Đầu xuân nào Kim Long (28 tuổi, ngụ quận 1) cũng đi lần lượt chúc Tết gia đình cô, dì, bác là cư dân các chung cư.
“Ngoài việc mất thời gian gửi xe, mỗi lần đến chung cư tôi bước đi như con mèo vì sợ làm ồn. Ngày Tết tôi không muốn gây sự khó chịu cho người sống ở đây và cả tôi”, Long cho biết.
Có người quen sống ở các chung cư là điều phổ biến ở TP.HCM. Người dân thành phố cũng phần nào biết hoặc quen thuộc với cách thức ra vào chung cư. Vào dịp Tết, mọi người đến nhà người quen ở chung cư chơi, một số cảm thấy hơi bất tiện trong khi chủ nhà “tha thiết” mời đến.
Khách đến giữ ý
Người thân, bạn bè của anh Long sống tại một chung cư cao cấp ở Phú Mỹ Hưng (quận 7), Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức), River Gate và The Gold View (quận 4).
“Đây là những chung cư cao cấp và có không gian rộng lớn, việc phát ra tiếng ồn ở sảnh hay hành lang thì âm thanh vang to hơn. Do đó, tôi luôn giữ ý nói nhỏ nhẹ, bước đi ‘rón rén’ hơn”, Long chia sẻ với Zing.
Long kể khi người thân mở cửa căn hộ, anh chỉ nhỏ tiếng chào. Khi vào trong và đóng cửa lại, anh mới cất giọng lớn chúc Tết, reo mừng đùa với các cháu. Anh sợ tiếng ồn lọt sang căn hộ khác, ảnh hưởng không gian Tết nhất nhà người ta.
“Khách đến chung cư chúc Tết thì ít cảm nhận không khí Tết như nhà dưới đất là vì vậy. Phải giữ ý nhưng tôi đã quen với điều này”, anh Long cho hay.
Khoảng mùng 4-5 Tết, Hoàng (28 tuổi) ở chung cư Opal Riverside (TP Thủ Đức) thường rủ nhóm bạn thân đến ăn bữa tân niên.
“Tết năm 2019 khi tôi chuyển về đây, nhóm bạn không muốn lên nhà vì ngại vào chung cư ‘lằng nhằng’ thủ tục. Nhưng vì hàng quán ngoài đường đông quá, họ mới chịu đến nhà tôi có chỗ mở tiệc”, Hoàng kể.
Bạn của Hoàng “than vãn” vì mất thời gian xuống hầm gửi xe, đi bộ đến chỗ thang máy, đợi bảo vệ gọi chủ nhà xác nhận mới vào được, rồi đợi thang máy lên căn hộ, lỡ phải xuống sảnh mua đồ lại phải đợi thang. Quá trình này có khi tốn 5-10 phút.
Khách vào chung cư thường phải gửi xe, đợi chủ nhà xác nhận mở cửa thông qua chuông đàm hoặc phải lên lễ tân đăng ký. Ảnh: Đức Huy. |
Song, anh Kim Long hay bạn bè của Hoàng đều hiểu và thông cảm lý do các chung cư cao cấp sẽ cần nhiều công đoạn hơn khi tiếp đón người vào không phải cư dân. Gửi xe tập trung ở hầm hay kiểm soát lên xuống thang máy thì cũng vì giữ an ninh.
Chủ nhà không ngại
Anh Trần Quỳnh (31 tuổi) ở chung cư 9 View (TP Thủ Đức) không ngại khi tiếp đón người quen đến chúc Tết.
“Tết nhất người thân, bạn bè quý hóa mới đến nhà mình chơi. Gia chủ rất vui, ngại ngần gì đâu, tôi còn mong nhiều bạn, đồng nghiệp đến. Đi chúc Tết chẳng lẽ ra quán cà phê”, anh Quỳnh bày tỏ quan điểm.
Theo anh Quỳnh, các chung cư ở TP.HCM thân thiện với người dân. Người đến chơi chỉ cần báo đúng thông tin căn hộ, hoặc đợi một chút để lễ tân, bảo vệ xác nhận với chủ nhà là có thể lên. “Chung cư chứ không phải cơ quan làm việc đâu mà khó dễ”, anh này nói.
Khách đến chúc Tết ở các chung cư TP.HCM có thể tranh thủ chụp ảnh cùng các tiểu cảnh trang trí ở sảnh trong khi đợi gia chủ xuống đón. Ảnh: Cư dân Vinhomes Central Park. |
Đức Huy (28 tuổi) sống một mình ở chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) thường rủ nhóm bạn đến chơi vào mấy ngày Tết. Sau mùng 1 về nhà phụ huynh cũng ở TP.HCM, thì từ mùng 2 anh mong bạn đến nhà cho vui cửa vui nhà.
“Tôi không màng sự bất tiện khi phải xuống đón khách. Thường nhóm bạn tôi người đến trước người đến sau. Người đầu tiên đến tôi sẽ xuống đón, sau đó tôi đưa thẻ cho tụi bạn tự đón người đến sau. Bao lần rồi vẫn ổn”, Huy kể.
Còn chị Lệ Thủy cùng khu chung cư với Đức Huy cũng thường đón người thân đến chúc Tết ở căn hộ. Vì họ hàng chị đa phần ở ngoài Bắc, người ở TP.HCM không nhiều nên chị vẫn dành thời gian để mời mọi người đến họp mặt, ăn tân niên.
“Năm nay, vì tình hình dịch bệnh thế này, gia đình tôi chỉ tiếp người nhà, bạn thân thôi. Và có thể những Tết sau này sẽ ít tiếp khách hơn”, chị chia sẻ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.