Bên trong nhà hát Bataclan, Ảnh: Pinterest |
Khủng bố đã tấn công 6 địa điểm riêng biệt tại Paris gồm sân vận động Stade de France, phố Charonne, phố Bichat, phố Fontaine au Roi, đại lộ Voltaire, nhà hát Bataclan ở thủ đô Paris trong đêm 13/11. Trong đó, nhà hát Bataclan là địa điểm bị tấn công nghiêm trọng với số người thiệt mạng cao nhất, 118 nạn nhân.
Bataclan, nằm trên đại lộ Voltaire ở phía đông của thủ đô Paris, là một trong những tụ điểm âm nhạc nổi tiếng nhất của thành phố. Được xây dựng vào năm 1864, Bataclan mang phong cách kiến trúc phỏng theo các ngôi chùa Trung Quốc.
Khi vụ tấn công xảy ra, rất đông khán giả có mặt trong khán phòng, vốn có sức chứa khoảng 1.500 người, để xem ban nhạc Mỹ Eagles of Death biểu diễn. Các nhân chứng cho biết trên đài truyền hình Pháp rằng đây là một vụ thảm sát. Họ nói các tay súng ném chất nổ lên sân khấu, xả đạn vào đám đông bằng vũ khí tự động rồi bắt hàng chục con tin trước khi cảnh sát đột kích.
Theo tạp chí tin tức hàng đầu của Pháp Le Point, nhà hát Bataclan trở thành mục tiêu của vụ tấn công liên hòan có thể do đây là địa điểm nổi tiếng kết nối người Do Thái.
Nhà hát Bataclan cũng thuộc quyền sở hữu của một người Do Thái. Nơi đây từng là mục tiêu đe dọa liên tiếp của các nhóm chống phong trào phục quốc Do Thái nhiều năm gần đây.
Theo tờ Le Point, vụ tấn công ngày tối 13/11 có thể liên quan tới hàng loạt cảnh báo trước đó.
Hồi năm 2011, một thành viên của nhóm phiến quân Hồi giáo “Jaish al-Islam” từng tuyên bố rằng: “Bọn ta đã có kế hoạch tấn công Bataclan vì chủ sở hữu của nó là người Do Thái”.
Hồi tháng 12/2008, một video cho thấy nhóm thanh niên che khăn rằn, đe dọa giới chức nhà hát Bataclan vì tổ chức một buổi gala cho cảnh sát biên giới Israel.
Ban nhạc Eagles of Death biểu diễn tại nhà hát Bataclan tối 13/11 cũng được cho là có mối liên hệ với Israel. Ban nhạc này từng lưu diễn tại Israel mùa hè vừa qua, bất chấp sự phản đối từ cựu thành viên của ban nhạc.
“Cảnh tượng giống cuộc tàn sát”
Nhân viên cứu hỏa hỗ trợ một nạn nhân bị thương gần nhà hát Bataclan sau vụ việc. Ảnh: Reuters |
Khi đám đông khán giả đang chăm chú theo dõi màn biểu diễn của ban nhạc Eagles of Death, đột nhiên, 4 người đàn ông cầm AK-47 tiến vào hội trường. Những tiếng hô “Đấng tối cao vĩ đại” vang lên trước khi những kẻ này nổ súng. 20 phút sau, cuộc tấn công biến thành vụ tàn sát.
“Khi chúng bắt đầu xả súng, chúng tôi chỉ thấy những tia sáng lóe lên. Mọi người gục ngã xuống đất ngay tức thì. Mọi thứ tối sầm”, một nhân chứng tên Gwen nói với kênh BFM-TV.
Trong những giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết, mọi người trèo lên những chiếc hộp cao ở hội trường hay co rúm dưới ghế. Các nghệ sĩ vội vàng rời sân khấu.
“Cảnh tượng giống cuộc tàn sát. Đó là cuộc tắm máu”, Julien Pearce, một phóng viên của đài Europe 1, nói với CNN. Ông đã ở bên trong nhà hát Bataclan khi sự việc xảy ra.
Người ta không rõ bao nhiêu người đã ở trong nhà hát khi vụ tấn công nổ ra.
Pearce nói với CNN rằng ông thấy hai tay súng bước vào rạp hát và xả súng ngẫu nhiên. Chúng mặc đồ đen và không nói gì, chỉ bắn bừa bãi vào đám đông. Khi Pearce chạy thoát và bước ra đường, ông trông thấy 25 thi thể nằm trên mặt đất.
“Sự việc kéo dài 10 phút khi tất cả mọi người nằm trên sàn và ôm đầu. Chúng tôi nghe thấy nhiều tiếng súng và những kẻ khủng bố rất bình tĩnh, dứt khoát. Chúng nạp vũ khí 3 tới 4 lần”, ông Pearce kể.
Khoảng 22h, các tay súng bắt đầu bao vây người sống sót, bắt họ làm con tin khi hàng chục cảnh sát ở ngoài nhà hát. Sự căng thẳng bao trùm nơi này hơn hai tiếng. Cảnh sát tiếp tục được huy động tới hiện trường.
"Tôi nhìn thấy hai kẻ điên. Chúng xả súng vào mọi người", một nhân chứng tên Yasmine nói với kênh truyền hình BFM. Cô nghe thấy một trong những người đàn ông hét lên: "Các người đang phải trả giá cho những việc đã làm ở Syria".
Yasmine khóc khi kể lại những gì cô đã nhìn thấy. "Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người chết như vậy ở xung quanh tôi". Yasmine đã bị bắn vào chân.
Ít nhất 158 người thiệt mạng sau vụ tấn công liên hoàn. 8 nghi phạm đã chết, trong đó có 7 kẻ đánh bom tự sát. Đây được cho là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Paris kể từ Thế chiến II. Hiện chưa nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.