Trong sinh nhật lần thứ 13, một cô bé người Đức tên là Anne Frank được cha mẹ tặng cuốn sổ nhỏ màu trắng và đỏ. Cuốn sổ được thiết kế cho việc thu thập chữ ký và kỷ niệm của bạn bè, nhưng ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy cuốn sổ trong một cửa hiệu, cô bé đã biết rằng nó sẽ được dùng làm sổ nhật ký.
Đúng như Anne đã viết những dòng đầu tiên vào ngày 12/6/1942: “Mình hy vọng có thể tâm sự mọi điều với bạn, vì mình chưa bao giờ có thể tâm sự cùng ai. Mình mong bạn sẽ là nguồn an ủi và là chỗ dựa tuyệt vời”.
Không ai đoán trước được cô bé ấy sẽ cần đến bao nhiêu an ủi và nâng đỡ. 24 ngày sau khi viết mục đầu tiên, Anne và gia đình gốc Do Thái của em bị buộc phải ẩn náu trong căn gác mái chật chội tại nhà kho của cha em ở Amsterdam. Đó là nơi họ đã sống trong 2 năm sau đó, hy vọng Đức Quốc xã không tìm thấy.
Anne Frank muốn có một cuốn nhật ký vì những lý do dễ hiểu. Em là một cô bé mới lớn. Trước đây, em cảm thấy cô đơn, sợ hãi và buồn chán. Giờ đây, em bị nhốt trong một căn phòng chật chội, ngột ngạt cùng với 6 người khác. Tất cả đều quá choáng váng, bất công và xa lạ. Anne cần một nơi nào đó để trút cảm xúc.
Theo ông Otto, cha của Anne, không phải ngày nào Anne cũng viết, nhưng em luôn viết khi buồn hoặc phải đối phó một vấn đề. Em cũng viết khi bối rối và tò mò.
Em viết nhật ký như một hình thức trị liệu, để không trút những suy nghĩ rắc rối của mình lên gia đình và những người đã cùng em chia sẻ điều kiện sống ngặt nghèo.
Một trong những câu hay nhất và sâu sắc nhất của cô bé hẳn đã đến vào một ngày đặc biệt khó khăn. Anne viết: “Giấy kiên nhẫn hơn con người”.
Anne đã sử dụng nhật ký của mình để suy ngẫm. “Mọi người có thể trở nên cao quý và tốt đẹp biết bao nếu vào cuối ngày, họ tự kiểm điểm lại hành vi của mình và cân nhắc giữa đúng và sai. Họ sẽ tự động cố gắng làm tốt hơn vào đầu mỗi ngày mới, và sau một thời gian, chắc chắn sẽ đạt được rất nhiều điều”.
Anne nhận thấy việc viết lách cho phép cô bé quan sát bản thân như một người lạ. Vào thời điểm hoóc-môn thường khiến thanh thiếu niên trở nên ích kỷ hơn, cô bé thường xuyên xem lại các bài viết của mình để thử thách và cải thiện tư duy của chính mình.
Ngay cả khi cái chết rình rập bên ngoài cánh cửa, Anne vẫn nỗ lực để biến mình thành một người tốt hơn. Danh sách những người có thói quen viết nhật ký, cả cổ đại và hiện đại, dài và đa dạng một cách thú vị.
Trong số đó, có Oscar, Wilde, Susan Sontag, Marcus Aurelius, Nữ hoàng Victoria, John Quincy Adams, Ralph Waldo Emerson, Virginia Woolf, Joan Didion, Shawn Green, Mary Chesnut, Brian Koppelman, Anaïs Nin, Franz Kafka, Martina Navratilova, và Ben Franklin. Tất cả đều là những người có thói quen viết nhật ký.
Một số người viết vào buổi sáng. Một số thỉnh thoảng mới viết. Một số khác, như Leonardo da Vinci, thì luôn giữ sổ ghi chép bên người.
Trang nhật ký của cô bé Anne Frank gây xúc động trên toàn thế giới. Ảnh: Balancedachievemen. |
Theo một nghiên cứu, viết nhật ký giúp cải thiện sức khỏe sau những sự kiện đau buồn và căng thẳng. Tương tự, một nghiên cứu của Đại học Arizona cho thấy mọi người có thể hồi phục tốt hơn và tiếp tục tiến lên sau khi ly hôn nếu họ ghi nhật ký về trải nghiệm này.
Viết nhật ký cũng là một khuyến nghị phổ biến của các nhà tâm lý học vì nó giúp bệnh nhân ngừng ám ảnh và cho phép họ hiểu được nhiều yếu tố đầu vào như cảm xúc, ngoại cảnh, tâm lý, nhờ đó họ sẽ không bị các yếu tố này làm choáng váng.
Đó thực sự là một ý tưởng hay. Thay vì mang gánh nặng đó trong đầu hoặc trong tim, chúng ta đặt nó xuống giấy. Thay vì để cho những suy nghĩ chạy đua không được kiểm soát hoặc bỏ mặc những giả định nửa vời, chúng ta buộc mình phải viết ra và xem xét chúng.
Viết suy nghĩ của riêng bạn xuống giấy cho phép bạn nhìn thấy nó từ xa. Nó đem lại cho bạn sự khách quan thường thiếu khi lo lắng, sợ hãi và thất vọng tràn ngập tâm trí bạn.