"Chiến sự ở Ukraine không tác động tới quyết tâm của chúng tôi trong việc hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Peter Stano, người phát ngôn chính của EU về đối ngoại, chia sẻ với Zing.
Theo ông Stano, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU - vốn được xây dựng trên nền tảng quan hệ kéo dài hàng thập kỷ - đang phù hợp hơn bao giờ hết.
"Việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả quốc gia và xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và bền vững cũng là điều quan trọng hơn bao giờ hết", ông nói.
Tại khu vực này, EU cũng hướng đến việc củng cố quản trị đại dương, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), theo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được EU công bố hồi tháng 9/2021.
Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, UNCLOS được coi như bản “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia.
Toàn bộ 27 thành viên EU đã ký kết và phê chuẩn UNCLOS. Bản thân EU - với tư cách một khối - cùng là một thành viên của công ước này.
Liên kết chặt chẽ
- Xin ông cho biết lập trường của EU trong việc giữ gìn luật pháp quốc tế trên biển, cũng như về tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải trên các tuyến đường biển quan trọng?
- Sự can dự chiến lược của EU vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế và tiếp cận thị trường mở.
EU mong muốn tăng cường an ninh khu vực, bao gồm bảo đảm các tuyến hàng hải, nâng cao năng lực và hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên khuôn khổ pháp lý được quy định bởi UNCLOS. EU cũng sẽ tăng cường đối thoại với các đối tác về an ninh và quốc phòng, bao gồm an ninh biển, chống khủng bố và an ninh mạng.
Ông Peter Stano, người phát ngôn chính của EU về đối ngoại. Ảnh: Anadolu Agency. |
Trong lĩnh vực an ninh biển, hồi tháng 2, chúng tôi công bố việc mở rộng khái niệm về Hiện diện trên biển có điều phối (CMP) tới khu vực Tây Bắc Ấn Độ Dương. Sự mở rộng này sẽ cho phép tối ưu hóa việc sử dụng các công cụ mà các thành viên EU đang triển khai ở khu vực trong khi thúc đẩy trao đổi thông tin.
Đây là một trong những trung tâm tăng trưởng kinh tế năng động nhất trên thế giới, phụ thuộc vào các tuyến đường hàng hải an toàn để kết nối thương mại với Trung Đông, châu Phi, Đông Á và châu Âu. Khoảng 80% thương mại thế giới đi qua Ấn Độ Dương.
Chiến dịch chống cướp biển EU NAVFOR - Operation Atalanta của EU cũng đã tổ chức thành công các hoạt động hải quân chung với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác).
EU sẽ tìm cách tiến hành nhiều cuộc diễn tập - bao gồm diễn tập đa phương - và ghé thăm cảng của các đối tác nhiều hơn để chống cướp biển, bảo vệ tự do hàng hải, trong khi tăng cường ngoại giao hải quân của EU trong khu vực.
- Năm 2021, EU mới lần đầu tiên đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của khối. Tại sao EU cần nhiều thời gian như vậy, dù đã hiện diện và can dự vào khu vực từ trước đó? Đâu là những điểm chính trong chiến lược này mà ông muốn nhấn mạnh?
- Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU không đến bất ngờ. Trong nhiều thập kỷ qua, EU đã tăng cường quan hệ thân thiết với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dựa trên các mối liên kết về lịch sử, văn hóa, thương mại, cũng như hàng thập kỷ hợp tác và hỗ trợ đầy ý nghĩa.
Minh chứng của liên kết chặt chẽ này là việc EU có các hiệp định hợp tác song phương và hiệp định thương mại với một số đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EU và ASEAN đã xây dựng quan hệ đối tác năng động trên nhiều mặt trong hơn 40 năm.
Sau gần một năm, thông điệp chủ đạo trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU vẫn rõ ràng và không thay đổi: EU đã quyết định tăng cường can dự và làm việc với các đối tác để thúc đẩy thương mại, đầu tư, độ mở của nền kinh tế và cách tiếp cận kết nối bền vững.
