Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu phó giám đốc CIA hiến kế tiêu diệt IS

Nói về Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận định, "con quái vật" tiếp tục phát triển trong khi chúng ta tìm kế sách.

John McLaughlin, cựu giám đốc CIA, cho biết, 4 năm cuối làm việc trong chính phủ, ông cùng đồng nghiệp tập trung vào trận chiến hậu 11/9, chống lại tổ chức khủng bố al-Quaeda. Tuy nhiên, cuộc chiến hiện tại với IS nhiều thách thức hơn.

Đẳng cấp khác biệt

Theo cựu phó giám đốc của CIA, so với al-Quaeda, IS xây dựng chiến lược toàn diện hơn. Chúng phân vùng hoạt động theo dạng 3 vòng tròn đồng tâm.

Vòng trong cùng bao gồm Iraq, Syria, Jordan, Lebanon và Palestine. Mục đích của IS tại khu vực này là "chinh phục, bảo vệ và mở rộng". Kế tiếp là phần còn lại của Trung Đông và Bắc Phi. Tại đây, chúng thiết lập các chi nhánh và gây rối loạn. Ngoài cùng là Mỹ, châu Âu, một phần châu Á và vùng châu Phi cận sa mạc Sahara. Mục đích của chúng là "tấn công và phân cực".

IS rất tích cực mở rộng lãnh thổ. Hiện tại, lãnh thổ mà chúng chiếm rộng bằng một nửa Iraq và Syria với "thủ đô" là Raqqa, Syria và trung tâm thứ 2 là Mosul, thành phố lớn thứ 2 tại Iraq. Tình trạng này chính là cơ sở để IS tuyên bố là một "nhà nước" và hấp dẫn các tân binh.

IS kiếm về hàng triệu USD nhờ hoạt động bán dầu. Ảnh: Getty

Ngoài ra, theo các quan chức của Bộ Tài chính Mỹ, tài sản của IS trị giá hơn một tỷ USD, vượt xa al-Quaeda. Số tiền này tới từ những hoạt động như thu thuế, bắt cóc, buôn lậu và bán dầu. Chúng dùng tiền để mua chuyên gia về những thứ như công nghệ thông tin và vũ khí, gửi các nhà huấn luyện và tuyển dụng tới các nước như Libya và đưa người tới những nơi như Pháp.

Bên cạnh đó, IS dễ dàng xâm nhập vào phương Tây với khoảng 4.500 chiến binh phương Tây trong số 20.000 đến 30.000 phiến quân. Chúng có thể xâm nhập vào các nước và khó phát hiện.

Đồng thời, công tác tuyên truyền của IS rất tốt. Tổ chức này tạo dựng niềm tin và dụ dỗ thanh niên ở khắp mọi nơi bằng lời hứa về một cuộc sống tốt đẹp hơn với công việc, nhà cửa, học bổng và quyền lực. Theo Ozy, 52% trong số gần 900 thông điệp do IS gửi đi tập trung vào vấn đề chất lượng cuộc sống, 37% nói về chủ đề quân sự và chỉ 2% về sự tàn bạo.

Trên hết, IS có kinh nghiệm về quản lý. McLauglin cho hay, tuy số liệu không cụ thể nhưng nhiều bằng chứng cho thấy, IS quản lý khá tốt trong những lĩnh vực dịch vụ cơ bản.

Những vấn đề bất cập

Những chiến binh thánh chiến nhí trong trại đào tạo của IS. Ảnh: AP

Theo cựu lãnh đạo CIA, vấn đề đầu tiên chính là thời gian. Ông cho biết, Mỹ chỉ có thể đào tạo cho một phần nhỏ lực lượng tại Syria. Tuy nhiên, mỗi tháng, IS chiêu mộ thêm khoảng 1.000 tân binh.

"Con quái thú tiếp tục phát triển trong khi chúng ta đi tìm kế sách", McLauglin nhận định.

Bên cạnh đó, xung đột lợi ích giữa các cường quốc như Mỹ, Nga, Iran và các nước Arab là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, một điều mà tất cả các quốc gia đều không muốn là một nước nào đó tại trung tâm khu vực Trung Đông bị sụp đổ.

Ngoài ra, McLauglin cho biết, người Sunni chiếm khoảng 70% dân số Syria và 20 đến 25% dân số Iraq. Tuy nhiên, họ lại bị lạm dụng và phân biệt đối xử. IS chọn đặc điểm này làm cơ sở để chiêu dụ người Sunni tham gia thánh chiến.

Tại Iraq, chính phủ do người Shia lãnh đạo của Thủ tướng Haider al-Abadi đã soạn thảo một chương trình cải cách nhằm khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, nó bị nhiều người phản đối. Cựu lãnh đạo của CIA nhận định, nếu không cải thiện vấn đề bất đồng, chính phủ của ông al-Abadi sẽ không bao giờ nhận được lòng tin cũng như sự hỗ trợ của người Sunni sống trong lãnh thổ IS và không thể tạo dựng một lực lượng an ninh cam kết cống hiến hết khả năng cho chính phủ.

