Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật ký về lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve chống dịch tại Italy

Cuốn nhật ký cảm động của nhà văn Enrique Ubieta Gómez viết về những ngày tháng ông cùng lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve (Cuba) hỗ trợ Italy chống đại dịch Covid-19.

Diario de Turín: La solidaridad en tiempos de pandemia (tạm dịch: Nhật ký Turin: Thắm tình đoàn kết giữa mùa dịch) là ghi chép của nhà văn, nhà báo Enrique Ubieta Gómez; vừa ra mắt độc giả.

Cuối tháng 3/2020, đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên mảnh đất Italy. Thời điểm đó, đất nước này ghi nhận hơn 50 nghìn ca nhiễm, gần 5 nghìn ca tử vong.

Trước tình hình này, lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve (được lãnh tụ Fidel Castro thành lập ngày 19/9/2005) khăn gói lên đường, bổ sung vào lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Italy.

Nhat ky Turin anh 1

Một số thành viên trong lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve và tác giả Enrique Ubieta Gómez (áo đen) trên một ngọn đồi của Turin (Italy). Ảnh: CubaSi.

Nhà văn, nhà báo Enrique Ubieta Gómez khi đó đi cùng lữ đoàn để làm nhiệm vụ truyền thông, đưa tin. Ông có mặt tại Turin, Italy từ ngày 13/4/2020 và trở về nước ngày 20/7/2020.

Chia sẻ với Zing, ông cho biết khi ấy có hai phái đoàn của Henry Reeve đến Italy hỗ trợ chống dịch (một đoàn đến Turin và một đoàn đến Lombardy). Đoàn của ông gồm 38 người (chủ yếu là y, bác sĩ); ông là thành viên mang “số thứ tự” 38.

Nhật ký Turin: Thắm tình đoàn kết giữa mùa dịch vừa là sự ghi chép, tập hợp những mẩu chuyện thường nhật của ông và các y, bác sĩ quốc đảo Caribe làm nhiệm vụ cứu người tại thành phố Turin; vừa là sự ngợi ca tinh thần đoàn kết, bác ái, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Cuốn sách gồm 100 câu chuyện, phần lớn trong số đó tác giả đã đăng tải trên trang cá nhân Facebook của mình từng ngày, kể về 100 ngày ông có mặt tại Turin.

Tác phẩm thuộc thể loại nhật ký, nhưng kết hợp một số bài luận ngắn gọn mô tả tình hình dịch bệnh trên thế giới; mặt khác, người viết cũng thực hiện các bài phỏng vấn tới lãnh đạo công đoàn, xã hội và y, bác sĩ người Italy.

Là nhân chứng sống trong cuộc chiến chống dịch, cứu người, cuốn nhật ký của Enrique Ubieta Gómez đi từ cảm xúc đến lý trí. Lý giải về điều này, nhà văn thừa nhận ông “không cố đuổi theo hình ảnh người bác sĩ giống như những nhà khí tượng học ngoan cố đuổi theo những cơn lốc xoáy và dấu hiệu của thời tiết”. Thứ ông theo đuổi là “lý trí”.

Nhat ky Turin anh 2

Sách Nhật ký Turin: Thắm tình đoàn kết giữa mùa dịch. Ảnh: Giusette León García/ CubaSi.

Đất nước Italy hiện lên qua từng trang viết của ông không phải quốc gia lãng mạn với những cây cầu, cung điện hay nhà thờ mà ai ai cũng muốn đặt chân tới, nó đơn thuần chỉ là một mảnh đất đang gồng mình lên chống đại dịch, nhưng cũng thật may mắn khi giữa lúc khó khăn nhất, quốc gia này nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các nước bạn, trong đó có Cuba.

Đại dịch Covid-19 theo ghi chép của “nhân chứng đặc biệt” Enrique Ubieta Gómez để lại những đau thương mất mát không thể đong đếm được cho thế giới, đặc biệt là cho người dân Italy.

Trên tất cả, cuốn sách không chỉ là cuốn nhật ký chứa nước mắt về một cuộc chiến ác liệt dưới ngòi bút của thành viên mang “số thứ tự” 38, mà còn khai thác những thăng trầm của một lữ đoàn y tế đã đi khắp các châu lục.

“Tôi không bao giờ quên những ngày tháng sống ở đây, trong ký túc xá của trường Đại học Kỹ thuật Turin. Mỗi chiều tan làm, trở về từ bệnh viện, sinh viên nơi đây đều dành cho chúng tôi những tràng pháo tay qua cánh cửa sổ. Tôi không nhìn thấy mặt họ, chỉ nghe tiếng vỗ tay và nhìn thấy các cánh tay đang giăng cờ Cuba”, tác giả viết.

Lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve hiện có khoảng gần 8.000 bác sĩ Cuba làm việc tại hơn 21 quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của WHO, lữ đoàn Henry Reeve đã cứu hơn 80 nghìn mạng sống, điều trị cho gần 3 triệu người trong suốt 15 năm hoạt động.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến, lữ đoàn này có mặt tại hàng chục quốc gia, từ châu Âu, châu Mỹ cho tới những mảnh đất khốn khó nhất của lục địa đen. Khi Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, người anh em “quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng” vì nhân dân Việt Nam cũng đã đến hỗ trợ Việt Nam.

Nhiều cá nhân, tổ chức đã lên tiếng đề nghị trao giải Nobel Hòa bình cho lữ đoàn bác sĩ Henry Reeve. Trong thư đề cử, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) đã thống kê những “thành tích” của những y bác sĩ người Cuba: Tham gia cứu trợ 16 trận lụt, 8 cơn bão lớn, 8 trận động đất và 4 đại dịch trên toàn thế giới.

Những cuốn sách về chống dịch Covid-19

Vượt qua khó khăn trong đại dịch, đồng hành cùng cả nước phòng, chống Covid-19, giới xuất bản đã cung cấp nhiều ấn phẩm, góp phần nâng cao hiểu biết, niềm tin chống dịch.

Người đàn bà 85 tuổi viết sách về nỗi đau và niềm tin trong mùa dịch

“Người cao tuổi: Chịu đựng và hy vọng” là tiếng lòng của cây bút 85 tuổi viết về những người già giữa đại dịch Covid-19.

Huế Trần

Bạn có thể quan tâm