Sự trung thực là một đức tính quý báu cha mẹ cần rèn giũa cho trẻ. Ảnh: M&C. |
Trong việc giáo dục, dạy cho trẻ đừng nói dối là một việc rất khó. Chúng ta nên theo những phương pháp dưới đây để giáo dục cho con cái chúng ta trở thành người trung thực.
Sự thật thà: Người thành thật là người biết yêu mến chân lý, là người thấy mình có lỗi lớn khi che đậy sự thật, hay xuyên tác sự thật để lừa dối kẻ khác. Người thành thật có sự ngay thẳng trong nghị lực và tâm hồn, nhận thấy trách nhiệm đối với lẽ phải, và tìm phương pháp để giãi bày lẽ phải ấy. Cái đức tính của hạng người ấy làm cho ai cũng yêu mến và muốn giao thiệp.
Trong khi ăn nói, người thành thật không bao giờ hàm hồ, cái gì chắc chắn thì nói chắc chắn, cái gì nghi hoặc thì nói nghi hoặc. Chớ không để sự nhầm lẫn cám dỗ, rồi cũng đem người khác vào sự nhầm lẫn của mình. Người thật thà nhiều khi phải hy sinh quyền lợi của mình chứ không chịu đi trái lẽ phải.
Sự thật thà đi đôi với sự kín đáo, kín đáo với thật thà làm cho nhiều người tín nhiệm và đã kín đáo thì những sự bí mật của người khác, không đáng nói là không bao giờ nói ra.
Sách Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương nữ sử. Ảnh: Hoàng Thanh Thủy. |
Có người đã xuyên trá (xuyên tạc) sự thật thà, đại để một người kia thiếu lễ phép, thiếu xã giao và khiêm nhượng, lịch sự trong việc giao thiệp, ai có hỏi đến lại nói: “Vì tôi quen tính thật thà”, nhưng thật thà không có nghĩa là vô lễ, cục cằn và liều lĩnh.
Trái với tính thật thà là gian xảo, điêu toa, kiểu cách, xuyên trá, lừa đảo.
Trung thành: Người thật thà bao giờ cũng có tính trung thành. Vì trung thành là sự ngay thẳng có lí trí và nghị lực trong sự giao thiệp với mọi người. Người trung thành xem lời đã hứa với ai như một lời thề, là một danh dự. Dầu chịu sự thiệt thòi, người trung thành không bao giờ bỏ danh dự để sai ước với ai.
Kiêu căng, tự ái là phản trái của trung thành: Sự kiêu căng là một sự dối trá, người kiêu căng hay khoe khoang tự đắc những đức tính mình không có mà dù có đi nữa, khi những đức tính ấy đã đem ra khoe là nó giảm giá đi nhiều, chưa kể những đức tính ấy chỉ một mình người ấy độc quyền có mà thôi. Sự thật ở đời người ta có nhiều đức tính quý hơn thế nữa.
Lòng tự ái có nghĩa là muốn giữ thanh danh của mình, cảm thấy xấu hổ trước những lời phiền trách, lòng tự ái ấy có lợi cho giáo dục. Nhưng nếu lòng tự ái do tính kiêu căng xuất phát, thì rất đáng ghét. Nhận về mình tất cả những điều hay lẽ phải, cho người khâm phục mình nhiều tài nhiều đức mà mình vốn không có.
Vì vậy đã vội nóng mặt trước những lời phê bình, chỉ trích của người khác. Với lòng tự ái, người ta không tiến thủ được. Trẻ con tự ái sẽ khó dạy dỗ.
Tính khiêm tốn: Khiêm tốn chính là phương thuốc để trừ đi tính kiêu căng và tự ái. Nó là đức tính của người thành thật, trung thực, người khiêm tốn không cần phô trương lòe loẹt hão, trái lại biết giữ gìn nhân cách của mình và nhã nhặn với mọi người.