"Trong vài ngày, chúng tôi có thể làm giàu uranium lên 60%, và có thể dễ dàng sản xuất 90% số uranium... Iran về mặt kỹ thuật có thể chế tạo bom hạt nhân, nhưng chưa quyết định có triển khai hay không", Jerusalem Post dẫn lời ông Kamal Kharrazi.
Iran nhiều lần phủ nhận phát triển vũ khí hạt nhân, nói rằng nước này làm giàu uranium cho mục đích dân sự. Tehran cho biết sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ làm điều tương tự và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) được ký kết giữa Iran với phương Tây năm 2015. Theo thỏa thuận này, Tehran sẽ cắt giảm làm giàu uranium để đổi lấy việc được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr 1 của Iran hoạt động từ năm 2011. Ảnh: DW. |
Các cuộc đàm phán giữa Tehran và Washington nhằm đưa hai nước quay lại chương trình hạt nhân đã ngưng trệ từ tháng 3. Ông Kharrazi cho biết Iran sẽ không bao giờ thỏa thuận về chương trình tên lửa và chính sách khu vực như yêu cầu của phương Tây.
Theo World Population Review, hiện có 9 quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân - gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Pakistan, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, với tổng cộng hơn 13.000 đầu đạn. Trong đó, Nga và Mỹ lần lượt có 6.255 và 5.550 đầu đạn.