“Ngày 14 tháng 3, các phương tiện truyền thông đại chúng gióng một hồi chuông cảnh báo người dân về nỗi kinh hoàng của đại dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha. Cả nước thực hiện giãn cách xã hội. Đường phố vắng bóng người qua lại. Trái tim bỗng tan nát khi nhìn những hình ảnh trên báo đài”, tác giả Victoria Cardena mở đầu như vậy trong cuốn sách của mình.
Khi lệnh giãn cách xã hội ban bố cũng là lúc người người lớn tuổi được khuyến cáo ở phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với con cháu trong gia đình.
Điều đó dấy lên nỗi lo sợ cho những mái tóc điểm hoa râm, những bàn tay nhăn nheo nhiều nếp. Họ cô đơn, sợ hãi vì biết WHO đã chứng minh đây là lứa tuổi “đáng cảnh báo” trước sức tấn công của virus corona.
Nỗi đau đến từ mất mát của những người thân
Cũng trong phần mở đầu, tác giả thú nhận về những giọt nước mắt bất an của mình: “Tôi đã bắt đầu khóc suốt những tuần cách ly tại nhà. Thời gian đó, tôi đã mất đi cặp vợ chồng bạn thân, hai người bạn nữ, và tôi còn gửi lời chia buồn qua điện thoại đến rất nhiều gia đình bạn bè khác”.
Sách Người cao tuổi: Chịu đựng và hy vọng do NXB Luciérnaga (Tây Ban Nha) ấn hành. |
Đại dịch khiến người dân hạn chế tiếp xúc. Điều này đồng nghĩa với việc người phương Tây phải tạm từ bỏ thói quen trao nhau những cái ôm, nắm tay và thơm má hàng ngày, trong khi những thói quen ấy đã ăn sâu vào văn hóa đời sống của người Tây Ban Nha từ bao đời.
Nói về nỗi cô đơn khắc nghiệt, tác giả nhớ lại những hình ảnh đợt dịch đầu tiên, khi chứng kiến nhiều nhân viên y tế kiệt sức không chỉ về thể chất mà còn về tâm lý khi thực sự bất lực trước những ca bệnh nghiêm trọng. Nhiều sinh mạng đã tuột khỏi tầm cứu chữa của họ.
Victoria Cardena hồi tưởng rằng mình đã phải khóc nhiều hơn khi bạn bè qua đời vì dịch bệnh, bà vừa không được gặp mặt, vừa không thể trao cho họ và người thân của họ những cái nắm tay chia buồn cuối cùng.
Covid-19 làm thiệt hại biết bao mạng sống. Hơn thế nữa, nó còn đẩy nhân loại vào tình thế bắt buộc phải thích nghi với hình thức “chia buồn online”.
Tác giả ví nỗi đau ấy với các bậc thang. Không biết bà đã leo đến bậc thứ bao nhiêu, và trước mặt còn bao nhiêu bậc nữa, chỉ biết rằng số ca lây nhiễm, số ca tử vong mỗi ngày một tăng cao.
Với tất cả đau thương dồn nén, Victoria Cardena tìm đến với con chữ. Bà hy vọng việc viết lách sẽ phần nào giải tỏa được lòng mình. Người cao tuổi: Chịu đựng và hy vọng ra đời trong hoàn cảnh đó.
Cuốn sách là tiếng lòng của một người cao tuổi
Cuốn sách gồm những mẩu chuyện, giai thoại, trải nghiệm, bài học định hướng cho gia đình về việc quan tâm đến sự cô đơn và nỗi lo sợ của người cao tuổi dựa trên chính kinh nghiệm của tác giả - người phụ nữ 85 tuổi, đông con cháu và đang bị “tạm giam” trong căn phòng riêng của mình.
Victoria Cardena cất lên tiếng nói chân thành về cuộc sống của bản thân trong đại dịch khi Covid-19 trên toàn cầu đã gây ra quá nhiều đau khổ.
Qua những câu chuyện đó, tác giả kêu gọi bạn đọc hãy luôn được yêu thương, đồng hành và quý trọng những người lớn tuổi trong gia đình, nhất là trong thời điểm “kinh hoàng” của đại dịch.
Tác giả Victoria Cardena viết cuốn sách này khi đã 85 tuổi. Bà là mẹ và bà của rất nhiều con cháu. Ảnh: Balance Sociosanitario. |
Bà lý giải, những mất mát mà người cao tuổi phải chịu đựng là việc thiếu vắng đi những cái ôm hôn từ con cháu. Họ lẻ loi trong căn phòng của mình, dẫu biết các thành viên khác cũng chỉ vì sự an nguy của họ. Nhưng tâm hồn người già “mong manh không khác gì những đứa trẻ non dại”, cần được “tưới tắm” bằng những lời hỏi han, an ủi.
“Ông bà luôn chờ đợi một cuộc điện thoại mỗi ngày từ một đứa cháu, đơn giản chỉ để kể về những điều xảy ra trong ngày, hay cuộc gọi video nhóm từ các thành viên trong gia đình”, tác giả gợi ý cách thức đơn giản để cổ vũ tinh thần cho người già.
Bên cạnh đó, cuốn sách còn tôn vinh tình cảm và sự kính trọng đối với những chiến sĩ chống dịch. Họ xứng đáng nhận được những tràng pháo tay mỗi tối lúc 20h của toàn thể người dân (nhiều nước phương Tây có thói quen dành cho đội ngũ y, bác sĩ chống dịch những tràng pháo tay đồng loạt qua khung cửa sổ vào lúc 20-21h tối).
Đúng như tiêu đề, hơn cả những “chịu đựng”, cuốn sách còn mở ra “hy vọng”. Qua khung cửa sổ, tác giả quan sát cuộc sống cách ly tại nhà của hàng xóm. “Họ bị giam cầm, nhưng luôn mày mò, tô vẽ cho ngôi nhà bằng bìa cứng và bút chì màu”; đồng thời còn vẽ nên những chiếc cầu vồng rực rỡ sắc màu để gửi gắm đến những người hàng xóm với khẩu hiệu “Mọi thứ sẽ ổn thôi”.
Khi niềm tin được tìm thấy trong thế giới khổ đau, niềm tin ấy sẽ mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nếu như nửa đầu tác giả kể về nỗi đau, nửa cuối cuốn sách bà gieo rắc vào lòng người đọc cái nhìn lạc quan về tinh thần đoàn kết chống dịch với giọng văn đầy tích cực.
“Thành thật mà nói, việc bị “tạm giam” tại nhà trong tình trạng báo động của Covid-19 đã cho chúng ta thêm thời gian để suy nghĩ, nhìn nhận lại những giá trị quý báu hơn của tình thân, để mạnh mẽ và sống không hối tiếc”, tác giả viết.