Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

IS toan tính gì khi gây vụ khủng bố đẫm máu ở Paris?

Giáo sư Greg Barton, chuyên gia về khủng bố tại Đại học Deakin (Australia) nhận định với Zing.vn rằng IS đang "chào sân" để thay thế al-Qaeda qua hàng loạt vụ tấn công đẫm máu.

Giáo sư Greg Barton. Ảnh: Herald Sun

- Một số người so sánh hậu quả thảm kịch ngày 13/11 như “vụ 11/9 của nước Pháp”, tuy nhiên, sự việc lần này được cho là do Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra. Ông nhận xét gì về mục đích tấn công của phiến quân?

 - Đầu tiên, chúng ta có 4 cuộc tấn công mà cách thức tiến hành tương đồng với của al-Qaeda vào giai đoạn trước. Đó là các vụ đánh bom kép ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/10 khiến hơn 100 người chết; tai nạn máy bay Nga rơi ở bán đảo Sinai nghi do nổ bom làm 224 người thiệt mạng; vụ đánh bom kép ở Beirut (Lebanon) ngày 12/11, và vụ khủng bố ở thủ đô Paris khiến 128 người chết cùng hàng trăm người bị thương. Đây là kiểu thức tấn công khiến chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một tổ chức duy nhất mới có khả năng thực hiện, đó chính là al-Qaeda.

Dĩ nhiên, thảm kịch 11/9 là vụ khủng bố vô cùng lớn, ghi dấu ấn của mạng lưới al-Qaeda đối với cả thế giới. Tuy nhiên, qua những vụ tấn công dồn dập với cách thức tương tự al-Qaeda, IS dường như đang chính thức chào sân.

 - Ông nhận xét thế nào về sự chuyên nghiệp của những kẻ tấn công ở Paris?

 - Vụ khủng bố ở Paris gợi nhớ đến thảm kịch ở Mumbai, Ấn Độ, năm 2008. Sự việc ở Mumbai được lên kế hoạch vô cùng hoàn hảo. Chỉ 10 phiến quân chia ra 4 nhóm tấn công nhưng để lại hậu quả thảm khốc và buộc thành phố phải phong tỏa trong 3 ngày.

Cách thức khủng bố chia làm nhiều nhóm ở Paris không phải là điều mới mẻ và thường xảy ra ở Bắc Phi. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến sự việc như vậy xảy ra giữa lòng thủ đô một nước phương Tây.

Những chiêu thức của IS

Một người sống sót được đưa ra ngoài hiện trường xả súng ở nhà hát Bataclan đêm 13/11. Ảnh: Reuters

 - Vì sao IS lựa chọn Paris?

 - Paris là một trong những thành phố biểu tượng của châu Âu trên thế giới, nơi ra đời của cuộc cách mạng Pháp và thời kỳ triết học Ánh sáng, khởi nguồn của tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Do vậy, tôi không ngạc nhiên khi IS chọn Pháp là địa điểm tấn công. Những giá trị biểu tượng của Pháp đi ngược lại với những điều mà IS thể hiện.

 - Nguyên nhân tình báo và an ninh Pháp không thể ngăn chặn cuộc tấn công liên hoàn là gì?

 - Rõ ràng là việc ngăn chặn những vụ tấn công đã thất bại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải xác định cụ thể những yếu tố dẫn đến thất bại và mức độ của nó.

Chẳng hạn, chúng ta cần nắm rõ cách trao đổi thông tin của những kẻ tấn công như thế nào? Có thể chúng liên lạc không phải bằng những phương tiện số hóa, như việc gặp mặt trực tiếp hoặc nhờ người đưa thư. Do đó, những biện pháp giám sát bằng máy móc sẽ không hiệu quả. Như vậy, các thông tin tình báo mà chúng ta nhận được rất hạn chế. Do vậy, các nước cần xem xét lại việc giám sát điện tử mà họ đang thực hiện hiện nay.

 - Nhà chức trách thông báo tìm thấy hộ chiếu Syria của một người tình nghi là kẻ tấn công bỏ lại hiện trường? Liệu đây vấn đề có phải hoàn toàn liên quan đến người tị nạn?

 - Một trong những điểm đầu tiên mà chúng ta phải nghi vấn là vì sao kẻ đánh bom tự sát mang theo hộ chiếu, khi mà y đã xác định sẵn sàng tử nạn trong cuộc chiến. Tôi cho rằng y cố tình mang theo giấy tờ tùy thân, qua đó nhằm tạo ra hiệu ứng, gieo rắc sự sợ hãi về chủ nghĩa cực đoan. Cái tất yếu mà chúng ta đang nhìn thấy là ngày càng nhiều người lo lắng về chủ nghĩa cực đoan ở châu Âu.

