Khi còn là một vị tướng, Napoleon có thói quen trì hoãn trả lời thư. Thư ký của ông được chỉ thị chờ 3 tuần rồi mới mở thư ra kiểm tra.
Cuối cùng, khi biết được nội dung lá thư, Napoleon để ý xem bao nhiêu vấn đề được cho là “quan trọng” đã tự giải quyết mà không cần ông hồi đáp.
Mặc dù Napoleon có thể là một nhà lãnh đạo lập dị, nhưng ông không bao giờ chểnh mảng nhiệm vụ lãnh đạo, hay để mất liên lạc với Chính phủ hoặc binh lính của mình.
Nhưng để chủ động và nhận thức được những gì thực sự quan trọng, ông phải chọn lọc nên để ai và loại thông tin nào được quyền tiếp cận tâm trí mình.
Tương tự, Napoleon yêu cầu những người đưa tin đừng bao giờ đánh thức ông nếu có tin tốt. Mặt khác, tin xấu - nghĩa là một cuộc khủng hoảng đang diễn ra hoặc một diễn biến khẩn cấp ảnh hưởng tiêu cực đến trận chiến - phải được chuyển đến ông ngay lập tức.
Napoléon ra lệnh: “Hãy đánh thức ta ngay lập tức để không mất đi một giây phút nào”.
Những điều này phù hợp một cách tuyệt vời với thực tế cuộc sống của một người bận rộn: Có quá nhiều thứ đến với chúng ta trong cùng một thời điểm. Để suy nghĩ rõ ràng, mỗi chúng ta cần phải tìm được cách lọc bỏ những điều vụn vặt và giữ lại điều cốt yếu.
[…]
Ngay cả khi không dán mắt vào tivi, chúng ta vẫn bị vây quanh bởi những câu chuyện phiếm, kịch tính và những thứ gây xao nhãng khác. Chúng ta phải ngừng chuyện này.
Sách Tâm tĩnh lặng. Ảnh: Thu Trang. |
Epictetus từng nói: “Nếu bạn muốn tiến bộ, hãy chấp nhận tỏ ra không biết gì hoặc ngu ngốc trong những vấn đề không liên quan”.
Napoleon chấp nhận chậm trễ trong vấn đề thư từ, ngay cả khi điều đó khiến một số người khó chịu hoặc khiến ông bỏ lỡ một vài câu chuyện phiếm, bởi vì điều đó có nghĩa là những vấn đề vặt vãnh phải tự giải quyết mà không cần ông.
Chúng ta cần phải nuôi dưỡng một thái độ tương tự, cho mọi thứ một chút không gian, ngừng cập nhật những tin tức nóng hổi, đi sau xu hướng hoặc hiện tượng văn hóa mới nhất một thời gian và không để hộp thư đến làm chủ cuộc sống của bạn.
Những thứ quan trọng sẽ vẫn quan trọng vào thời điểm bạn tiếp nhận nó. Những thứ không quan trọng sẽ bộc lộ sự tầm thường của nó hoặc đơn giản là biến mất.
Sau đó, với sự tĩnh tại thay vì vội vã hoặc kiệt sức không cần thiết, bạn có thể ngồi xuống và dành toàn bộ sự quan tâm cho những gì xứng đáng.
Có một cái tôi xui khiến bạn cố gắng cập nhật thông tin về mọi thứ, cho dù đó là một chương trình truyền hình được hoan nghênh, tin đồn mới nhất trong ngành, một câu chuyện thời sự nóng hổi hay cuộc khủng hoảng mới diễn ra ở Trung Đông, châu Phi, châu Á, khí hậu, Ngân hàng Thế giới, Hội nghị thượng đỉnh NATO...
Có một cái tôi xui khiến bạn cố gắng tỏ ra là người thạo tin nhất trong phòng, một người có tất cả chuyện ngồi lê đôi mách, người biết mọi điều đang xảy ra trong cuộc sống của mọi người.
Điều này không chỉ khiến chúng ta mất đi sự bình thản mà còn tạo ra chi phí cơ hội lớn.
Nếu chúng ta tĩnh tại hơn, tự tin hơn, có tầm nhìn xa hơn, chúng ta có thể cống hiến năng lượng tinh thần cho vấn đề thực sự có ý nghĩa.