Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cú sốc Paris và nước Pháp không yên bình

Chưa ra khỏi cơn ác mộng của vụ khủng bố nhắm vào tòa báo Charlie Hebdo hồi đầu tháng 1, Pháp và thế giới bàng hoàng chứng kiến vụ tấn công liên hoàn ở Paris đêm 13/11.

Lực lượng an ninh sơ tán người dân khỏi khu vực gần nhà hát Bataclan vào rạng sáng 14/10, chỉ vài tiếng sau vụ tấn công liên hoàn tại 6 địa điểm khác nhau ở thủ đô Paris. Ảnh: CNN
Lực lượng an ninh sơ tán người dân khỏi khu vực gần nhà hát Bataclan rạng sáng 14/10, chỉ vài tiếng sau vụ tấn công liên hoàn tại 6 địa điểm khác nhau ở thủ đô Paris. Ảnh: CNN

 

Các địa điểm bị tấn công bao gồm nhà hát Bataclan, nhà hàng Le Petit Cambodge, nhà hàng La Casa Nostra, các địa điểm gần sân vận động Stade de France nơi Tổng thống Pháp tham dự trận đấu giao hữu giữa hai đội tuyển Pháp và Đức và một số địa điểm khác.

Riêng tại nhà hát Bactaclan, nơi 1.500 khán giả đang thưởng thức màn trình diễn của ban nhạc Eagles of Death Metal thì những kẻ khủng bố xông vào bắn thẳng vào khán giả, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Hiện các con số thương vong tăng lên từng giờ và Tổng thống Pháp Francois Hollande lên truyền hình ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, đồng thời tuyên bố đóng cửa hoàn toàn biên giới - hành động đầu tiên và chưa từng có của Pháp trong thế kỷ 21.

Tại sao lại là nước Pháp?

Nước Pháp và châu Âu trong những năm gần đây là nơi không còn an toàn​, dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công khủng bố và càng về sau các cuộc khủng bố càng tinh vi, để lại con số thương vong lớn hơn trước​. Từ vụ 3 học sinh Do Thái bị giết ở Toulouse (Pháp) tháng 3/2012, vụ 4 người Do Thái bị kẻ khủng bố tình nghi là thành viên của IS giết hại tại Brussells (Bỉ) tháng 5/2014 và sau đó là hai vụ tấn công trong năm nay tại Pháp.

Có thể nói, trong lịch sử cận đại từ sau năm 1945 nước Pháp và châu Âu chưa từng chứng kiến cuộc tấn công khủng bố tương tự: Lớn về quy mô, nhiều về thương vong, tinh vi về cách thức tổ chức, man rợ về cách thức thực hiện.

Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi một loạt sự kiện diễn ra gần đây và bối cảnh xung quanh, dường như đây là kết cục có vẻ tất yếu, dù không ai mong muốn, và chỉ có điều nó lại diễn ra nhanh hơn dự kiến. Điều tồi tệ hơn là các nhóm khủng bố nhìn nhận đây là “thắng lợi”, là sự "khích lệ" để từ đó lên kế hoạch cho các vụ khủng bố có thể còn tồi tệ hơn trong tương lai.

Hiện chưa có bất kỳ tổ chức hay cá nhân nhận lãnh trách nhiệm các vụ tấn công. Tuy nhiên, nhiều khả năng là các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan, al-Qaeda hoặc IS và một lần nữa nước Pháp được “chọn”, vì một số lý do sau:

Trước hết, nếu nhìn vào “thành tích” khủng bố gần đây, thì chỉ các nhóm Hồi giáo cực đoan, al-Qaeda và IS mới đủ khả năng và nguồn lực, sự dã man và tàn bạo để mở cuộc tấn công như vậy.

Hơn nữa, cách thức tấn công vẫn như lâu nay khi IS hay các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện các vụ tấn công khủng bố ở Trung Đông, châu Âu hay tại các nơi khác.

Thứ hai, đây là vụ tấn công có tính chất trả thù và dằn mặt nước Pháp. Tháng 9 vừa qua Pháp quyết định tham gia chiến dịch không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria và Iraq cùng với Mỹ và chỉ trong 5 ngày nữa tàu sân bay Charles de Gaulle duy nhất của Pháp sẽ lên đường sang Trung Đông hỗ trợ cho các lực lượng Pháp đang tham chiến. Ở một khía cạnh khác, Pháp là đối tượng gây khá nhiều “ác cảm” đối với người tỵ nạn Syria hay Trung Đông so với các nước EU chủ chốt khác.  