Bên cạnh đó, việc để lại hộ chiếu cũng là cách IS gây ấn tượng với những thanh niên mang tư tưởng thánh chiến đang ẩn náu ở châu Âu. Do đó, tôi lo lắng rằng phiến quân có thể chiêu mộ được thêm nhiều chiến binh phương Tây từ phương thức này.

Đối phó

Một người đàn ông đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân trước nhà hàng Le Carillon. Ảnh: Reuters

- Chính phủ các nước làm thế nào để ngăn chặn tình trạng thanh niên nhận chỉ dẫn hoặc hỗ trợ từ khủng bố nước ngoài để gây ra những vụ tấn công trong nước?

 - Như đã nói, hiện tại các đối tượng có thể không liên lạc với nhau bằng những cách thức hiện đại. Do vậy, chúng ta cũng cần phải điều chỉnh hình thức giám sát. Những cộng đồng nhỏ như trường học, gia đình cần có trách nhiệm trong việc quản lý con em. Khi đó, nếu bất kỳ xáo động nào xảy ra với giới trẻ, chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nhận ra và có hướng xử lý.

- Cuộc tấn công ảnh hưởng đến quyết tâm chống IS của các nước như thế nào?

Cuộc khủng hoảng về người nhập cư quy mô lớn vào châu Âu cùng với vụ tấn công khủng khiếp ở Paris vừa qua đã buộc những lãnh đạo G20 phải thay đổi chương trình nghị sự khi họ nhóm họp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ các nội dung kinh tế, họ phải chuyển hướng thảo luận về cuộc nội chiến kéo dài ở Syria.

Nhiều ý kiến cho rằng, Damascus phải thay đổi lập trường muốn giữ vững cấu trúc nhà nước. Sau đó, phương Tây sẽ cùng làm việc với cả quân đội Syria và những lực lượng vũ trang nổi dậy ở nước này để cùng hợp tác chống khủng bố IS.

Người dân ở Marseille thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân đêm 14/11. Ảnh: Reuters

Chính sách về nhập cư ra sao?

- Theo ông, liệu châu Âu sẽ điều chỉnh chính sách về người nhập cư sau những vụ tấn công chấn động?

- Tôi không nghĩ như vậy. Việc xem xét chính sách phải cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm vụ khủng bố vừa xảy ra và làn sóng tị nạn khổng lồ từ Trung Đông. Tuy nhiên, chắc chắn, các nước phải tìm ra giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria vì đây là nguyên nhân quan trọng của tình trạng di cư khổng lồ hiện nay. Làn sóng tị nạn từ Syria đến châu Âu không thể đảo ngược. Các nước châu Âu phải nhanh chóng hợp tác giải quyết vấn đề gốc rễ này.

Bên cạnh đó, các nước sẽ thắt chặt khu vực biên giới, tăng cường kiểm soát việc tự do đi lại trong khu vực Schengen. Những biện pháp này có thể diễn ra trong ngắn hạn.

- Việc Pháp đóng cửa biên giới sẽ diễn ra trong bao lâu? Tác động về lâu dài của nó là gì?

Trong ngắn hạn, các nước sẽ kiểm tra việc xuất, nhập cảnh gắt gao hơn. Về lâu dài, các quốc gia có thể không muốn tiếp tục tự do di chuyển giữa các nước trong khu vực Schengen. Đây sẽ là điều rất đáng tiếc.

Giáo sư Greg Barton là nhà nghiên cứu về khủng bố nổi tiếng tại Australia. Ông từng làm việc tại Trung tâm Khủng bố Toàn cầu ở Đại học Monash, hiện đang công tác ở tại Đại học Deakin, kiêm phó chủ tịch chương trình Quan hệ Liên tôn giáo và Liên văn hóa UNESCO tại Australia. Các phân tích về khủng bố của ông được nhiều cơ quan thông tấn lớn như New York Times, ABC, Bloomberg... trích dẫn.

Từ Charlie Hebdo đến khủng bố Paris 13/11

Các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Pháp cho thấy kẻ thù đến từ bên trong. Nguyên nhân khủng bố không nhất thiết là xung đột giữa các nền văn minh.

Cú sốc Paris và nước Pháp không yên bình

Chưa ra khỏi cơn ác mộng của vụ khủng bố nhắm vào tòa báo Charlie Hebdo hồi đầu tháng 1, Pháp và thế giới bàng hoàng chứng kiến vụ tấn công liên hoàn ở Paris đêm 13/11.

Minh Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm