Việc giảm cân quá đà sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Ảnh: V.M. |
Trong một truyện ngụ ngôn nổi tiếng của David Foster Wallace (có lẽ có từ thời Khổng Tử) kể rằng có hai con cá nhỏ đang cùng nhau bơi lội thì tình cờ gặp được một con cá lớn hơn bơi ngược chiều. Con cá lớn kia gật đầu với bọn chúng và nói: “Chào buổi sáng, các chàng trai. Nước thế nào rồi?” Hai con cá nhỏ bơi tiếp thêm một đoạn cho đến khi một trong hai con cuối cùng cũng quay sang nhìn con còn lại và hỏi: “Nước là cái quái gì nhỉ?”
Nước - theo như mục đích của cuốn sách này, và để hiểu về nguồn gốc của thức ăn, việc ăn uống cũng như suy nghĩ và hành vi của cơ thể - chính là nền văn hóa ăn kiêng mà tất cả chúng ta đang cùng bơi lội trong đó. Đó là thứ mách bảo chúng ta rằng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, và đáng yêu hơn chỉ khi chúng ta giảm cân hoặc tìm ra chế độ ăn kiêng phù hợp.
Nền văn hóa mà trong đó, 99% thời gian, vẻ đẹp được miêu tả bằng các tính từ trẻ trung, trắng trẻo, mảnh mai, hợp giới và dị tính luyến ái. Nền văn hóa của các nhãn hiệu thời trang từ chối dòng doanh thu hàng tỷ đô la tiềm năng từ hàng triệu phụ nữ tự nguyện muốn có một cơ thể với kích thước trung bình hoặc trên trung bình, để không bị pha loãng thương hiệu.
Nền văn hóa không ngừng săm soi vóc dáng những phụ nữ ở kinh đô Hollywood vì họ quá béo hoặc quá gầy, vì họ tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang thai, hay tăng quá ít trong thời kỳ mang thai, vì họ về dáng sau khi sinh quá nhanh hay quá chậm, vì họ phẫu thuật thẩm mỹ hay không phẫu thuật thẩm mỹ, vì họ ăn vận quần áo quá già hay quá trẻ.
Nền văn hóa luôn theo sát từng kí lô giảm hoặc tăng của Oprah, Jessica Simpson, Kirstie Alley, Britney Spears, Kim Kardashian và Kelly Clarkson. Nền văn hóa bị coi là bất thường về hành vi nhịn ăn, tập thể dục quá sức và bị ám ảnh rằng người mình quá béo trong khi thực tế thì gầy tới tong teo. Nền văn hóa của sự bài xích béo phì ngấm ngầm và rộng khắp, ngay cả trong sách thiếu nhi cũng như phim hoạt hình.
Sách Ăn là nguồn yêu sống của tác giả Jenna Hollenstein. Ảnh: H.H. |
Nền văn hóa của những chương trình truyền hình như: The Biggest Loser, My 600-lb Life, Celebrity Fit Club, My Diet Is Better Than Yours, Shedding for the Wedding và Extreme Makeover. Nền văn hóa của những phim tài liệu giật gân như: Supersize Me; Food, Inc; Forks Over Knives; Fed Up; What the Health; Food Matters; Hungry for Change và Fat, Sick and Nearly Dead.
Nền văn hóa bị ám ảnh bởi thức ăn của: Top Chef, Iron Chef, Chopped, Chopped Junior, American Diner Revival, Baconation, Beat Bobby Flay, Cake Hunters, Cake Wars, Cupcake Wars, Carnival Eats và hàng trăm chương trình nội dung khác.
Nền văn hóa xuất bản vô số tiêu đề bất tận về bệnh dịch béo phì và được hoàn thiện bằng những hình ảnh chụp từ cổ trở xuống của những cơ thể thừa cân, song chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội nhấn mạnh những lợi ích sức khỏe tự huyễn hoặc của việc uống rượu hoặc ăn sôcôla. Nền văn hóa xuất bản những nghiên cứu không thể chứng minh được cân nặng càng cao càng dễ gây ra những vấn đề sức khỏe mạn tính, song vẫn kết luận “thực khôn ngoan khi đạt được và duy trì mức cân nặng lý tưởng”.
Nền văn hóa củng cố niềm tin rằng phẫu thuật giảm béo là giải pháp tiêu chuẩn vàng cho vấn đề của những cơ thể béo phì, mất kiểm soát; mặc dù nó đi kèm nguy cơ tử vong, biến chứng phẫu thuật, cần phải phẫu thuật lại, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, nghiện rượu, trầm cảm và tự tử.
Nền văn hóa tuyên bố liệu trình nguy hiểm này là giải pháp tối thượng bằng cách hoàn toàn xem nhẹ tính mạng của người đang nằm bên dưới lưỡi dao mổ. Và cũng là nền văn hóa sẵn sàng chấp nhận phân biệt đối xử với con người theo vóc dáng, từ chối cho họ cơ hội được tiếp cận các công ăn việc làm, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các lợi ích xã hội khác vì người ta cho rằng béo chính là do họ lựa chọn.
Giống hai con cá nhỏ kia, chúng ta đang hoàn toàn đắm chìm trong văn hóa ăn kiêng và không thể tránh khỏi vô số những hình ảnh từ các phương tiện truyền thông truyền thống lẫn xã hội, các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị lén lút cùng giới chuyên gia chăm sóc sức khỏe đầy thành kiến - những người thường ép chúng ta phải ăn theo những lời khuyên giảm cân được ẩn ý trong những cảnh báo sai lầm về sức khỏe yếu kém.
Vì chúng ta đã vẫy vùng trong những thông điệp này quá lâu và từ khi còn rất trẻ, thành ra chúng ta coi chúng là sự thật. Và cũng bởi chúng ta tin chắc mình có thể thay đổi vóc dáng của cơ thể nếu như đủ cố gắng, vậy nên chúng ta dần trở nên mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn khiến mình tước đoạt đi năng lượng cùng sự thỏa mãn của cơ thể để gặt hái được kết quả cuối cùng là giảm cân.
Cuối cùng thì, chuyện ăn kiêng chẳng thể kéo dài lâu khi chúng ta ngừng giảm cân hoặc vùng lên chống lại thái độ muốn ăn không dám ăn, có thể là cả hai, và rồi con lắc sẽ nghiêng hẳn về hướng khác, đồng thời khiến chúng ta ăn uống một cách vô độ tất cả những gì chúng ta từng cấm đoán bản thân cũng như từ bỏ bất kỳ động thái nào trong giai đoạn ăn kiêng, đó chính là nguyên nhân khiến chúng ta quay lại chỉ số cân nặng ban đầu và thường là tăng thêm chút ít.