"Vấn đề tương tự cũng diễn ra tại Syria. Đây rõ ràng là trung tâm của những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt", ông nói.

Thách thức của Mỹ và các đồng minh tại Syria

Mâu thuẫn giữa các nhóm chiến binh do Mỹ hoặc các nước đồng minh hỗ trợ khiến việc huy động lực lượng trên mặt đất chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trở nên khó khăn.

Giải pháp

McLauglin cho hay, giành lại lãnh thổ bị IS chiếm - đặc biệt là các thành phố lớn như Mosul, Ramadi, Fallujah và Raqqa - là một phương án tốt. Cho đến khi làm được điều này, IS vẫn sẽ là một thế lực mạnh mẽ và đầy mê hoặc đối với một bộ phận thanh niên.

Ngoài ra, hoạt động không kích cũng khá quan trọng bởi chúng giúp triệt hạ cơ sở hạ tầng và lực lượng của IS, làm gián đoạn các hoạt động và dịch vụ hậu cần, khiến tinh thần đối phương suy giảm. Tuy nhiên, IS gần như có thể bù đắp lượng quân mà chúng đã mất. Vì vậy, bên cạnh không kích, chính phủ các nước phải điều động bộ binh.

"Người ta thường nói rằng, giải pháp quân sự không giúp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đối phó với IS mà không dùng đến nó là điều không tưởng", McLauglin nhấn mạnh.

Lực lượng người Kurd tại Iraq. Ảnh: Getty

Theo ông, Mỹ cần tăng cường chiến dịch trên không và gửi thêm chuyên gia tới Syria để đào tạo binh sĩ cũng như trang bị vũ khí cho các lực lượng chống lại IS như người Kurd tại Iraq và Syria.

"Chính phủ các nước nên thiết lập rõ ràng các ưu tiên. Trong quá khứ, chúng ta từng cố làm nhiều việc trong cùng một lúc. Ví dụ, chúng ta chống IS trong khi làm chế độ của Tổng thống Assad suy yếu. Vấn đề nan giải là cái này yếu đi thì cái khác mạnh lên. Đã đến lúc IS phải bị tiêu diệt và chúng ta sẵn sàng làm bất cứ điều gì để tiêu diệt chúng", McLauglin chia sẻ.

Ông cho biết, phương Tây có thể bắt tay với Moscow trong vấn đề chống khủng bố. Tình báo Nga cho hay, hơn 2.000 công dân nước này đang ở trong hàng ngũ của IS. Tổng thống Vladimir Putin quan ngại rằng họ sẽ trở về và khiến tình hình trong nước bất ổn, đặc biệt tại vùng Causasus. Hơn nữa, Putin đưa IS vào tầm ngắm đặc biệt sau khi chúng làm nổ một máy bay chở khách của Nga tại Ai Cập vào hôm 31/10.

"Thành lập một lực lượng đa quốc gia có lẽ là vấn đề quan trọng và nhiều thách thức nhất. Nó không cần phải là một liên minh truyền thống của Mỹ", cựu lãnh đạo CIA nói. Ông nhấn mạnh, liên minh này phải có khả năng tiêu diệt IS.

Theo Jim Stavirdis, cựu chỉ huy NATO tại châu Âu, NATO có thể đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiêu diệt IS như mở các chiến dịch đặc biệt, làm người hoà giải và xây dựng một "liên minh mở" - có thể bao gồm Nga và một số đối tác Arab. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO luôn nhấn mạnh sứ mệnh "vươn ra ngoài khu vực".

Về mặt chính trị, Mỹ có thể dựa vào cuộc đàm phán đang diễn ra tại Vienna, Áo với 19 quốc gia tham gia, bao gồm Nga, Saudi Arabia, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy một vài mục tiêu.

Ngoài ra, Washington nên thiết lập vành đai an toàn bên trong Syria dành cho chiến binh và người tị nạn. Chiến đấu cơ của Mỹ và liên minh sẽ bảo vệ khu vực này.

Tóm lại, để tiêu diệt IS, quốc tế phải thực hiện 2 điều. Một là, thúc đẩy thay đổi chính trị tại Iraq và Syria, xoá bỏ tình trạng phân biệt đối xử và lạm dụng người Sunni. Hai là, đẩy mạnh chiến lược quân sự nhằm thổi bay IS.

"Để hoàn thành mục tiêu, cần một nỗ lực lớn", McLauglin nhận định.

Lý do IS mất dần đất mà vẫn tấn công ở bên ngoài

Những khu vực mà IS chiếm ở Iraq và Syria đang thu hẹp dần. Thực tế đó khiến nhiều người lo ngại chúng sẽ tăng các hoạt động khủng bố ở nước ngoài để trả thù.

IS toan tính gì khi gây vụ khủng bố đẫm máu ở Paris?

Giáo sư Greg Barton, chuyên gia về khủng bố tại Đại học Deakin (Australia) nhận định với Zing.vn rằng IS đang "chào sân" để thay thế al-Qaeda qua hàng loạt vụ tấn công đẫm máu.





Kim Ngân (theo Ozy)

Bạn có thể quan tâm