được tuân thủ.

28 năm Việt Nam thực thi UNCLOS

Việt Hà - Lan Phương

Bạn có thể quan tâm