EU có lợi ích địa chính trị và kinh tế sống còn với sự ổn định và phồn vinh của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sự can dự chiến lược của EU vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế và tiếp cận thị trường mở. Chúng tôi muốn củng cố vai trò như một đối tác tin cậy trong khu vực. Châu Âu muốn hiện diện nhiều hơn và tích cực hơn trong khu vực này.
Qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chúng tôi muốn làm sâu sắc thêm sự can dự với các đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm phản ứng trước những động lực đang nổi lên, tác động tới ổn định khu vực.
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU được tổ chức hồi tháng 8/2021. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ. |
Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác đa phương, bao gồm với ASEAN, trong các thách thức toàn cầu từ đại dịch Covid-19 đến khí hậu, từ quản trị đại dương đến kỹ thuật số.
Và chúng tôi cũng đang thực hiện những gì đã được đề ra. Chúng tôi đã hoàn thành đàm phán thương mại với New Zealand, cũng như nối lại đàm phán thương mại và đầu tư với Ấn Độ. Chúng tôi cũng đã khởi động quan hệ đối tác kỹ thuật số với Nhật Bản và thúc đẩy thực hiện quan hệ Đối tác Kết nối với Nhật Bản và Ấn Độ, dựa trên chiến lược “Cửa ngõ Toàn cầu” (Global Gateway) của EU.
Diễn đàn Bộ trưởng về hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương, được tổ chức tại Paris ngày 22/2 và được đồng chủ trì bởi ông Josep Borrell, Cao ủy Đối ngoại và Chính sách an ninh của EU, đã khẳng định sự ủng hộ rõ ràng từ các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU.
Tại diễn đàn, các đối tác của chúng tôi hoan nghênh cam kết của EU với khu vực và tái khẳng định tầm quan trọng thiết yếu của hợp tác nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho mọi quốc gia, tôn trọng hoàn toàn luật pháp quốc tế.
- Với việc mỗi nước thành viên EU có lợi ích khác biệt trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đâu là các động lực hay mục tiêu chung khiến họ cùng đồng thuận tăng cường tham gia vào khu vực?
- Hiện tại và tương lai của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vai trò quan trọng trong tương lai của châu Âu. Châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có liên kết cao độ và chúng ta đang phải đối mặt với các thách thức tương đồng: Mối đe dọa an ninh hỗn hợp và an ninh mạng, tin giả và việc “vũ khí hóa” sự phụ thuộc về kinh tế.
Những điều đang diễn ra tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng với châu Âu, và ngược lại. Khu vực này chiếm tới 60% GDP toàn cầu và là thị trường lớn thứ hai của hàng hóa EU. Tổng cộng, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu chiếm trên 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, cũng như hơn 60% dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU, tháng 9/2021. Ảnh: Liên minh châu Âu. |
Đồng thời, một trung tâm cạnh tranh toàn cầu mới đã nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, làm gia tăng căng thẳng với thương mại và chuỗi cung ứng.
Chúng ta đang sống trong thời kỳ cạnh tranh chiến lược với các thách thức an ninh phức tạp. Chi tiêu quân sự trong khu vực đã gia tăng hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Việc phô diễn lực lượng và căng thẳng gia tăng trong các điểm nóng toàn cầu - như Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan - có thể gây ra tác động trực tiếp tới an ninh và sự phồn vinh của châu Âu.
Sáng kiến đa dạng
- Ông có thể chia sẻ các thông tin liên quan về các sáng kiến và chương trình đang là nền tảng cho việc can dự của EU với các quốc gia trong khu vực hay không?
- Sự can dự chiến lược của EU với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hướng đến thúc đẩy chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ hiệu quả, môi trường rộng mở và công bằng cho thương mại và đầu tư, trong khi hỗ trợ kết nối với EU.
Chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” sẽ tác động tới các ưu tiên của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy đầu tư xanh, hiện đại và có khả năng phục hồi vì sự kết nối bền vững, từ cơ sở hạ tầng tới khuôn khổ các quy tắc.