Còn lý do gần nhất là một ngày trước đó “John đao phủ” (tức Jihadi John) một công dân Anh đầu quân cho IS chuyên chặt đầu các con tin nước ngoài bị Mỹ sát hại. Đây có thể là vụ trả thù cho John, nhưng chắc chắn được các phân tử khủng bố lên kế hoạch từ trước và nay quyết định ra tay để chứng tỏ khả năng có thể tấn công trả đũa.

Thứ 3, vụ việc này cho thấy các biện pháp mạnh tay chống khủng bố của Pháp, EU sau vụ Charlie Hebdo đã không phát huy tác dụng vàđang có những lỗ hỏng cực lớn trong ngành an ninh và tình báo Pháp khi họ không có bất cứ thông tin về vụ khủng bố này. Và điều này cũng đồng nghĩa các phần tử khủng bố đã "chui sâu, leo cao" hoạt động hết sức tinh vi và dễ dàng qua mặt được một trong những lực lượng an ninh và tình báo tinh nhuệ nhất châu Âu hiện nay.   

Một số hệ quả

Cảnh sát tuần tra xung quanh nhà thờ Notre Dame ở Paris, ngày 14/11, sau vụ tấn công. Ảnh: CNN
Cảnh sát tuần tra xung quanh nhà thờ Notre Dame ở Paris, ngày 14/11, sau vụ tấn công. Ảnh: CNN

Nếu các nhận định trên là đúng thì các hệ quả đối với nước Pháp, châu Âu và thế giới từ vụ tấn công này sẽ cực lớn.

Trước hết, châu Âu sẽ phải có một cuộc đại tổng duyệt và đại phẫu thuật lại hệ thống an ninh nội địa của mình. Các cuộc tấn công nước pháp chỉ là đòn cảnh báo phủ đầu. Nếu như bom có thể phát nổ tại Paris, một trong những "pháo đài" được canh phòng cẩn mật tại Paris thì không có lý gì nó lại không thể diễn ra tại các nơi khác ở châu Âu.

Thứ hai, cuộc tấn công khủng bố này báo hiệu một thời kỳ vô cùng khó khăn và khắc nghiệt đối với người nhập cư đến từ Syria, các nước Hồi giáo Trung Đông và Bắc Phi. Chắc chắn châu Âu sẽ không thể có chính sách buông lỏng người nhập cư như trước nữa do ly do nhân đạo sẽ ngày càng khó thuyết phục các cử tri châu Âu.

Điều này sẽ liên quan đến số phận của hàng triệu người tỵ nạn đang ở trên đất EU và hàng chục ngàn người tiếp tục đổ về châu Âu mỗi ngày. Trong khi đó, các đảng phái chính trị mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa, tìm cảm bài ngoại sẽ có chiều hướng lên ngôi ở Pháp và châu Âu. Và tất nhiên, các căng thẳng, kỳ thị sắc tộc, tôn giáo sẽ có nguy cơ ngày một khó hàn gắn và lại càng tạo mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động khủng bố.

Thứ ​3, tuy là hành động khủng bố, hệ quả kinh tế đối với châu Âu và nước Pháp lại không nhỏ, có thể đẩy kinh tế châu Âu vốn đang phục hồi chậm chạp vào đợt suy thoái mới. Nên nhớ rằng tháng 11 và 12 là mùa mua sắm và đi lại lớn nhất trong năm và sẽ rất nhiều người châu Âu ngại đến các tụ điểm mua sắm, giải trí đông người.

Thứ 4, vụ khủng bố này sẽ buộc các cường quốc châu Âu, các bên liên quan sớm đi đến nhất trí trong việc đẩy nhanh các hoạt động ngoại giao, thậm chí cả hoạt động quan sự, và quân sự nhằm đi đến chấm dứt nội chiến ở Syria, các xung đột sắc tộc tôn giáo ở Trung Đông – nguyên nhân sâu xa đưa đến vụ khủng bố tại Paris đêm qua và có thể những bất ổn lớn hơn trong tương lai.

Chuyện gì xảy ra ở từng địa điểm tại Paris?

Các phần tử khủng bố bắt cóc con tin và xả súng liên tiếp ở nhà hát, nổ súng vào quán bar, cho nổ bom bên ngoài sân vận động ở Paris khiến toàn nước Pháp và thế giới chấn động.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao

Bạn có thể quan tâm