Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đắm mình vào thiên nhiên

Thiên nhiên là liều thuốc chữa lành nhiều tổn thương, một sự an ủi dành cho những ai đang đau khổ.

Sáng thứ tư, ngày 23/4/1944, Anne Frank trèo lên căn gác xép bên trên ngôi nhà phụ nơi gia đình cô đã ẩn náu suốt hai năm để thăm Peter, cậu bé Do Thái sống cùng họ.

Sau khi Peter hoàn thành công việc của mình, cả hai ngồi xuống vị trí yêu thích của Anne trên sàn nhà và nhìn qua khung cửa sổ nhỏ ra thế giới mà họ buộc phải bỏ lại phía sau.

Nhìn chằm chằm lên bầu trời xanh, cây dẻ trụi lá bên dưới, những con chim sà xuống nhảy nhót, cả hai say mê đến không nói nên lời. Thật yên tĩnh, thật thanh bình, thật thoáng đãng so với căn nhà chật chội của họ.

Cứ như thể thế giới không có chiến tranh, như thể Hitler đã không giết hàng triệu người và gia đình của họ không phải trải qua mỗi ngày nơm nớp với nguy cơ bị giết hại.

Bất chấp tất cả, vẻ đẹp dường như lên ngôi. Anne tự nhủ: “Chừng nào còn tồn tại ánh nắng này, bầu trời không mây này, và chỉ cần mình có thể tận hưởng nó, thì làm sao mình có thể buồn được?”.

Sau đó, cô bé đã viết trong nhật ký của mình rằng thiên nhiên là một loại thuốc chữa khỏi tất cả, một sự an ủi dành cho bất kỳ ai và những ai đau khổ.

Để làm được điều đó, dù là mùa xuân hoa nở rộ hay mùa đông khắc nghiệt, kể cả khi trời tối và mưa, khi việc mở cửa sổ quá nguy hiểm và phải ngồi trong cái nóng ngột ngạt để làm việc, Anne luôn cố gắng tìm kiếm thứ gì đó trong tự nhiên để nâng cao tinh thần và định tâm bản thân.

Cô bé viết: “Vẻ đẹp vẫn còn, ngay cả trong bất hạnh. Chỉ cần bạn tìm kiếm nó, bạn sẽ càng khám phá ra nhiều hạnh phúc và lấy lại thăng bằng cho mình”.

Điều đó đúng làm sao. Và nó có thể là một nguồn bình an và sức mạnh.

dam minh vao thien nhien anh 1

Thiên nhiên là nguồn sống bình an, giúp chữa lành vết thương. Ảnh: Provence.

[…]

Không phải vẻ đẹp nào cũng đẹp ngay lập tức. Chúng ta không phải lúc nào cũng ở trong trang trại, ngoài bãi biển hoặc nhìn ra quang cảnh hẻm núi rộng lớn. Đó là lý do triết gia phải trau dồi con mắt của nhà thơ - khả năng nhìn thấy vẻ đẹp ở mọi nơi, ngay cả trong những gì tầm thường hay khủng khiếp.

Marcus Aurelius, người được cho là theo đuổi trường phái Khắc kỷ nghiêm ngặt, yêu vẻ đẹp theo cách Whitmanesque của riêng mình.

Tại sao ông có thể viết sống động như vậy theo cách rất đời thường rằng “bánh mì nướng nứt ra ở nhiều chỗ và những vết nứt đó, không theo dự tính nghệ thuật của thợ làm bánh, bắt mắt chúng ta và khuấy động sự thèm ăn của chúng ta” hoặc “sự quyến rũ và hấp dẫn” của thiên nhiên như “thân lúa chín trĩu nặng, cái cau mày của con sư tử hay bọt nhỏ giọt từ mõm heo rừng”.

Ngay cả khi sắp chết, ông viết: “Hãy vượt qua khoảng thời gian ngắn ngủi này để hòa hợp với thiên nhiên. Hãy đến nơi an nghỉ cuối cùng của bạn một cách duyên dáng, giống như một quả ô liu chín có thể rụng xuống, ca ngợi trái đất đã nuôi dưỡng nó và biết ơn cây đã cho nó sự phát triển”.

[…]

Đừng bỏ lỡ vẻ đẹp của cuộc sống. Hãy xem thế giới như một ngôi đền đúng như nó vốn thế. Hãy để mọi trải nghiệm giống như trải nghiệm trong nhà thờ. Kinh ngạc trước thực tế là những điều này tồn tại - bạn tồn tại.

Ngay cả khi chúng ta đang giết nhau trong những cuộc chiến vô nghĩa, ngay cả khi chúng ta đang giết chính mình bằng những việc làm vô nghĩa, chúng ta luôn có thể dừng lại và tắm mình trong vẻ đẹp xung quanh.

Hãy để vẻ đẹp làm bạn dịu lại. Hãy để nó thanh tẩy bạn.

Ryan Holiday/ NXB Dân trí và Tân Việt Books

SÁCH HAY