27/2/2020 là một ngày khó quên với người dân Tây Ban Nha, bởi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận trên mảnh đất này. Kể từ đó, dịch bệnh lan rộng. Đến nay đất nước này đã ghi nhận 3,6 triệu ca mắc và gần 80.000 ca tử vong.
Đại dịch là cuộc chiến mà toàn dân phải đồng lòng chống lại. Nếu như người dân có nghĩa vụ ở nhà để giảm thiểu lây nhiễm; các y, bác sĩ xung phong ra tuyến đầu; thì các nhà văn cũng tự tìm thấy trách nhiệm cho mình. Gắn kết sách vở với vấn nạn của nhân loại vừa là cảm xúc thực, vừa là đề tài mang tính trách nhiệm cao.
Sách En primera línea (tạm dịch: Báo động đầu tiên) của bác sĩ Gabriel Heras. Ảnh: Codem. |
En primera línea (tạm dịch: Báo động đầu tiên)
Đây là cuốn sách đầu tay của bác sĩ Gabriel Heras. Tác phẩm là tài liệu tiền đề về một cuộc chiến đẫm máu với dịch bệnh dưới góc nhìn của một bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch kể từ khi ghi nhận ca mắc đầu tiên.
Cuốn sách được viết khi tác giả đang trong quá trình chăm sóc người bệnh tại UCI - Phòng chăm sóc đặc biệt của Tây Ban Nha, kể về trải nghiệm của những ngày tháng chiến đấu trực tiếp với virus.
Theo tác giả, khó khăn không chỉ nằm ở sự nguy hiểm của Covid-19, mà còn là nỗi lo thiếu hụt nguồn lực và kiến thức chuyên sâu về loại virus này.
Coronavirus, la última pandemia? (tạm dịch: Virus corona, đại dịch cuối cùng?)
Cuốn sách của Eduardo López-Collazo và José Alcamí Pertejo là lời giải thích rõ ràng về sự xuất hiện và cơ chế hoạt động của Covid-19 dựa trên cơ sở khoa học.
Theo người viết, trong thế kỷ 21, chúng ta đã phải hứng chịu ba đại dịch, nhưng có lẽ dịch bệnh do SARS-CoV-2 gây ra có mức độ lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, và những hậu quả kinh tế, xã hội lớn nhất.
Cuốn sách đề ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao virus này lại xuất hiện ở thành phố Vũ Hán? Nó đã lây lan như thế nào? Nguồn gốc của nó là gì? Chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh này chưa? Làm thế nào để điều trị và kiểm soát dịch? Tác động của Covid-19 đối với cuộc sống?
Đáng lo ngại hơn, cả nhân loại vẫn đang trong quá trình vừa chống dịch, vừa tìm hiểu về sự tiến triển và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà loại virus này tạo ra.
Tác giả cho rằng mọi nghiên cứu về SARS-CoV-2 đến thời điểm hiện tại đều chưa mang tính chính xác tuyệt đối.
Sách Coronavirus, la última pandemia? (tạm dịch: Virus corona, đại dịch cuối cùng?). Ảnh: FB Oberon Libros. |
Coronavirus: Prevención, pandemia y contención (tạm dịch: Virus corona: Phòng chống, đại dịch và ngăn chặn)
Thời điểm khi Sonia de Miguel Fernández và Juan Carlos Ruiz de la Roja viết cuốn sách là khi đột biến SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh chóng, khiến các y, bác sĩ không lường trước được mọi đường đi nước bước của nó.
Hai tác giả nhận định, cho đến nay (thời điểm viết sách là tháng 5/2020) đây không phải là đại dịch gây chết chóc nhiều nhất trong lịch sử, nhưng nó là đại dịch tồi tệ nhất mà chúng ta từng trải qua:
“Đó là một bệnh dịch 'đen', một kẻ thù mà chúng tôi không nhìn thấy, và điều đó tạo ra nghi ngờ về các hình thức tấn công cũng như điểm yếu của nó”, Sonia de Miguel Fernández và Juan Carlos Ruiz de la Roja viết.
La esperanza en tiempos de coronavirus (tạm dịch: Hy vọng trong mùa virus corona)
Khác với những cuốn sách còn lại, sách của José Carlos Bermejo cũng viết về Covid-19 nhưng không hề sử dụng bất kỳ từ ngữ học thuật hay chuyên ngành nào để miêu tả đại dịch.
Sách La máscara del coronavirus (tạm dịch: Mặt nạ của virus corona). Ảnh: El independiente. |
Cuốn sách cung cấp cho độc giả góc nhìn mang tính nhân văn ẩn chứa đằng sau bức rèm đen tối của dịch bệnh. Đó là cuộc sống của các gia đình tự chăm sóc nhau trong mùa dịch; là mất mát, đớn đau trước sự ra đi của những người thân yêu...
Những trang sách của José Carlos Bermejo lấy đi nước mắt của độc giả, đặc biệt đắt giá ở nhiều chi tiết miêu tả cuộc sống cô đơn trong vùng cách ly và cảnh các y, bác sĩ tận tình cứu chữa bệnh nhân suốt mùa dịch.
Nhưng trên tất cả, tác giả vẫn gieo rắc vào lòng người đọc niềm hy vọng lạc quan rằng sẽ tìm được ánh sáng nơi cuối “đường hầm tắm tối Covid-19”.
La máscara del coronavirus (tạm dịch: Mặt nạ của virus corona)
Tác phẩm của nhà văn José María Sánchez Lázaro mang phong cách tường thuật báo chí, đánh giá cách thức phát sinh căn bệnh, sự tàn phá của nó đối với cuộc sống con người ở cả Tây Ban Nha và các nước còn lại trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong Mặt nạ của virus corona, tác giả còn nêu lên những ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế của các quốc gia có số ca lây nhiễm lớn nhất trên thế giới.
Nhận xét về cuốn sách này, nhà báo Roberto Resino viết: "Bác sĩ José María Sánchez Lázaro là người đứng trước chân họng pháo thông tin về đại dịch Covid-19. Tác phẩm của ông thắp nên lòng thành kính phân ưu tới những người đã chết trong bệnh viện, Viện dưỡng lão và nhà riêng; đồng thời cũng là sự ghi nhận công lao to lớn của đội quân nhân viên y tế đã chiến đấu chống lại đại dịch”.