Dựa trên kinh nghiệm và các thành công trong khu vực, EU sẽ triển khai chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” theo cách tiếp cận châu Âu - kết hợp sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của EU, các nước thành viên và các định chế tài chính châu Âu, đặc biệt qua các Sáng kiến châu Âu (Team Europe Initiatives).
Tại hội nghị cấp bộ trưởng tại Paris, chúng tôi đã công bố một số sáng kiến cụ thể, thứ sẽ khiến chúng tôi bận rộn trong những tháng tới:
- Liên minh Xanh lá - Xanh dương vì Thái Bình Dương, một sáng kiến châu Âu có tiềm năng to lớn hướng đến một tương lai carbon thấp vào năm 2050.
- Sáng kiến Xanh châu Âu với ASEAN nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học.
- Sáng kiến châu Âu vì Kết nối bền vững tại ASEAN, nhằm phát triển các dự án cụ thể để hợp tác với các đối tác Đông Nam Á và hướng đến sự khởi động thành công trong tương lai gần.
Một cuộc diễn tập hải quân chung giữa EU và Nhật Bản tại vịnh Aden, tháng 10/2021. Ảnh: Liên minh châu Âu. |
- Chi nhánh châu Á - Thái Bình Dương của sáng kiến “Trung tâm Kỹ thuật số vì phát triển” (Digital4Development Hub). EU, các nước thành viên, khu vực tư nhân, xã hội dân sự và các đối tác sẽ cùng hợp tác về kỹ thuật số, bao gồm thúc đẩy việc giáo dục kỹ năng kỹ thuật số cho thanh niên.
Hôm 12/5, lãnh đạo EU và Nhật Bản khởi động Đối tác Kỹ thuật số EU - Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật số và giúp đảm bảo chuyển đổi số thành công, mang lại sự đoàn kết, thịnh vượng và bền vững.
Chúng tôi cũng vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) EU - Thái Lan. Hôm 30/6, EU và New Zealand đã kết thúc 4 năm đàm phán một hiệp định thương mại tự do tham vọng. Cuối cùng, chúng tôi đang hướng đến việc ký kết Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện (CATA) với các nước ASEAN.
- Trong bối cảnh tình hình Ukraine, EU sẽ đảm bảo cam kết với một chiến lược dài hạn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như thế nào? Ông có thể kể ra một số chương trình, hành động cụ thể mà EU đang lên kế hoạch hay không?
- Chúng tôi không bỏ qua những điều đang xảy ra bên ngoài châu Âu. Thế giới liên kết với nhau, nên không thể nói rằng chỉ có tình hình tại Ukraine khiến EU quan ngại. Những gì xảy ra tại Ukraine đang và sẽ tiếp tục tác động đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Do đó, đối với khu vực này, việc luật pháp quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ cần được tôn trọng là vấn đề quan trọng, giống như với châu Âu.
Trên thực tế, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của châu Âu đang phù hợp hơn bao giờ hết. Việc bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả quốc gia và xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và bền vững cũng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các thách thức toàn cầu đang nổi lên đòi hỏi quản trị đa phương và hợp tác quốc tế nhiều hơn, thay vì ít hơn.
28 năm Việt Nam thực thi UNCLOS
Giáo sư Thayer: UNCLOS đóng góp tích cực tại Biển Đông
Vị chuyên gia người Australia cho rằng trong 40 năm qua, UNCLOS đã có đóng góp tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp biển quốc tế nói chung và tại Biển Đông nói riêng.
Hậu trường tăng cường nhận thức về UNCLOS tại Liên Hợp Quốc
Để thoát khỏi cảnh “hữu danh, vô thực”, Nhóm bạn bè UNCLOS tổ chức thảo luận thường kỳ nhằm nâng cao nhận thức về công ước và gia tăng đồng thuận giữa các quốc gia.
Mọi quốc gia đều ngang hàng trong UNCLOS
Tại Đối thoại Biển lần 8, các chuyên gia đánh giá Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sau 40 năm tồn tại đã tạo khuôn khổ chung cho sự hợp tác giữa các quốc gia.