Tuần qua, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, thông tin với báo chí rằng giới chức Nga đang gấp rút tìm kiếm hàng trăm chiếc drone do thám từ Iran, bao gồm mẫu có khả năng mang vũ khí, nhằm phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bù đắp tổn thất
Theo ông Sullivan, một phái đoàn Nga gần đây đã tới sân bay Kashan (Iran) ít nhất hai lần để khảo sát các máy bay không người lái có khả năng tấn công mà Moscow muốn mua để sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hai trong số những mẫu drone mà phái đoàn Nga quan tâm gồm mẫu Shahed-191 và Shahed-129.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, khẳng định Nga đang gấp rút tìm kiếm hàng trăm chiếc drone do thám từ Iran. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ khác cho rằng Iran đã lên kế hoạch cung cấp khoảng 300 máy bay không người lái và sẵn sàng huấn luyện binh sĩ Nga cách vận hành ngay trong tháng 7.
Thông tin tình báo của Mỹ nói trên được cho là dấu hiệu cho thấy kho vũ khí chính xác cao của Nga, cũng như máy bay không người lái - vũ khí quan trọng trong nhiệm vụ tập kích đối phương đến trinh sát, chỉ điểm cho pháo binh tại Ukraine, đang gặp khó khăn do chiến sự kéo dài.
Máy bay không người lái đã trở thành một vũ khí quan trọng của cả hai bên trong cuộc xung đột ở Ukraine. Về phía Ukraine, nước này cũng có riêng một phi đội máy bay không người lái, đồng thời cũng sử dụng hàng trăm UAV do Mỹ và một số nước NATO cung cấp.
Thời gian gần đây, quân đội Ukraine sử dụng những UAV do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo để tấn công các bốt chỉ huy, xe tăng và hệ thống tên lửa đối không của Nga.
Song, một số chuyên gia cho biết máy bay phản công và các thiết bị điện tử của Nga, gồm một số thiết bị gây nhiễu, đã làm nhiễu loạn một số drone của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Ukraine. Trong khi đó, Nga sử dụng máy bay không người lái Orlan-10 để trinh sát.
Tuy nhiên, sau gần 5 tháng, số lượng máy bay không người lái của cả hai bên đều suy giảm vì gặp tai nạn hoặc bị bắn rơi. Do đó, nhu cầu đối với các mẫu có sẵn, cùng với tính năng chống nhiễu, ngày càng cao hơn.
Lựa chọn đúng đắn?
Các nhà phân tích cho biết cả Nga và Ukraine đang huy động nguồn lực drone từ nhiều phía để thay thế cho các thiết bị đã bị hư hại trong xung đột. Các đồng minh của Ukraine, trong đó có Lithuania và Ba Lan, bắt đầu triển khai chiến dịch gây quỹ để mua những chiếc Bayraktar mới cho Ukraine.
“Nga đang hướng tới một đồng minh chuyên cung cấp drone cho các khu vực phức tạp”, ông Samuel Bendett, chuyên gia về máy bay không người lái của Nga và các loại vũ khí khác tại CNA - một tổ chức nghiên cứu và phân tích ở Arlington - cho biết.
Bên cạnh đó, ông Bendett nhận định việc Nga chọn Iran làm nguồn cung cấp máy bay không người lái là hợp lý, vì “trong 20 năm trở lại đây, Iran đã cải tiến lực lượng tác chiến máy bay không người lái của mình. Máy bay không người lái của họ đã tham chiến nhiều hơn UAV của người Nga”.
Iran đã phát triển được một số loại UAV hiện đại. Ảnh: Reuters. |
Iran từng là nhà cung cấp các UAV cho các đồng minh ở Trung Đông. Quốc gia này gửi UAV cho lực lượng Houthi của Yemen để tấn công Saudi Arabia trước khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn vào đầu năm nay. Iran cũng là một trong số quốc gia đi tiên phong trong sản xuất drone “kamikaze” (tấn công liều chết), giống như dòng Switchblade mà Mỹ cung cấp cho phía Ukraine.
Ngoài máy bay không người lái, Iran hiện sở hữu một kho vũ khí công nghệ cao sẵn sàng cung cấp cho Nga như tên lửa tầm xa từng được sử dụng để tấn công các căn cứ của Mỹ tại Iraq, gây ra nhiều thương vong hai năm trước đây.
Đáng chú ý, trong những tháng gần đây, Iran có những động thái cho thấy mong muốn xích lại gần Nga.
Vào tháng 1, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và nói rằng đã đến lúc Nga và Iran “đối đầu với Mỹ bằng sức mạnh tổng hợp ngày càng tăng của hai nước chúng ta”, New York Times đưa tin.
Hiện Nga và Iran vẫn chưa đưa ra phản hồi sau khi ông Sullivan tiết lộ thông tin.
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitri S.Peskov, từ chối trả lời về việc liệu Moscow có bất kỳ kế hoạch mua drone từ phía Iran hay không. Ông Peskov cho biết tổng thống Nga không bàn luận về vấn đề này trong chuyến thăm tới thủ đô Tehran.