Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Selçuk Bayraktar và anh trai Haluk Bayraktar được đối xử như những ngôi sao. Tài khoản Twitter và Instagram của ông Selçuk có hai triệu người theo dõi. Mỗi bài đăng của ông thu hút hàng trăm bình luận khen ngợi của những người hâm mộ.
Dù vậy, hai anh em nhà Bayraktar không phải là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng hay vận động viên thể thao. Họ là lãnh đạo công ty công nghiệp quốc phòng Baykar, nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 - một trong những UAV được ưa chuộng hàng đầu hiện nay.
TB2 đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập hàng ngũ các “cường quốc UAV” - bên cạnh Mỹ, Israel, Iran và Trung Quốc. Nó cũng là sản phẩm tiêu biểu cho nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan trong hai thập kỷ qua.
Ngay cả những đối thủ chính trị của ông Erdoğan cũng coi thành công của Baykar là niềm tự hào của đất nước.
Chiếc UAV lý tưởng
Baykar có trụ sở tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và được điều hành bởi hai anh em Haluk và Selçuk Bayraktar - người cũng là con rể Tổng thống Erdoğan.
Chỉ sau bảy năm kể từ khi bàn giao những chiếc TB2 đầu tiên cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2014, tới năm 2021, Baykar đã vượt qua nhiều tên tuổi truyền thống để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 664 triệu USD, Financial Times cho biết.
Một chiếc TB2 của quân đội Azerbaijan. Azerbaijan đã sử dụng hiệu quả UAV trong cuộc đụng độ Nagorno-Karabakh năm 2020. Ảnh: TASS. |
Không chỉ là một “biểu tượng văn hóa” tại Thổ Nhĩ Kỳ, TB2 còn được nhiều chính phủ các nước khác ưa thích. Ông Aaron Stein, chuyên gia về chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ, gọi Bayraktar TB2 là “Toyota Corolla của máy bay không người lái”. Toyota Corolla là một trong những mẫu xe bán chạy nhất thế giới.
Với thân hình cong, cánh hẹp và ba bánh xe nhỏ, TB2 có khả năng bay liên tục lên tới 27 giờ với độ cao tới 7.600 m để thu thập thông tin tình báo và giám sát. Loại UAV này được trang bị laser để đánh dấu mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa.
TB2 không thể bay xa hay chở nặng như một số loại UAV khác, như chiếc Reaper giá 32 triệu USD do Mỹ sản xuất. Dù vậy, giá thành của TB2 - khoảng 5 triệu USD/chiếc - là lợi thế lớn.
Theo giới chuyên gia quân sự, TB2 là sự kết hợp hoàn hảo giữa giá thành và chất lượng. “Nó kết hợp thiết kế tiêu chuẩn NATO và các đặc điểm về hiệu suất”, ông Arda Mevlütoğlu, một chuyên gia quân sự tại Ankara, nói. “Nó cũng đã thể hiện hiệu quả trong chiến đấu và khá rẻ”.
Năm 2020, Azerbaijian khiến giới quan sát quân sự thế giới bất ngờ trước cách quốc gia này tận dụng hiệu quả UAV trong xung đột Nagorno-Karabakh. Trong đó, TB2 đóng vai trò quan trọng.
Các quốc gia không có lực lượng không quân mạnh - hoặc có thể phải đương đầu với đối thủ không có hệ thống phòng không mạnh - trở thành khách hàng tiềm năng của Baykar.
“UAV giúp các nước không cần thiết phải có nguồn lực mua các máy bay chiến đấu tối tân, nhưng vẫn có năng lực như vậy”, chuyên gia kỹ thuật quân sự Erik Lin-Greenberg tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định. “TB2 không thể thay thế hoàn toàn cho máy bay chiến đấu, nhưng nhiều nước coi UAV là cách để nhảy vọt nhiều thế hệ về công nghệ”.
Tổng thống Erdoğan cùng hai anh em Bayraktar. Ảnh: Anadolu Agency. |
Niềm tự hào của Thổ Nhĩ Kỳ
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu mua UAV từ Anh và Mỹ trong các thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Dù vậy, sau một thời gian, các đồng minh phương Tây lo ngại về cách Ankara sử dụng UAV trong cuộc xung đột với các nhóm người Kurd, và ngừng bán loại khí tài quân sự này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tới giữa thập niên 2000, khi UAV đã chứng tỏ vai trò đối với lực lượng vũ trang các quốc gia, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chạy đua sản xuất loại khí tài này. Gia đình Bayraktar là những người dẫn đầu.
“Nếu dự án này và các dự án tương tự được ủng hộ, trong 5 năm, chúng tôi có thể giữ vị trí số một thế giới”, ông Selçuk tuyên bố với một nhóm sĩ quan và quan chức trong một video từ năm 2005.
Do Baykar là doanh nghiệp tư nhân, họ không công khai số liệu tài chính ra công chúng. Dù vậy, số nhân công của họ - khoảng 2.500 người, tăng 800 người so với hai năm trước - cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công ty này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Istanbul, ông Selçuk nhận được học bổng thạc sĩ tại Đại học Pennsylvania và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nơi ông nghiên cứu về hệ thống điều khiển cho trực thăng không người lái. Đồng thời, ông cũng thí nghiệm với các mẫu UAV để phục vụ công việc kinh doanh của gia đình.
Năm 2006, Baykar giành chiến thắng trong một cuộc thi UAV của chính phủ. “Rõ ràng là họ đã dẫn trước so với các đối thủ”, một cựu quan chức tham gia tổ chức cuộc thi nói với Financial Times.
Một năm sau, ông Selçuk từ bỏ chương trình tiến sĩ tại Viện Công nghệ Georgia để trở về Thổ Nhĩ Kỳ và giữ vai trò giám đốc kỹ thuật của Baykar. Anh trai ông, Haluk, là giám đốc điều hành.
Một chiếc TB2 của quân đội Ukraine diễu binh tháng 8/2021. Ảnh: AP. |
Đám cưới của Sümeyye Erdoğan, con gái út của Tổng thống Erdoğan, với ông Selçuk Bayraktar năm 2016 là biểu tượng của mối quan hệ giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Baykar. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần trao đổi về các sản phẩm của công ty này với các đối tác nước ngoài trong nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu.
“Chúng tôi sẽ bán chúng cho bất cứ ai muốn mua”, một nhà ngoại giao cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố.
Dù vậy, ông Demir, lãnh đạo cơ quan xuất nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng, phủ nhận thông tin này. Ông cho biết các UAV phải trải qua quy trình kiểm soát xuất khẩu rất nghiêm ngặt, khiến một số khách hàng tiềm năng đã bị Ankara từ chối.
Giờ đây, Baykar có hợp đồng xuất khẩu với ít nhất 22 quốc gia, bao gồm Morocco, Niger hay Djibouti. Mỗi năm, công ty này sản xuất 240 chiếc TB2, nhưng khoảng cách về thời gian giữa đặt hàng và nhận hàng vẫn lên tới ba năm.
Nhờ "đắt hàng”, BT2 vào tháng 11/2021 đã vượt mốc 400.000 giờ bay chỉ sau 7 năm ra mắt. Đây là nhân tố quan trọng giúp Baykar cải thiện sản phẩm của mình.
“Phản hồi từ người dùng là điều cần thiết để phát triển hệ thống dựa trên nhu cầu chiến trường”, ông Haluk Bayraktar nói với Financial Times năm 2020. “Vì chúng tôi bay khá nhiều, Thổ Nhĩ Kỳ có được nhiều kinh nghiệm vận hành”.