Nhân cách ốc mượn hồn: Cãi nhau là block
Tôi có một cậu bạn rất thân, sau ba năm lặng lẽ cuối cùng đã yêu, sau “520” (1) tôi hỏi cậu ấy đón ngày lễ ấy như thế nào, cậu ấy kể cậu ấy đứng đợi bạn gái ở cửa nhà hàng, đợi tới khi nhà hàng đóng cửa cũng không thấy bóng dáng bạn gái đâu, một mình cậu ấy lủi thủi về nhà.
Tôi nghe mà tưởng như chuyện xảy ra ở thời đại chưa có phương tiện liên lạc, cho dù đã hứa hẹn không gặp không về, em không tới tôi cứ đứng đợi.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Medium. |
Trên thực tế, điện thoại trong tay nhưng bạn gái đã chặn WeChat (2) và số điện thoại của cậu ấy, cậu ấy giống như bị nhốt trong căn phòng tối, không liên lạc được với bạn gái, chỉ biết ngốc ngếch chờ đợi “giải thoát”. Sau này tôi mới biết, đây không phải lần đầu tiên cậu ấy bị chặn, hai người yêu nhau hơn một tháng cứ cãi nhau là chặn liên lạc, không dưới mười lần rồi, trung bình ba bốn ngày một lần, như thế ai mà chịu được!
Tôi hỏi cậu ấy, có phải cậu đã nói sai gì không, làm gì khiến bạn gái không vui à, cậu ấy thừa nhận mình không biết cách nịnh cho bạn gái vui, nhưng bị block thẳng tay thế này cậu ấy cũng tủi thân lắm.
Có lần vì cậu ấy phải tăng ca bất chợt nên không đón người yêu tan ca được, cô ấy không nói gì mà block luôn; có lần cậu ấy đặt đồ ăn cho bạn gái nhưng quên không ghi chú “không thêm ớt” đến lúc định giải thích thì không thể gửi tin nhắn được nữa; Hôm “520” cả hai đã bàn bạc địa điểm ăn tối, bạn gái cảm thấy ngay cả mình thích ăn gì bạn trai còn không biết, nên vô cùng thất vọng, nói một câu “Tôi không muốn ăn cơm với anh”, sau đó là block một cách thành thục.
Bạn tôi đã làm sai chuyện gì?
Quả thực cậu ấy không đủ tận tụy, nhưng cũng đâu đến mức bị chặn liên lạc, có chuyện gì không thể giải quyết trong khung hội thoại đâu mà phải chặn tin nhắn như thế?
Về chuyện chặn liên lạc, một người bạn khác của tôi cũng từng than thở chuyện này. Vì cô ấy không muốn đi gặp đối tượng xem mặt mà bố mẹ giới thiệu, nên mẹ cô ấy chặn cô ấy một tuần liền, gọi điện không nghe, sau một tuần mẹ cô ấy muốn cô ấy đi xem mặt đối tượng khác thì mới bỏ chặn liên lạc.
Chức năng chặn liên lạc tồn tại tất nhiên là có nguyên nhân của nó. Với những người làm phiền mình, người đã chia tay hoặc những người quá lâu không liên lạc hay không cần thiết phải liên lạc thì chặn là một hình thức xử lý phù hợp, nhưng nó đang dần dần bị lạm dụng quá đà.
Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi. Chặn liên lạc thì có ích gì? Nó khiến cho con đường liên lạc bị đóng cửa, lúc này đây với người chủ động chặn liên lạc mà nói có giải quyết được vấn đề hay không đã không còn quan trọng nữa, mà là thôi thúc ham muốn kiểm soát đã chiếm thế thượng phong.
Bạn tôi hỏi bạn gái mình, sau này có thể không chặn liên lạc được không, cho dù cãi nhau một trận cũng được nhưng đừng im lặng không nói gì, chí ít cũng cho cậu ấy một cơ hội xin lỗi và giải thích, câu trả lời của bạn gái cậu ấy không thể “ngầu” hơn được nữa: “Không chặn thì anh không ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề.” Tôi nghe xong lời giải thích này thì cảm thấy khó chịu vô cùng, chặn liên lạc đã trở thành một hình thức uy hiếp và trừng phạt, thông tin truyền tải đằng sau nó chính là ham muốn kiểm soát.
(1) Ở Trung Quốc, ngày 20 tháng 5 được viết là 520 và được phát âm gần giống với cụm từ “wǒ ài nǐ” – 我爱你, tức là “tôi yêu bạn”. Vì vậy, ngày 520 được xem là dịp để bày tỏ tình cảm và thể hiện tình yêu của mình với người khác.
(2) Một ứng dụng liên lạc phổ biến của Trung Quốc.
Bình luận